Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc sống như địa ngục trong 'trại sửa giới tính' tại Trung Quốc

Sau khi bị gia đình ép đưa đến một ngôi trường ở Trùng Khánh, Huang Xiaodi sống trong nỗi khiếp sợ, phải bới rác tìm thức ăn khi nỗ lực bỏ trốn khỏi nơi này.

trai chinh sua gioi tinh tai Trung Quoc anh 1

Tháng 3/2018, Huang Xiaodi (sinh năm 2001) bị cha mẹ ép đưa đến ngôi trường ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Nguyên nhân là cô - sinh ra trong hình hài của nam - uống thuốc điều chỉnh hormone và quyết định thú nhận với cha mẹ giới tính thật của mình.

Huang đã trò chuyện với cha và mong muốn gia đình hiểu cho lựa chọn của mình. Cô bỏ học từ năm nhất THCS và làm thợ sửa xe, dọn ra ở riêng trước đó.

Cha mẹ đưa Huang tới ngôi trường được quảng cáo là “can thiệp khủng hoảng tâm lý, huấn luyện quân sự, lao động, giáo dục lòng hiếu thảo, biết ơn”. Tại đây, Huang được người đàn ông có tên “lão Trương” tiếp quản.

Trải nghiệm của cô sau đó trở thành vết sẹo tâm lý không thể quên.

trai chinh sua gioi tinh tai Trung Quoc anh 2

Người ủng hộ đấu tranh cho quyền của người đồng tính, phản đối hành động điều trị sốc điện ở nhiều nơi cho nhóm LGBT. Ảnh: AP.

Nỗ lực bỏ trốn và hình phạt tàn khốc

Vài tuần sau khi Huang đến “trại tập trung” ở Trùng Khánh, lão Trương cùng các huấn luyện viên đánh thức học sinh vào lúc 3h. Chen Hongbang, cậu bé 14 tuổi, đã đánh cắp chùm chìa khóa và cố gắng mở cổng để trốn thoát khỏi nơi này. Nhưng hành động đó bị phát hiện do tiếng động quá to, đánh thức các giáo viên.

Lão Trương nói: “Chúng tôi đã không gặp sự cố như thế này trong thời gian dài. Ta phải cho các em cái gì đó để ghi nhớ. Mọi hoạt động sẽ bị hủy bỏ, chúng ta sẽ bước vào tuần địa ngục”.

Huang nhìn thấy Chen bị đưa vào một góc. Hai học sinh khác đè Chen xuống đất, trong khi đó, lão Trương quật từng gậy mạnh vào cơ thể cậu bé. “Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét, tựa như chú lợn bị hành quyết. Không ai dám di chuyển. Cũng không ai dám nghĩ đến việc trốn thoát lần nữa”, Huang nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Khi đó, Huang hiểu rằng không có "thời gian thử thách" và cô quyết tâm đạt được điểm cao và tạo sự tin tưởng. Năm tháng sau (8/2018), cô đứng thứ hai trong một cuộc thi thể thao nhờ hoàn thành 150 lần chống đẩy sau 3 phút.

Màn trình diễn đã giúp Huang trở thành người nổi tiếng của trường, được dán thêm một sao trên cầu vai. Điều này chỉ dành cho 5 trên tổng số học sinh tại đây. Huang bắt đầu được hưởng những đặc quyền, ví dụ ăn kem. Khi các huấn luyện viên đánh bại cô, Huang cũng không buồn hay phàn nàn. Cô nói rằng bản thân luôn tự nhắc nhở “chừng nào còn sống, tôi còn hy vọng và phải thoát ra”.

Chúng tôi nghe thấy tiếng la hét, tựa như chú lợn bị hành quyết. Không ai dám di chuyển. Cũng không ai dám nghĩ đến việc trốn thoát lần nữa

Huang Xiaodi.

Một ngày của tháng 8/2018, cha mẹ bất ngờ đến thăm Huang. Cả gia đình đi ăn lẩu và cô gái 17 tuổi đã cố gắng thuyết phục rằng mình đã thay đổi, cũng không thể chịu đựng thêm. Cha mẹ hứa sẽ đón Huang sau Tết Nguyên đán.

“Hãy là một người tốt, làm việc chăm chỉ và trở lại như trước kia", cả nhà dặn dò trước khi rời đi.

Sau bữa tối, họ ghé một cửa hàng tiện lợi và Huang mua vài hộp chocolate. Trái tim Huang đập thình thịch, cô biết đây là cơ hội của mình. 6 tháng nữa mới đến năm mới.

Trong khi cha mẹ loay hoay tìm tiền lẻ, Huang lẩn sau những kệ hàng và bỏ trốn. Bên ngoài không có đèn đường, chỉ có mặt trăng soi rọi cho hành trình đến với tự do của cô gái. Huang chạy xuống đồi và lăn vào bụi đất khi có chiếc xe nào đó chạy qua.

Một chiếc xe tải dừng lại, hai giáo viên hướng dẫn của trường bước ra, Huang trốn vào con hẻm trước khi nhảy ra cánh đồng rau, mài đầu gối vào giá dưa chuột và ngã mạnh xuống đất.

"Có đứa trẻ đã nhảy qua" - cô nhớ lại một trong những người đàn ông hét lên. "Dạt ra!".

Chừng nào còn sống, tôi còn hy vọng và phải thoát ra.

Huang Xiaodi.

Đèn pin chiếu rọi trên đầu, nhưng Huang cố gắng áp chế nỗi sợ và nhích ra khỏi sân. Chân phải dù đau đớn nhưng vẫn cố khập khiễng hướng về cây cầu gần đó. Huang liên tục trấn an và tự cổ vũ: “Di chuyển! Chạy! Chạy”.

Khoảng 20 phút sau, cô nhìn thấy ánh đèn của một khu công nghiệp, không còn bóng dáng kẻ truy đuổi. “Cuối cùng mình đã làm được”, cô gái tự nói với bản thân.

Huang mua vé xe buýt với giá 2 nhân dân tệ, đến Bệnh viện Tây Nam, nơi cô đã khám bác sĩ tâm lý cùng cha trước đó. Đây cũng là nơi cô đã quen đường đi nước bước. Trong vài ngày tiếp theo, Huang ngủ ở hành lang, uống nước từ vòi nhà tắm và bới rác tìm thức ăn.

Một người dọn vệ sinh thấy Huang và định gọi cảnh sát. Nhưng cô gái đã cầu xin và cho người này 20 nhân dân tệ, nhờ giúp đỡ. Huang cố gắng tìm kiếm việc làm tại các cửa hàng gần đó. Nhưng tất cả đều yêu cầu giấy tờ tùy thân. Cô nghĩ đến việc liên lạc với cảnh sát, nhưng sợ lão Trương đã đi trước một bước.

Vài ngày sau, màn đêm buông xuống, Huang lẻn vào căng-tin tầng hầm của bệnh viện. Cô gái mở lò hấp, nhồi những chiếc bánh bao thịt, sườn heo và trứng vào bụng, khỏa lấp cơn đói lâu ngày. Tối hôm sau, cô đến siêu thị tìm một chiếc điện thoại. Lúc này, Huang bị nhân viên phát hiện và cảnh sát tạm giam ở đồn Tianxingqiao. Cảnh sát đã giúp Huang liên lạc với cha. Người đàn ông này khuyên Huang quay trở lại trường học, tắm rửa, ăn uống và sẽ đón con gái trong vài ngày tới.

trai chinh sua gioi tinh tai Trung Quoc anh 3

Huang sống trong sợ hãi, tìm cách trốn thoát khỏi ngôi trường địa ngục. Ảnh minh họa: Freepik.

Bị lừa dối lần thứ hai

Huang bị ép trở lại trường, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi cô bỏ trốn. Nếu cha mẹ đến thăm con, họ không được phép ra khỏi khuôn viên trường. Vài ngày sau, cô nhận ra cha mẹ lừa dối mình một lần nữa.

Bạn cùng phòng của cô, Liao, nói rằng anh biết rằng điều này sẽ xảy ra. “Cha mẹ cậu sẽ không đến. Cậu quá nhẹ dạ. Lẽ ra bây giờ tôi đã ra ngoài, nhưng lão Trương luôn bảo dì gửi thêm tiền và tìm cách giữ tôi ở đây lâu hơn”, Liao bước tới cửa sổ và bắt đầu khóc.

Huang khao khát cơ hội thoát thân lần hai. Vài tháng sau, gia đình đột nhiên xuất hiện, cô bỏ qua chuyện cũ, đón Tết tại nhà. Họ bàn về việc Huang sẽ đi học ở Trùng Khánh và sau kỳ nghỉ họ chuẩn bị xe. Nhưng cô sớm nhận ra cả nhà không lái xe đến Trùng Khánh mà hướng đến tỉnh Hà Nam. Cha mẹ lừa dối con gái của mình lần nữa. Họ lái xe đến căn cứ của trường ở gần Thiếu Lâm - nơi nổi tiếng với võ thuật và rèn luyện thể chất khắt khe, cực khổ.

Gần như ngay lập tức, Huang lên kế hoạch bỏ trốn khỏi nơi này. Vài ngày sau, cô đục tường với sự giúp đỡ của một người bạn cùng lớp và chạy thục mạng. Huang đi mải miết, hàng trăm km, ngủ dưới gầm cầu, ăn rau từ cánh đồng dọc đường. Khi không thể chạy thêm nữa, Huang đi nhờ xe 500 km đến Từ Châu, phía bắc Giang Tô.

Ở đó, Huang được một ông già phát hiện ở công trường. Khi Huang kể lại thử thách và chuỗi ngày kinh hoàng đã trải qua, người đàn ông không tin. “Trời ơi, sao con có thể trụ vững được sau từng ấy việc? Con thậm chí không thể đứng vững trên đôi chân của mình, khuôn mặt hốc hác chỉ còn da bọc bọc xương”. Người đàn ông liên lạc với cha của Huang. Ông đến đón con gái vào sáng hôm sau.

“Cha sẽ không ép buộc con nữa. Con có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn”, ông nói. Lần này, ông không lừa dối con gái. Nhưng điều sau đó cô trải qua cũng không dễ dàng.

Nỗi ám ảnh trong ‘trại sửa giới tính’ ở Trung Quốc (kỳ 1)

Không chấp nhận con cái mang giới tính thứ ba, gia đình tống Huang Xiaodi (ở Giang Tô, Trung Quốc) vào "trại sửa giới tính" với những hình phạt, quy định tàn nhẫn.

Thiên Nhan

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm