Theo cuộc điều tra về phụ nữ và gia đình của Hàn Quốc, trong giai đoạn 2008-2018, được thực hiện với nhóm phụ nữ trong độ tuổi 15-49, chỉ có 30% trong số 959 người lên kế hoạch "sinh con trong vòng 2 năm" đã có con, trang Korea Bizwire đưa tin.
Shin Yoon-jeong, nhà nghiên cứu từ Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho biết 70% phụ nữ còn lại đã không sinh con trong vòng 2 năm, và 37,9% trong số đó đã từ bỏ ý định sinh con.
Thực tế này cho thấy hầu hết phụ nữ không thực hiện đúng kế hoạch sinh con của họ.
Năm 2018, người Hàn Quốc tin rằng trung bình mỗi gia đình có 2,1 con là lý tưởng. Tuy nhiên, số con thực tế mà phần lớn phụ nữ mong đợi lại không quá một đứa.
"Người Hàn Quốc đang sinh ít con hơn so với kỳ vọng", Shin nói.
Chi phí nuôi dạy con ngày càng đắt đỏ khiến phụ nữ Hàn Quốc e ngại sinh con. Ảnh: Yonhap. |
Những phụ nữ đi làm ít có mong muốn sinh con hơn so với những phụ nữ nội trợ toàn thời gian. Nhóm phụ nữ làm kinh tế cũng có xu hướng trì hoãn việc sinh con lâu dài hơn.
Giá nhà đất và chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng cao khiến nhiều người trẻ xứ củ sâm e ngại việc có con. Họ trì hoãn việc kết hôn, sinh đẻ càng lâu càng tốt và cố gắng tập trung cho công việc.
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies Financial Group (Mỹ), tỷ lệ chi phí nuôi dạy trẻ trên mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc được xếp vào hàng cao nhất thế giới.
Theo một cuộc khảo sát của Viện phát triển Hàn Quốc công bố hôm 9/5 cho thấy 54,2 người trẻ chưa kết hôn ở nước này cho rằng việc không sinh con sau khi cưới vẫn ổn. Con số này đã tăng 23,3% so với lần khảo sát cách đây 5 năm.
Tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc - số con trung bình một phụ nữ sinh trong đời - xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2021, cũng là năm thứ 4 liên tiếp xuống dưới 1% và cho thấy tình trạng nhân khẩu học ảm đạm của quốc gia này.
Để giải quyết tình trạng này, Seoul có kế hoạch tăng các hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác cho những người trẻ kết hôn và sinh con, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sử dụng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em.