VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Tạ Bá Long (65 tuổi, cựu Chủ tịch GPBank), Phạm Quyết Thắng (47 tuổi, cựu Tổng giám đốc ngân hàng này) và 8 bị can về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan vụ án, Phùng Ngọc Khánh (cựu Phó chủ tịch Công ty CP Sài Gòn One Tower) cùng 3 người khác bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Tạ Bá Long tại phiên tòa cuối năm 2017. Ảnh: T.V. |
Theo cáo buộc, tháng 8/2011, ông Khánh cùng đồng phạm lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ tại dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty Điện lực Sài Gòn giá trị 477 tỷ đồng.
Với mục đích chiếm đoạt tiền của GPBank, bị can Khánh còn dùng thủ đoạn nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C từ 14 tỷ đồng thành 510 tỷ (gấp 36 lần). Sau đó, các bị can mang tài sản thế chấp để vay và chiếm đoạt gần 300 tỷ của nhà băng này.
VKS cho rằng quá trình thẩm định cho vay, Tạ Bá Long và nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ GPBank không thực hiện đúng việc kiểm tra mục đích vay và sử dụng vốn. Ông Long và đồng phạm đã làm trái quy định về xem xét, quyết định cho vay, cấp tín dụng khi doanh nghiệp không đủ tài sản đảm bảo.
Phùng Ngọc Khánh đã chi 10% giá trị khoản vay cho nhóm cựu lãnh đạo GPBank để hợp đồng vay vốn được thông qua. Trong đó, Nguyễn Trọng Hiếu (cựu Chủ tịch Công ty Điện lực Sài Gòn) là người tích cực giúp Khánh lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
VKS đánh giá trong vụ án, bị can Khánh có vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của GPBank. Bị can Phạm Quyết Thắng giữ vai trò chính, vì động cơ vụ lợi đã ký phê duyệt đồng ý cho doanh nghiệp vay vốn trái quy định.
Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho GPBank hơn 960 tỷ đồng, trong đó khoản nợ gốc là 305 tỷ, tiền lãi và lãi quá hạn cho khoản vay trên là hơn 650 tỷ.
Hồi cuối năm 2017, Tạ Bá Long bị TAND Hà Nội tuyên 5 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án GPBank bị thiệt hại gần 4.800 tỷ.