Thủ tướng vừa ký quyết định điều chuyển ông Phạm Vũ Luận - nguyên Bộ trưởng GD&ĐT - về ĐH Thương mại làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo quy định tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ.
Ông Phạm Vũ Luận từng có thời gian dài công tác tại ĐH Thương mại và giữ chức hiệu trưởng từ năm 1998 đến 2004.
Sau đó, ông được bộ trưởng GD&ĐT đương nhiệm bấy giờ là ông Nguyễn Minh Hiển chỉ định là người phát ngôn chính thức của Bộ GD&ĐT từ tháng 6/2004.
Cựu Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ tháng 12/2009, ông đảm nhiệm vị trí thứ trưởng thường trực và được Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ GD&ĐT.
Tháng 4/2010, ông được giao nhiệm vụ phụ trách điều hành Bộ GD&ĐT thay ông Nguyễn Thiện Nhân. Tháng 6/2010, Quốc hội bổ nhiệm ông Phạm Vũ Luận giữ chức vụ Bộ trưởng GD&ĐT.
Ngày 8/4 vừa qua, ông được Quốc hội khóa XIII miễn nhiệm chức vụ này, bàn giao công việc cho tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trong thời gian điều hành, ông Luận đã cho ra đời Thông tư 30, quy định bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học. Thay vào đó, giáo viên sẽ đánh giá, nhận xét học sinh hàng ngày, trên các mặt học tập, đạo đức, rèn luyện...
Cựu bộ trưởng chỉ đạo đổi mới vấn đề quản lý giáo dục đại học theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường như giao tự chủ tuyển sinh, tự chủ trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo.
Các trường chủ động xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành, chuyên ngành đào tạo; quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp.
Cũng trong nhiệm kỳ của ông Phạm Vũ Luận, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh; tăng cường tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy cô giáo. Các cấp học sẽ có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa.
Ngày 21/8/2015, ông Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm về những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình xét tuyển. Trước đó, việc đăng ký xét tuyển đợt 1 kéo dài 20 ngày dẫn đến tình trạng lo lắng, căng thẳng của thí sinh và phụ huynh. Đồ hoạ: Phượng Nguyễn. |
Năm 2015, ông Phạm Vũ Luận quyết định tổ chức kỳ thi "hai trong một", với kết quả thi được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Kỳ thi đã giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội khi các em chỉ phải dự thi một đợt duy nhất (thay cho 2-3 đợt như trước), các cụm thi được tổ chức tại các địa phương.
Nhưng nếu như phần thi diễn ra thành công và đạt được mục đích, khâu xét tuyển lại xuất hiện nhiều hạn chế.
Đợt xét tuyển đầu tiên kéo dài 20 ngày với quy định cho phép thay đổi nguyện vọng nên thí sinh, người nhà ở khắp nơi đổ về các trường đại học lớn, vạ vật, mệt mỏi chờ rút - nộp hồ sơ.
Hạ tầng công nghệ chưa đạt yêu cầu làm trang công bố điểm thi bị nghẽn thời gian dài, khiến xã hội bức xúc. Đặc biệt, việc kê khai hồ sơ nhiều sai sót dẫn đến việc hàng loạt thí sinh nhập học cả tháng trời mới biết mình trượt đại học.