Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đà Nẵng bán lô đất nghìn tỷ cho Phan Văn Anh Vũ với giá 87 tỷ

Hội đồng đình giá xác định dự án 29 ha ở Khu đô thị Quốc tế Đa Phước có giá thị trường gần 4.800 tỷ nhưng Đà Nẵng bán cho Phan Văn Anh Vũ chỉ với 87 tỷ đồng.

Chiều 4/1, VKSND Hà Nội và luật sư thẩm vấn cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh và 20 bị cáo liên quan vụ Phan Văn Anh Vũ thâu tóm hàng loạt đất công ở địa phương này.

Áp dụng luật cũ để giảm tiền sử dụng đất?

Trước khi đặt câu hỏi đối với cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, công tố viên đánh giá ở phần xét hỏi của HĐXX, các bị cáo từng là cấp dưới của ông Minh đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật.

Những người này cho rằng chủ trương, ý kiến chỉ đạo của ông Minh với cấp dưới là trái quy định. “Nhưng duy nhất bị cáo Minh khai thực hiện đúng quy định của pháp luật”, kiểm sát viên nói.

Ông Minh khi được hỏi đã thừa nhận 22 nhà đất công sản bị quy kết chuyển nhượng trái quy định pháp luật là tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, người từng là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng các tài sản này không thuộc đối tượng nhà ở nên nằm ngoài diện điều chỉnh của Nghị định 61.

Ông Trần Văn Minh giải thích các đơn vị mua 22 nhà, đất này để kinh doanh. Tài sản này không phải diện nhà đang ở nên bị cáo đồng ý chuyển nhượng là đúng quy định.

Xet xu 2 cuu Chu tich Da Nang anh 1

Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh. Ảnh: TTXVN.

Ông Minh trích dẫn Nghị định 38 năm 2000 trong đó có nội dung cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất khi mua. Tuy nhiên, đại diện VKSND nói Nghị định 38 được hướng dẫn bằng Luật đất đai năm 1993. Còn sai phạm tại 22 nhà đất công sản trong vụ án này diễn ra năm 2004 nên cần áp dụng Luật đất đai năm 2003.

Phải chăng bị cáo áp dụng luật cũ để thực hiện? Trả lời kiểm sát viên, ông Trần Văn Minh thừa nhận Nghị định 38 hết hiệu lực vào năm 2003. Nhưng bị cáo nói rằng sau khi Nghị định 38 hết hiệu lực, Chính phủ có quyết định 13 cho phép Đà Nẵng tiếp tục áp dụng cơ chế này.

Ông Minh cũng khai khi đang đương chức, ông nhận được chỉ thị 936 về việc hỗ trợ hoạt động tình báo của Phan Văn Anh Vũ tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, VKSND giải thích trong vụ án này, ngoài 4 bất động sản liên quan Bộ Công an còn 18 nhà đất và bất động sản khác. Vì vậy, VKSND mới truy tố bị cáo về cả 2 tội danh trong cáo trạng.

“Đó là cách áp đặt của viện kiểm sát khi không tham chiếu đến chỉ thị 936 của Chính phủ”, ông Minh đưa ra quan điểm.

Xet xu 2 cuu Chu tich Da Nang anh 2

Các bị cáo cấp dưới đều khai ông Minh là người chỉ đạo chuyển nhượng nhiều nhà đất cho Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: TTXVN.

Giám định viên: Đà Nẵng áp dụng sai quy định

Sau đó, VKSND thẩm vấn giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng để kiểm chứng lời khai của bị cáo Trần Văn Minh.

Tại tòa, giám định viên nói ngày 1/11/2007, ông Minh ký quyết định có nội dung đối với nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang được UBND TP cho thuê, nếu bên thuê có nhu cầu mua nhà đất mà nộp tiền một lần thì được giảm 10%.

"Quy định này trái với Nghị định 61 năm 1994", giám định viên nói và giải thích ông Minh đã áp dụng việc bán nhà công sản dành cho người đang đi thuê. Trong khi phía Phan Văn Anh Vũ không thuê các nhà đất này.

Giám định viên cũng nhận định Đà Nẵng áp dụng Nghị định 38 năm 2000 để giảm 10% tiền sử dụng đất là trái quy định. Theo phân tích, tháng 10/2004, Nghị định 38 được thay thế bằng Nghị định 198 nên việc ông Minh áp dụng quy định cũ để bán nhà đất công sản là trái luật.

Ngoài ra, việc ông Minh tiếp tục áp dụng Quyết định 140 để bán chỉ định không qua đấu giá cũng trái quy định, thể hiện ở việc thời điểm bán chỉ có công ty của Phan Văn Anh Vũ tham gia đấu giá.

Làm theo sự phân công?

Chiều nay, VKSND cũng xét hỏi người kế nhiệm ông Minh là bị cáo Văn Hữu Chiến để làm rõ việc ký quyết định thu hồi rồi giao dự án 29 ha đất thuộc Khu đô thị Quốc tế Đa Phước cho Công ty cổ phần Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương, giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo giá thị trường của dự án 29 ha tại thời điểm khởi tố vụ án là 11.300 tỷ đồng, còn giá thị trường lúc đó là gần 4.800 tỷ.

Tuy nhiên, giá chuyển nhượng cho phía Vũ chỉ là 87 tỷ. Cơ quan tố tụng cáo buộc việc ký quyết định này của ông Chiến là trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 11.200 tỷ đồng.

Xet xu 2 cuu Chu tich Da Nang anh 3

Cựu Chủ tịch Văn Hữu Chiến. Ảnh: Việt Linh.

Ông Chiến giải thích thời điểm đó bất động sản Đà Nẵng đóng băng. Còn cơ quan tham mưu báo khu 29 ha là đất mặt nước như lời khai của ông Minh. Căn cứ thỏa thuận mua bán với doanh nghiệp nước ngoài được giao khu đất này, thành phố giữ nguyên giá bán 300.000 đồng/m2 từ năm 2006.

Bị cáo suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình? Trả lời công tố viên, ông Chiến trình bày khi đang giữ chức Phó chủ tịch UBND, ông được giao phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Văn Minh chỉ đạo việc bán nhà đất công sản và chuyển giao loại tài sản này.

"Bị cáo không phải người quyết định mà chỉ làm theo sự phân công", ông Chiến trình bày.

Vậy giả sử chủ tịch làm sai thì bị cáo có thực hiện theo cái sai đó không? Ông Chiến không trả lời ngay mà nói rằng bị cáo làm việc dựa trên công văn trình lên từ 2 cơ quan tham mưu về nhà đất công sản. Sau khi 2 cơ quan này rà soát mới trình lên để bị cáo ký.

Khi đại diện VKSND tiếp tục truy vấn trách nhiệm chính của ông Chiến đối với giấy tờ cơ quan tham mưu trình lên, cựu Chủ tịch Đà Nẵng phân bua giai đoạn ông ký quyết định, thành phố như một đại công trường nên bị cáo không thể rà soát từng ngôi nhà, từng dự án.

8h ngày mai (5/1), phiên toà tiếp tục diễn ra.


Phan Văn Anh Vũ đề nghị không gọi mình là Vũ 'Nhôm'

Trong đơn gửi HĐXX, Phan Văn Anh Vũ đề nghị các cơ quan tố tụng không gọi bị cáo là Vũ "Nhôm" như lâu nay.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm