Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và 5 người khác liên quan vụ án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại GPBank.
Hồi cuối năm 2017, ông Long đã bị HĐXX sơ thẩm TAND Hà Nội tuyên 5 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Lần này, ông Long bị khởi tố do ký phê duyệt cho một doanh nghiệp vay 305 tỷ đồng không đúng quy định, gây thiệt hại cho GPBank hơn 674 tỷ đồng.
Bị cáo Tạ Bá Long tại tòa. Ảnh: Vân Thanh. |
Trong danh sách những người bị khởi tố có 2 thuộc cấp của ông Long gồm: Đỗ Trung Thành (49 tuổi, Phó tổng giám đốc GPBank) và Lương Hồng Thái (38 tuổi, nguyên Phó giám đốc GPBank - Chi nhánh TP.HCM).
Ba bị can còn lại bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP M&C), Nguyễn Trọng Hiếu (Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển năng lượng Việt Lào, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn) và Kim Văn Bộ (nguyên Phó giám đốc Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn).
Theo kết quả điều tra, dự án Cao ốc Sài Gòn M&C do Công ty Sài Gòn One làm chủ đầu tư, có công năng xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê. Do chưa được phép bán nên HĐQT Công ty Sài Gòn One ra chủ trương phân chia cho các cổ đông quyền mua diện tích sàn căn hộ tại dự án nhằm mục đích tăng vốn điều lệ để trả nợ vay ngân hàng và có kinh phí tiếp tục đầu tư dự án.
Không phải chủ sở hữu, chưa có quyền về tài sản trong việc bán các căn hộ nhưng Phùng Ngọc Khánh cấu kết với Nguyễn Trọng Hiếu ủy quyền cho Kim Văn Bộ lập khống hồ sơ việc mua bán, thanh toán 6 căn hộ toà nhà Sài Gòn One.
Ngày 15/8/2011, Kim Văn Bộ ký hợp đồng mua bán 6 căn hộ rộng hơn 3.000 m2 của Công ty Sài Gòn One với giá hơn 477 tỷ đồng. Do có thoả thuận từ trước nên Phùng Ngọc Khánh đã trực tiếp liên hệ với GPBank - Chi nhánh TP.HCM thực hiện vay vốn cho Công ty Điện lực Sài Gòn để thanh toán tiền mua căn hộ nêu trên.
Sau đó Kim Văn Bộ đề nghị vay 305 tỷ đồng gửi GPBank với mục đích mua 6 căn hộ nêu trên bằng tài sản đảm bảo bằng chính 6 căn hộ cộng thêm 255.000 cổ phần đã được nâng khống giá trị của Công ty M&C và của Công ty CP đầu tư Khải Minh đều do Khánh điều hành.
Để hoàn thiện hồ sơ, các bị can lập khống báo cáo tài chính thể hiện Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn có doanh thu hàng trăm tỷ đồng năm 2010 và 2011. Con số trong báo cáo tài chính của Công ty CP M&C cũng được nâng lên hàng chục tỷ đồng, trong khi số liệu do cơ quan thuế cung cấp cho thấy công ty này âm hơn 17 triệu đồng, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2010.
Tiếp nhận hồ sơ vay vốn, Lê Ngọc Thắng (chuyên viên quan hệ khách hàng của GPBank) không thẩm định thực tế nhưng vẫn lập tờ trình gửi Phó giám đốc chi nhánh Lương Hồng Thái phê duyệt.
Khi GPBank giải ngân 305 tỷ đồng, Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn không chuyển trả tiền cho chủ đầu tư bán căn hộ mà sử dụng vào các mục đích khác. Từ giữa năm 2012 đến nay, công ty này không thanh toán tiền gốc, lãi cho GPBank.
Cơ quan tố tụng cũng xác định Phùng Ngọc Khánh vay của Công ty Sài Gòn One gần 129 tỷ đồng đến nay không trả; ký hợp đồng mua bán căn hộ thông qua hình thức huy động vốn với nhiều khách hàng cá nhân thu tổng cộng hơn 11,3 triệu USD và gần 87 tỷ đồng. Sau khi thu tiền, Khánh không nộp về chủ đầu tư mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
Nguyễn Trọng Hiếu và Phùng Ngọc Khánh bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, Kim Văn Bộ giữ vai trò giúp sức. Còn các bị can thuộc GPBank có hành vi ký phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đủ điều kiện, chưa có báo cáo thẩm định tài sản cầm cố là cổ phần; không thẩm định nên không phát hiện được hành vi gian dối của các bị can, gây thiệt hại cho GPBank 674 tỷ đồng gốc và lãi.