Sinh viên điều dưỡng trong một buổi học thực hành. Ảnh minh họa: Đại Thắng. |
Thông tin được PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai hoạt động trọng tâm của ngành y tế thành phố năm 2025.
Theo lãnh đạo Sở, trong năm nay, thành phố đã có những hoạt động nổi bật như chủ động chống dịch sởi, đấu thầu thuốc cho trung tâm y tế. Bên cạnh đó, ngành y tế đã hình thành mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng, triển khai đề án chuyên nghiệp hoá hệ thống cấp cứu ngoại viện, triển khai thành công kỹ thuật thông tim can thiệp cho bào thai.
Năm nay có 2 bệnh viện công lập của thành phố đạt chuẩn quốc tế. Sở cũng đã ra mắt cổng tra cứu hành nghề y dược, ký kết hợp tác phát triển giữa Sở Y tế TP.HCM với 31 Sở y tế tỉnh, thành phố.
"Những thành công trên không chỉ khẳng định nỗ lực của ngành y tế, mà còn là sự đoàn kết giữa các đơn vị, nhân viên y tế. Trong năm 2025, ngành y tế đòi hỏi các đơn vị nỗ lực thực hiện các đề án, hướng đến chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn", PGS Dũng nói.
Bên cạnh việc đạt được nhiều thành tựu, ngành y tế TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình là các cơ sở thiếu điều dưỡng. Thạc sĩ, điều dưỡng Lữ Mộng Thuỳ Linh, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết sau đại dịch Covid-19, thống kê trên toàn thế giới cho thấy hơn 20% điều dưỡng nghỉ việc, dẫn đến bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo đề án quy hoạch của Chính phủ đến năm 2025, cả Việt Nam phải có 25 điều dưỡng trên 10.000 dân, đến năm 2030 là 33 điều dưỡng, đến năm 2050 là 90 điều dưỡng.
Tại TP.HCM, hiện tỷ lệ điều dưỡng trên 10.000 dân là 37,15. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt 38 điều dưỡng trên 10.000 dân, đến năm 2030 đạt 39 điều dưỡng. Như vậy, tỷ lệ điều dưỡng trên giường bệnh của thành phố hiện nay là 0,74 điều dưỡng/giường, thấp hơn so với các quốc gia phát triển, nơi tỷ lệ này thường từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/giường.
"Điều này cho thấy các điều dưỡng tại TP.HCM đang phải gánh vác rất nhiều công việc so với các quốc gia khác", điều dưỡng Linh nói.
Khối lượng công việc lớn, nhưng mức lương của điều dưỡng chưa tương xứng. Cụ thể, đa số điều dưỡng mới có mức lương khởi điểm từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Khoảng 7% điều dưỡng mới vào làm có mức lương dưới 5 triệu, trong khi có khoảng 26% có mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập như vậy, không đủ để điều dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế. Trong khi đó, thành phố có 6 trường đại học đào tạo nghề điều dưỡng, mỗi năm đào tạo khoảng 1.800 người.
Học phí của các trường này dao động từ 42 triệu đến 87 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi tháng phải trả khoảng 5-10 triệu đồng. Sau 4 năm học, sinh viên ra trường nhận mức lương khởi điểm thấp, phải làm việc đúng 4 năm không ăn, không chi tiêu, không ở trọ mới bù lại khoảng học phí.
Bà Linh cho hay với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, TP.HCM cần bổ sung thêm khoảng 17.000 điều dưỡng trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, mỗi năm thành phố chỉ đào tạo được khoảng 1.800 điều dưỡng, và một phần trong số đó sẽ làm việc tại các tỉnh khác, 300 điều dưỡng nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Như vậy, sau 6 năm, thành phố chỉ bổ sung được 50% số điều dưỡng cần.
Thành phố cần có các giải pháp hiệu quả, bao gồm việc sử dụng tối đa nguồn lực hiện có, cải thiện môi trường làm việc và phân công công việc hợp lý. Ngoài ra, TP.HCM cần triển khai các mô hình trợ lý điều dưỡng và trợ lý nha khoa để hỗ trợ điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, các chính sách thu hút và hỗ trợ tài chính cho sinh viên điều dưỡng cũng cần được cải thiện để khuyến khích các em tiếp tục theo đuổi nghề điều dưỡng.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.