Nhân viên nhạy cảm sở hữu nhiều ưu thế tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Vlada Karpovich/Pexels. |
High sensitivity (sự nhạy cảm cao) hay còn được gọi là độ nhạy xử lý cảm giác là một đặc tính đã được đưa vào nghiên cứu trong hơn 30 năm qua. Những người sở hữu tính cách này thường tinh tế, có hệ thống thần kinh phản ứng nhanh và xử lý thông tin sâu sắc hơn.
Tại chốn văn phòng, nhân viên nhạy cảm cao thực chất sở hữu khá nhiều ưu điểm nổi bật. Trong một cuộc khảo sát, họ là những người gặp nhiều căng thẳng nhất song lại được cấp trên đánh giá cao. Điều này nhấn mạnh thực tế rằng nếu được dẫn dắt đúng cách, người lao động nhạy cảm xúc có thể trở thành tài sản quý giá cho công ty.
Dù vậy, không những thiếu nhận thức, nhiều nhà quản lý còn không biết cách dẫn dắt và giữ chân kiểu nhân viên này. Dưới đây, Harvard Business Review giới thiệu chiến lược làm việc hữu ích giúp cấp trên giải quyết vấn đề hiệu quả.
Nhân viên nhạy cảm nhạy bén hơn với rủi ro và điểm khác thường trong công việc. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels. |
Thay đổi góc nhìn
Highly sensitive person (HSP) - người nhạy cảm cao - thường bị xem là những nhân viên yếu đuối, dễ xúc động và cần nhiều sự giúp đỡ.
Tuy nhiên, quan điểm lỗi thời này hoàn toàn làm lu mờ những điểm mạnh độc đáo mà HSP nắm giữ như tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và lòng đồng cảm. Như vậy, để lãnh đạo và quản lý HSP thành công, cấp trên cần nhanh chóng thay đổi góc nhìn của mình.
Họ cần hiểu được rằng sự nhạy cảm là một biến thể tự nhiên trong tính cách chứ không phải khuyết điểm. Thêm vào đó, công ty nên xem xét kỹ càng ưu điểm của kiểu nhân viên này và cách tận dụng chúng hiệu quả.
Cụ thể, HSP thường giỏi phát hiện những khuôn mẫu hay điểm khác lạ trong công việc. Điều này khiến họ phù hợp cho nhiệm vụ xác định những tiềm năng hay rủi ro mà người khác đã bỏ lỡ.
Bên cạnh đó, vì dễ dàng đồng cảm với cảm xúc và nhu cầu của đối phương, nhân viên nhạy cảm cao có thể trở thành nhà đàm phán hay tranh luận giỏi. Đồng thời, họ cũng biết cách thúc đẩy tinh thần đồng đội hiệu quả. HSP cũng sẵn sàng lắng nghe nhiều quan điểm để tìm ra điểm chung vốn là một điều có thể giúp ích trong những cuộc xung đột.
Cấp trên nên đảm bảo công việc luôn rõ ràng với HSP. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Luôn minh bạch
Những người nhạy cảm cao thường nhạy bén với nguy hiểm. Tính cảnh giác này rất hữu ích khi xác định các rủi ro đe dọa đến sự an toàn và bảo mật của nhóm làm việc hoặc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến họ căng thẳng quá mức và suy nghĩ thái quá trước những gì mơ hồ. Thực tế, biết cách quản lý ngay cả trong những tình thế bất ổn và liên tục thay đổi là thiết yếu với các nhà lãnh đạo.
Dù vậy, HSP tỏa sáng nhất khi vấn đề có cấu trúc và rõ ràng. Để giúp kiểu nhân viên này “sống sót” trong những tình thế thiếu ổn định, cấp trên cần cung cấp chính xác phạm vi, vai trò và mục tiêu làm việc của họ. Ví dụ:
- Soạn thảo sổ tay hướng dẫn HSP làm việc với quản lý. Trong đó có thể bao gồm sở thích, kỳ vọng về giao tiếp hay phong cách làm việc
- Lập ma trận RACI để phân chia rõ vai trò và nhiệm vụ của từng người trong dự án hay kế hoạch nhất định nào đó
- Dành riêng một cuộc họp mỗi tháng để thảo luận phát triển chuyên môn cùng nhau.
Nhân viên nhạy cảm cao cần thời gian để suy xét vấn đề kỹ lưỡng trước khi hành động. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels. |
Thêm thời gian
Suy nghĩ trước khi hành động là một đặc điểm nổi bật của người nhạy cảm cao. Đây có thể là lợi thế trong nhiều tình huống vì nó cho phép họ suy xét các quan điểm khác nhau trước khi ra quyết định và hành động.
Theo đó, cấp quản lý sẽ nhận về ý tưởng và thành quả làm việc tốt hơn nếu cho những người nhân viên nhạy cảm cơ hội để cân nhắc phản hồi thay vì dồn ép họ liên tục. Dưới đây là một số gợi ý làm việc cùng HSP.
- Gửi bảng công việc và ý tưởng trước các cuộc họp
- Cho phép phản hồi công việc bằng văn bản
- Thông báo về các quyết định quan trọng sắp xảy ra để nhân viên có thể điều chỉnh và thích nghi.
Bên cạnh đó, quản lý có thể tiếp tục huấn luyện cấp dưới nhạy cảm đối phó với những thách thức bất ngờ. Chẳng hạn, luyện tập trao đổi hay tranh luận về các chủ đề khó nhằn có thể giúp họ nâng cao khả năng kiểm soát tình huống.
Thời gian nghỉ ngơi là thiết yếu đối với người lao động có mức nhạy cảm cao. Ảnh minh họa: Olena Bohovyk/Pexels. |
Nghỉ ngơi
Nếu người bình thường tiếp nhận 100 thông tin, thì bộ não của người nhạy cảm sẽ tiếp nhận khoảng 1.000. Vì vậy, không quá bất ngờ khi nhiều HSP trải qua tình trạng kích thích quá mức như khó tập trung, cáu kỉnh, bồn chồn, mệt mỏi, đau đầu...
Nếu cảm giác quá tải xảy ra, kiểu nhân viên này có thể kiệt sức và rút lui hoàn toàn. Hậu quả, công việc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hiếm ai có thể làm việc ổn định và năng suất mỗi ngày. Tương tự với HSP, họ cần thời gian để giải tỏa tinh thần căng thẳng. Để xử lý vấn đề này, cấp trên có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây.
- Dành ra một ngày không họp hành mỗi tuần hoặc một khoảng thời gian không làm phiền cho nhân viên
- Cho phép nhân viên chỉ nói mà không cần hiển thị mặt trong cuộc họp online
- Khuyến khích những việc làm thoải mái hơn cho nhân viên như cho phép dùng tai nghe khử tiếng ồn hay điều chỉnh ánh sáng làm việc tùy thích.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.