Nhiều người trẻ lựa chọn đa sự nghiệp nhằm đa dạng hóa thu nhập, theo đuổi sở thích. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Vừa cầm bình shaker trên tay, Lan (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) vừa trò chuyện với khách hàng ngồi quầy bar, giới thiệu cho từng người về hương vị những ly cocktail bắt mắt.
3 năm qua, anh mở một quán pub tại phố Thái Hà. Công việc thường kết thúc lúc 3h sáng khi khách hàng về hết. Đó cũng là lúc bartender này nằm ngả lưng, trước khi bị đánh thức lúc 7h.
8h, trong chiếc áo sơ mi cùng quần âu, Lan có mặt tại một cơ quan hành chính nhà nước. Anh là nhân viên tại đơn vị này, phụ trách giải quyết một số giấy tờ, đơn từ mà cấp trên giao xuống.
"Công việc hành chính tạo cho tôi mối quan hệ, sự ổn định và đôi khi là sự hài lòng từ cha mẹ. Trong khi đó, công việc kinh doanh lại đem đến cho tôi thu nhập tốt, niềm vui và sự thoải mái. Do đó, tôi tập trung phát triển cả hai nghề, không từ bỏ 1 trong 2", anh nói với Zing.
Những người đa sự nghiệp
Đa sự nghiệp, hay "multiple careers", là khi một người lựa chọn gắn bó với nhiều hơn một sự nghiệp trong khoảng thời gian dài nhất định.
Sự nghiệp không phải công việc cụ thể mà nói đến một hành trình học tập, trau dồi và đầu tư lâu dài để một người phát triển trong ngành nghề của họ.
3 năm qua, Lan vừa làm công việc tại văn phòng hành chính, vừa mở quán pub kiêm pha chế. |
Khác với công việc phụ (side-job), việc làm thêm hay nghề tay phải - tay trái, đa sự nghiệp đòi hỏi nhân sự cùng lúc phải "tung hứng" cả hai nghề chính trên tay mình, không đặt nặng bên nào, cũng không để "quả bóng" nào rơi xuống.
Theo trang thông tin nghề nghiệp Chance Upon, "multiple careers" ngày càng phát triển và lan rộng trong thị trường lao động, khi mà nhân sự có thể bị thay thế bởi công nghệ và họ buộc phải tìm cách phát triển thêm một lĩnh vực khác nhằm tồn tại.
Ngoài ra, cũng có nhiều người lựa chọn đa sự nghiệp do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy năng suất (productivism) hoặc đơn giản là mong muốn tiếp nối sở thích, đam mê của mình.
Giống với Lan, Hằng Vũ (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng lựa chọn cùng lúc phát triển 2 sự nghiệp.
Giờ hành chính, cô là nhân viên UX/UI Writer (viết nội dung tương tác trong web/app, phần mềm) tại một ngân hàng.
Hết ca, cô đến studio ảnh nghệ thuật do mình đồng sáng lập, vùi mình vào hàng trăm tấm ảnh chưa chỉnh sửa của khách hàng. Hằng cố gắng kết thúc công việc lúc 0h để dành thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho giờ chấm công hôm sau tại văn phòng.
"Với tôi, công việc nào cũng quan trọng như nhau. Tôi luôn tìm mọi động lực để có thể duy trì 2 nghề cùng một lúc", cô tâm sự.
Giải thích về lý do làm nhiều việc, Hằng Vũ thừa nhận mình luôn phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa. Cô thấy bất an nếu có thời gian rảnh rỗi, đồng thời cho rằng bạn bè, đồng nghiệp đang thăng tiến ngày một nhanh.
Hằng Vũ cho biết mình mệt mỏi, sức khỏe suy giảm khi cùng lúc theo đuổi 2 sự nghiệp. |
Trong khi đó, Quỳnh Anh (28 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) lại bận rộn với lớp dạy tiếng Anh của mình sau giờ hành chính.
17h, kết thúc ca làm việc tại một công ty sản xuất hàng may mặc, cô vội về nhà ăn cơm và xếp lại bàn ghế trong căn phòng nhỏ trên lầu 3. Đúng 20h, cô sẽ đón nhóm học viên của mình.
Thứ 3, 5, Quỳnh Anh hướng dẫn ôn thi tuyển sinh cấp 3 cho 5 em học sinh lớp 9. Thứ 6 và chủ nhật, lớp học nhỏ của cô là nơi luyện thi IELTS kỹ năng Writing (viết) cho 2 sinh viên đại học.
"Tôi làm gia sư tiếng Anh từ những năm còn học đại học. Ra trường, tôi ấp ủ mở một trung tâm ngoại ngữ nhưng không đủ vốn. Nhiều năm qua, tôi vẫn duy trì cả công việc tại công ty, đồng thời nuôi ước mơ mở trung tâm", cô tâm sự.
Theo Quỳnh Anh, ít nhất trong 5 năm tới, cô sẽ không từ bỏ một trong 2 sự nghiệp. Công việc tại phòng tiếp thị sản phẩm tại công ty may giúp cô mở rộng mối quan hệ với nhiều đối tác trong và ngoài nước, có thu nhập ổn định trang trải sinh hoạt phí, tích lũy cho tương lai.
"Tôi đã làm ở vị trí trưởng nhóm ở đây rồi, không nói bỏ là bỏ được", cô nói.
Hiện, Quỳnh Anh chuẩn bị đăng ký một khóa học nghiệp vụ sư phạm với trường đại học tại nước ngoài theo hình thức học online. Cô cho rằng sự đầu tư này là cần thiết đối với việc mở rộng lớp tiếng Anh sau này.
"Tôi tự hào khi mình đang phát triển ổn định, đúng dự tính ở cả 2 nơi làm việc. Việc 'đa nhiệm' như vậy cũng giúp tôi có được thu nhập khá tốt. Nếu so với số vốn dự kiến cho việc mở trung tâm, có lẽ tôi đã đạt được 1/3 rồi", cô chia sẻ.
Cái khó
"Tôi chưa có người yêu", Quỳnh Anh cười và trả lời khi được hỏi về khó khăn với 2 sự nghiệp cùng lúc.
Thấy con gái đi làm ở công ty, sau đó tiếp tục về nhà dạy học mà hiếm khi đi chơi buổi tối, cha mẹ cô tỏ ra sốt ruột. Họ giục cô mau chóng yêu đương, dẫn bạn trai về ra mắt.
Nhưng với Quỳnh Anh, cô tìm thấy niềm vui ở công việc nhiều hơn là hẹn hò. Cô lo sợ trách nhiệm với gia đình riêng và việc sinh con sẽ gián đoạn sự nghiệp mà mình cố gắng trong nhiều năm qua.
"Ngoài lời phàn nàn của cha mẹ, tôi cũng mệt mỏi sức lực nữa. Sau giờ làm ở công ty, ai mà không muốn nghỉ".
Theo chuyên gia, đa sự nghiệp không phải là lựa chọn phù hợp với tất cả. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Còn với Lan, cố gắng phát triển 2 sự nghiệp, anh nhận thấy sức khỏe và tinh thần của mình giảm sút.
Để có mối quan hệ trong đơn vị hành chính, anh thường bí tỉ với những cuộc vui cùng đồng nghiệp. Đồng thời, để giữ chân khách hàng đến quán pub, anh cũng không ngần ngại thức thâu đêm suốt sáng để trò chuyện cùng họ, học tập những công thức pha chế mới.
"Có thời gian, tôi luôn trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi khi đi làm sớm, không thể tập trung giải quyết được giấy tờ", anh chia sẻ.
Để giải quyết tình trạng này, Lan quyết định tạm dừng làm bartender mà chỉ quản lý chung tại quán pub. Anh thuê thêm người pha chế, dành thời gian ở nhà theo dõi hoạt động của quán thông qua camera an ninh.
Trong khi đó, với Hằng Vũ, ánh sáng từ máy tính trở thành nỗi ám ảnh. Cô nhẩm tính mỗi ngày mình đều "dán" mắt vào màn hình hơn 16 tiếng.
"Thành thật, tôi khó có thể đảm bảo chất lượng của cả 2 công việc cùng lúc. Khi chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, tôi cần thời gian làm quen lại, rồi mới thực hiện trơn tru tiếp, khá tốn thời gian", Hằng thú nhận.
Để cân bằng công việc - cuộc sống cá nhân, cô chọn cách tự tạo ra những khoảng nghỉ ngắn và dài. Cô có thói quen đi du lịch 3 lần/năm đến các địa điểm khác nhau nhằm thư giãn và khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương.
Thu nhập rủng rỉnh từ 2 công việc cho phép cô thoải mái chi tiêu vào các hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng này.
Chú ý gì khi theo đuổi đa sự nghiệp
Trao đổi với Zing, ông Vũ Việt Anh, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Học viện Thành Công, nhận định những người cùng lúc cáng đáng nhiều hơn một sự nghiệp thường là người có năng lực và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Họ có thể sử dụng và phát triển kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm việc tốt trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là trong các lĩnh vực có liên quan hoặc tương tự.
Theo ông, việc theo đuổi đa sự nghiệp có thể là một giải pháp tốt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và việc làm không đảm bảo. Song, người lao động phải xác định rõ rằng việc trở thành một nhân viên đa sự nghiệp không phải là giải pháp hoàn hảo cho tất cả và mọi trường hợp.
"Theo đuổi nhiều nghề cho phép bạn đa dạng hóa thu nhập và giảm thiểu rủi ro khi một ngành nghề bị suy giảm, nhưng đôi khi cũng có thể tạo ra những áp lực về thời gian và sự tập trung", ông nói.
Đa sự nghiệp giúp chúng ta có nhiều nguồn thu nhập, tuy nhiên gia tăng nguy cơ kiệt sức. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Ngoài ra, chuyên gia lưu ý việc theo đuổi đa sự nghiệp cũng yêu cầu mỗi người sự đầu tư cao độ về thời gian, tiền bạc và năng lượng vào việc học hỏi, phát triển các kỹ năng mới.
Việc này có thể khiến người lao động không thể tập trung sâu vào một lĩnh vực cụ thể, từ đó không thể trở thành chuyên gia trong ngành nghề đó.
"Theo tôi, thay vì theo đuổi đa sự nghiệp, nhân sự nên phân định nghề chính - nghề phụ nhằm đưa ra kế hoạch phát triển nghề nghiệp của mình một cách hiệu quả", ông đưa ra lời khuyên.
Với một vài bạn trẻ đang mới bắt đầu các lựa chọn sự nghiệp của mình, theo ông Việt Anh, họ có thể tập trung phát triển nhiều nghề cùng một lúc và sau đó dựa trên sự thành công, thị hiếu của mỗi nghề để quyết định đâu là con đường mình muốn gắn bó lâu dài.
Bên cạnh các vấn đề trên, ông cho rằng việc vạch ranh giới rõ ràng giữa các công việc là rất quan trọng.
"Người chuyên nghiệp là người cần có kế hoạch cụ thể để giờ nào việc đó, và cần rất nghiêm khắc với nguyên tắc này", ông khẳng định.
Nếu không có kỷ luật với chính mình, người lựa chọn đa sự nghiệp có thể gặp những vấn đề sau:
- Lãng phí thời gian và tài nguyên: Nếu công việc không được định nghĩa rõ ràng, bạn có thể phải làm việc trùng lặp hoặc không hiệu quả, dẫn đến lãng phí thời gian và tài nguyên.
- Chất lượng công việc giảm sút: Nếu công việc không được phân chia hợp lý, bạn có thể không biết chính xác nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, dẫn đến kết quả làm việc không đạt yêu cầu hoặc chất lượng giảm sút.
- Áp lực và căng thẳng tâm lý: Nếu không làm rõ về vị trí và nhiệm vụ của mình, bạn có thể phải làm việc nhiều hơn, vượt qua giờ làm việc hoặc không biết khi nào có thể dừng lại. Điều này gây cảm giác mệt mỏi, suy kiệt và căng thẳng tâm lý.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.