Người lao động từ nhiều loại hình cơ sở kinh doanh và tổ chức từ thiện sẽ tham gia vào chương trình dự kiến kéo dài từ tháng 6 tới tháng 12, Guardian đưa tin hôm 4/4.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford, Đại học Cambridge (cùng tại Anh) và Đại học Boston (Mỹ) sẽ phối hợp với một số tổ chức khác thực hiện chương trình thí điểm tại Anh.
Chương trình lần này diễn ra trong bối cảnh phong trào thúc đẩy các công ty áp dụng chế độ tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng có đà tiến. Chế độ này chú trọng giảm giờ làm nhưng không giảm thu nhập.
Người dân đi làm tại Manchester, Anh. Ảnh: Guardian. |
Hai năm đại dịch đã buộc hoạt động kinh doanh phải thay đổi và khiến nhiều người nhìn nhận lại cách làm việc. Chế độ làm việc linh hoạt đã tăng mạnh so với cách làm việc 8 tiếng hành chính mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Joe O’Connor, Giám đốc điều hành 4 Day Week Global - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để thúc đẩy chế độ tuần làm việc 4 ngày, cho rằng không có cách nào để “vặn ngược lại đồng hồ” để trở về thế giới trước đại dịch.
“Các nhà quản lý và điều hành đang ngày càng chấp nhận mô hình mới chú trọng chất lượng việc làm thay vì số giờ làm”, ông O’Connor nói. “Người lao động cũng bước ra khỏi đại dịch với thái độ mới về sự cân bằng cuộc sống - công việc”.
Với 3.000 người tham gia từ nhiều loại hình cơ sở và tổ chức khác nhau, chương trình lần này sẽ lớn và đa dạng hơn chương trình trước đó được thực hiện tại Iceland.
Chương trình tại Iceland do hội đồng thành phố Reykjavik và chính quyền trung ương tiến hành, với sự tham gia của hơn 2.500 công chức.