Sáng 4/1, Phan Văn Anh Vũ (cựu thượng tá an ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) được HĐXX thẩm vấn xung quanh cáo buộc thâu tóm 22 nhà đất, dự án bất động sản ở Đà Nẵng.
Phan Văn Anh Vũ phản bác cáo trạng
Phiên toà sáng nay, Vũ mặc trang phục sáng màu, xưng "tôi" khi trả lời. Ngoài là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Vũ còn là cổ đông lớn nhất tại Công ty I.V.C., Minh Hưng Phát và Nhất Gia Phúc.
Bị cáo có mối quan hệ thế nào với các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng? Trả lời chủ tọa, Phan Văn Anh Vũ khai ông ta không có quan hệ gì với lãnh đạo thành phố. Bị cáo biết các lãnh đạo địa phương vì là doanh nhân.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: TTXVN. |
Nói về 22 nhà đất công sản và 7 dự án bất động sản liên quan vụ án, Vũ trình bày anh ta và các công ty có góp vốn chỉ là bên mua tài sản. Lô đất nào liên quan cá nhân thì bị cáo quyết định. Còn công ty Vũ góp vốn đứng mua thì tất cả lãnh đạo doanh nghiệp cùng bàn bạc. Tuy nhiên, Vũ quyết định cuối cùng vì là cổ đông lớn nhất.
"Tôi được quyền làm những gì pháp luật cho phép, tôi là cổ đông lớn nhất nên có quyền quyết định”, Phan Văn Anh Vũ trình bày.
Trong phần khai báo, Phan Văn Anh Vũ phản bác cáo trạng quy kết bị cáo và các công ty góp vốn nhận chuyển nhượng 15/22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản trái quy định sai.
“Tôi hoàn toàn không đồng tình với các nội dung trong cáo trạng. Tôi đã gửi một số ý kiến mong HĐXX xem xét”, Vũ nói việc giải quyết đề nghị của bên mua hay không thuộc thẩm quyền của UBND.
"Nếu toà kết tội, bị cáo sẽ khởi kiện các công ty đã bán đất"
Trình bày thêm về việc mua đất, Vũ nói rằng ông ta là người kinh doanh bất động sản nên hỏi mua khi thấy cơ hội làm ăn.
Vì sao bị cáo biết các công ty ở Đà Nẵng có bất động sản để bán? Đáp lời chủ tọa, Vũ nói việc này rất đơn giản. Lúc đó, thị trường nhà đất ở Đà Nẵng đang đóng băng. Nhiều nhà, đất và dự án cần bán được công bố rộng rãi.
"Bất kỳ người dân nào cũng có thể biết, trong khi tôi là người kinh doanh bất động sản”, Vũ khai và khẳng định đã mua bán bất động sản thông qua thỏa thuận theo hợp đồng, chuyển tiền qua tài khoản theo quy định pháp luật.
Vũ cùng phản bác lời khai của các cựu cán bộ Đà Nẵng cho rằng bị cáo có quan hệ thân thiết với lãnh đạo thành phố nên được “ưu ái” khi mua đất công sản. Phan Văn Anh Vũ lý giải dưới góc độ doanh nghiệp, ông ta biết danh tính lãnh đạo địa phương là việc bình thường.
Bị cáo có biết Luật đất đai quy định việc mua nhà, đất hay dự án bắt buộc phải qua đấu giá? Vũ nói luật này rất phức tạp. Với tư duy lúc đó, Vũ thấy thành phố Đà Nẵng có chủ trương bán bất động sản với mức giá hợp lý nên mua. "Anh mà bán sai thì anh phải chịu trách nhiệm", Phan Văn Anh Vũ phân bua và nói rằng nếu phiên tòa lần này kết tội, bị cáo sẽ khởi kiện các công ty đã bán đất khiến ông ta vướng lao lý.
"Bị cáo thấy trong cáo trạng mình như một tội đồ, mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo trong khi bản thân chỉ là người đi mua”, Vũ trình bày và mong HĐXX xem xét toàn bộ nội dung quy kết bị cáo.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: TTXVN. |
Tại phiên toà hôm nay, Vũ nộp đơn kiến nghị với 4 nội dung. Bị cáo cho rằng cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều đồ dùng cá nhân không liên quan vụ án như 3 điện thoại, 29.000 đôla Singapore. Vũ đề nghị HĐXX xem xét việc này vì số vật chứng thu giữ không được nêu trong cáo trạng.
Ngoài ra, Vũ có đề nghị cơ quan tố tụng không gọi mình là Vũ "Nhôm". “Có đại diện viện kiểm sát ở đây, bị cáo mong viện kiểm sát bỏ tên đó. Cha mẹ khai sinh đặt cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo không có tên Vũ "Nhôm". Cứ gọi Vũ "Nhôm", báo chí cũng đưa Vũ "Nhôm", bị cáo nói tại tòa.
Về đề nghị này, HĐXX đề nghị cơ quan báo chí đưa tin trung thực, tôn trọng quyền cá nhân theo đúng Luật Báo chí và Luật An ninh mạng.
Trong kiến nghị gửi đến tòa, Phan Văn Anh Vũ cũng nêu quan điểm đồng tình với nội dung quy kết trong cáo trạng. Phiên tòa đang ở phần xét hỏi nên HĐXX đề nghị bị cáo trình bày quan điểm ở phần tranh luận.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 cũng không đồng ý với việc VKSND Tối cao kê biên tài sản. Theo Phan Văn Anh Vũ, bằng quyết định không số, cơ quan công tố đã kê biên thi hành án 32 tài sản, kê biên tịch thu 10 tài sản khác. Bị cáo cho rằng việc kê biên tịch thu tài sản là trái quy định pháp luật.
Với đề nghị này, HĐXX cho biết sẽ xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.
"Ngày 4/1/2018, bị cáo bị bắt trong vụ án Làm lộ bí mật Nhà nước", HĐXX hỏi. Phan Văn Anh Vũ khai đã tự đến trụ sở cảnh sát Singapore để công an dẫn về Việt Nam.
Bị cáo đã có lệnh truy nã? Trước câu hỏi trên của HĐXX, Vũ nói: "Bị cáo chưa nhận được quyết định truy nã nào và bị cáo hoàn toàn không bị bắt. Bị cáo qua Singapore thì thấy ở nhà đưa lên mạng khởi tố, khám xét. Bị cáo tự nguyện đến đồn cảnh sát Singapore để đưa bị cáo về Việt Nam trình diện, chứ không ai bắt bị cáo ở Singapore”.
Cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh bị cáo buộc ký ban hành các văn bản chỉ đạo chủ trương xử lý nhiều nhà đất công sản và dự án trái quy định. Trong vụ án, ông Minh có vai trò chính, trực tiếp cùng các bị cáo khác phạm tội.
Các bị cáo đã tạo điều kiện cho Vũ nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án. Từ đó, Vũ có cơ hội trục lợi, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
Còn ông Văn Hữu Chiến khi còn là Phó chủ tịch TP Đà Nẵng đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Trần Văn Minh, ký ban hành các quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng nhiều nhà, đất công sản và dự án trái quy định. Viện kiểm sát quy kết bị cáo Văn Hữu Chiến là đồng phạm giúp sức cho ông Trần Văn Minh.