Trong chuyến du lịch thăm miền Tây Nam Bộ, chị B.K.A. (du khách Australia, 42 tuổi) không may trượt chân ngã khỏi thuyền và bị gãy xương đùi. Chị nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện FV để cấp cứu.
Lần đầu điều trị cho người mắc bệnh hiếm trên thế giới
Tại bệnh viện, chị B.K.A. cho biết mình có bệnh sử xương hóa đá (osteopetrosis) bẩm sinh. Đây là căn bệnh di truyền hiếm gặp do bất thường trong quá trình phát triển và tái tạo khiến xương giòn và dễ gãy.
Bệnh xương hóa đá (osteopetrosis) là căn bệnh di truyền hiếm gặp, khiến xương giòn và dễ gãy. |
Trực tiếp khám và điều trị cho chị B.K.A., bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm - Khoa Chấn thương Chỉnh hình, cho biết đây là lần đầu anh tiếp nhận bệnh nhân bị xương hóa đá. Đây là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới với tỷ lệ 1/500.000.
"Thông thường xương có hai cấu trúc chính: Sự chắc chắn và độ dẻo dai. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh xương hóa đá, quá trình hấp thụ canxi bất thường làm xương mất tính đàn hồi cần thiết, dẫn đến tình trạng xương cứng nhưng dễ vỡ. Bệnh xuất hiện từ khi sinh ra và có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm mù lòa do dây thần kinh thị giác bị chèn ép, thiếu máu do tủy xương không thể sản xuất đủ hồng cầu và vấn đề xương khớp khác”, bác sĩ Khiêm giải thích.
Bệnh xương hóa đá khiến chị B.K.A. bị gãy xương nhiều lần. Bên cạnh đó, bệnh cũng ảnh hưởng đến thị lực, khiến chị không có khả năng nhìn ở mắt phải và thị lực ở mắt trái hạn chế. Theo bác sĩ Khiêm, hầu hết bệnh nhân thường không sống quá tuổi thiếu niên, do vậy trường hợp của chị B.K.A. là rất đặc biệt. Dù gặp hạn chế về sức khỏe do mắc bệnh hiếm, chị A. vẫn không ngừng nỗ lực để có thể khám phá thế giới.
Ca phẫu thuật trị gãy xương đùi đầy thách thức
Vị trí gãy xương ở đùi của bệnh nhân khá nặng, nguy cơ không thể đi lại cao. Ca phẫu thuật đối mặt nhiều rủi ro, bởi xương rất bất thường và cơ thể bệnh nhân thiếu máu trầm trọng.
Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu y văn, bác sĩ Khiêm nhận định ca phẫu thuật cần được tiến hành cẩn trọng để tránh rủi ro vỡ xương và hạn chế tình trạng mất máu.
Trong ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1,5 giờ, đội ngũ y bác sĩ áp dụng kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt. Việc khoan xương phải thực hiện từ từ, đi từ mũi khoan nhỏ đến lớn, tránh nguy cơ mũi khoan bị gãy trong xương. Bác sĩ Khiêm cũng kiểm soát chặt chẽ nguy cơ chảy máu trong suốt quá trình phẫu thuật.
Bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm và ê kíp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Trong ca mổ, các bác sĩ phải thực hiện truyền máu liên tục để bù lại lượng máu mất đi. Mỗi đơn vị máu đối với bệnh nhân rất quý giá, bởi vì cơ thể không thể tự sản sinh máu mới.
Sẵn sàng điều trị ca bệnh khó và hy hữu
Ca mổ diễn ra suôn sẻ nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ phẫu thuật. Đây là lần đầu tiên bác sĩ Khiêm gặp căn bệnh này trong thực tế.
“Quá trình phẫu thuật rất khó khăn nhưng nhờ nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, lên kế hoạch cuộc mổ chi tiết, chúng tôi đạt được kết quả tốt”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Khiêm cho biết khoa Chấn thương Chỉnh hình thường nhận các ca phức tạp, trong đó có bệnh lạ, hiếm gặp như trường hợp của bệnh nhân B.K.A. Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng điều trị ca bệnh khó và hy hữu để cứu sống bệnh nhân.
BS Trương Hoàng Vĩnh Khiêm tái khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. |
Sau mổ, chị B.K.A. được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Trước khi xuất viện về nước, chị có thể đi lại và tự sinh hoạt cá nhân. Bác sĩ Khiêm đánh giá quá trình hồi phục hoàn toàn cần nhiều thời gian và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sau khi bệnh nhân về Australia.
"Bác sĩ FV rất giỏi và tự tin, dù họ chưa từng gặp tình huống này trước đó. Tôi cảm thấy yên tâm suốt quá trình điều trị. Nhân viên cũng rất thân thiện và luôn nỗ lực giúp đỡ tôi. Tôi ấn tượng với các kỹ thuật viên vật lý trị liệu bởi họ rất chuyên nghiệp và biết cách xử lý tốt tình trạng bệnh nhân”, chị B.K.A. chia sẻ trước khi xuất viện.
Để biết thêm về điều trị các bệnh xương khớp, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Chấn thương Chỉnh hình tại số 6 Nguyễn Lương Bằng (KĐT Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) hoặc số điện thoại (028)54113333.