Sau khi sơ cứu ở một bệnh viện tuyến dưới, anh V. (30 tuổi, Gia Lai) đến khám tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, trong tình trạng vùng bìu trái đau nhức, sưng to, bầm tím với vết rách khoảng 4 cm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn trái trái của anh V. đã bị vỡ hoàn toàn.
Bác sĩ phẫu thuật khâu lại tinh hoàn cho bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp. |
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu để thám sát vùng bìu và cố gắng bảo tồn phần tinh hoàn còn lại cho bệnh nhân. Phương pháp này còn giúp phòng ngừa các nguy cơ như tụ máu, nhiễm trùng lan rộng vùng bìu về sau, ảnh hưởng đến tinh hoàn còn lại.
Theo các chuyên gia nam khoa, tinh hoàn là “nhà máy sản xuất tinh trùng” và cũng là nơi sản sinh nội tiết tố testosterone để duy trì các đặc tính sinh dục của nam giới. Hai tinh hoàn nằm trong bìu và được cấu tạo bởi một bao thớ dày, không đàn hồi gọi là lớp trắng rất chắc chắn.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nguy cơ vỡ tinh hoàn sau một chấn thương vùng bìu lên đến 50%. Tỷ lệ cắt bỏ tinh hoàn cũng tăng từ 7% lên đến hơn 50% nếu phẫu thuật muộn hơn 72 giờ sau chấn thương. Người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo khi nam giới tham gia các hoạt động thể thao, trong lao động và các sinh hoạt thường ngày cần biết bảo vệ vùng kín. Nếu không may gặp tai nạn chấn thương bìu - tinh hoàn, phái mạnh cần đến khám tại những bệnh viện chuyên về nam khoa để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời.