Người nhạy cảm thường bị gắn mác yếu đuối, dễ bị cảm xúc dẫn dắt và khó trụ vững nếu rơi vào tình huống gây căng thẳng.
Ngay cả trong tình yêu, họ cũng dễ nhận về các nhận xét không mấy tích cực, như thích phóng đại tính nghiêm trọng, luôn đóng vai nạn nhân. Đó là lý do khiến cá nhân có kiểu tính cách trên thường gặp khó khăn khi hẹn hò.
Thực tế, nhóm này, đặc biệt là người nhạy cảm mức độ cao (highly sensitive person - HSP), vẫn có nhiều ưu điểm đáng được chú ý.
Nhà tâm lý học Elaine Aron cho rằng HSP chiếm 15-20% dân số thế giới. Họ tinh tế và sở hữu thế giới nội tâm phong phú. Bên cạnh đó, chưa chắc bạn sẽ tìm được ai đó có cách bày tỏ tình cảm mãnh liệt như những đối tác nhạy cảm.
Dưới đây là những điều cần biết cùng “đặc quyền” khi yêu một người có chỉ số nhạy cảm cao, theo Stylist.
Không quan trọng yêu lâu hay mau, HSP luôn biết cách tạo cảm giác nồng nàn như ngày đầu bắt đầu mối quan hệ. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels. |
Luôn nồng nàn
Không quan trọng kéo dài bao lâu, mối quan hệ của hai người luôn được vun đắp với cảm xúc sâu sắc.
Đôi bên sẽ luôn được sống trong cảm giác như ngày đầu mới yêu bởi sự tinh tế, ngọt ngào từ HSP.
Bên cạnh đó, người nhạy cảm cao dễ mang lại nhiều bất ngờ thú vị trong sinh hoạt đời thường vì luôn đoán được suy nghĩ của đối phương.
Họ nhớ nhiều chi tiết nhỏ về sở thích, thói quen, ngay cả khi bạn trai/bạn gái chỉ thực hiện hoặc nói qua một lần.
Ngoài ra, nhờ khả năng lắng nghe tốt, HSP luôn cho đối phương cảm giác được quan tâm, đặc biệt khi đang trong tình huống khó khăn.
Vì thế, họ đóng vai trò “điểm tựa” trong mối quan hệ, vực dậy tinh thần khi nửa kia gặp khó khăn hoặc mối quan hệ đang có biến động.
Tuy nhiên, do hệ thống thần kinh hoạt động mạnh hơn bình thường, HSP dễ suy sụp nếu phải trải qua nỗi đau tinh thần nào đó. Cơ thể ngập tràn cortisol, hormone xuất hiện khi căng thẳng, họ chật vật với cơn sóng cảm xúc tiêu cực, dễ cáu kỉnh và có xu hướng đẩy người yêu ra xa.
Lúc này, điều bạn cần làm là cảm thông và bình tĩnh đợi họ hồi phục, thay vì cố động viên hay thúc đẩy tiến trình.
Nhóm nhạy cảm cao thường có xu hướng cho đi mà không cần được báo đáp khi yêu. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng
Theo Psychology Today, HSP là kiểu người nuôi dưỡng mối quan hệ bằng những hành động chăm sóc.
Nhờ sự tinh tế bẩm sinh, họ biết nâng niu, chiều chuộng bạn trai/bạn gái mà không khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt, quá đà.
Do vậy, mối quan hệ với HSP thường mang hơi hướm gia đình thay vì tình cảm đôi lứa đơn thuần.
“Chúng tôi luôn quan tâm người thân yêu một cách sâu sắc. Nguyện vọng lớn nhất của người nhạy cảm cao là được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đối phương và tìm cách hậu thuẫn.
Nghe có vẻ bất công, nhưng HSP sẵn sàng cho đi mà không cần được bù đắp. Đó là cách chúng tôi bày tỏ tình yêu”, Deborah Ward, tác giả quyển “Why highly sensitive people are wired for wonder”, viết.
HSP luôn tìm kiếm sự kết nối sâu sắc trong mối quan hệ lãng mạn. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Gắn kết sâu sắc
Trong cuốn “The highly sensitive person in love”, tiến sĩ tâm lý Elaine Aron khẳng định HSP xuất hiện trong ít nhất 34% mối quan hệ yêu đương trên thế giới.
Nghiên cứu của bà cũng cho thấy tình yêu với người nhạy cảm cao thường mang đến cảm giác mãn nguyện, ngọt ngào hơn so với bình thường.
“HSP có nhiều tế bào thần kinh phản chiếu tích cực hơn phần lớn dân số còn lại. Họ thường dành thời gian chiêm nghiệm, đúc kết bài học về tình yêu và áp dụng vào câu chuyện của mình.
Thời gian đầu, điều này sẽ mang lại cảm giác hài lòng, an toàn và tin tưởng vào tương lai lâu dài cho nửa kia", bà Aron nói.
Tuy nhiên, HSP cũng có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn về chiều sâu trong mối quan hệ. Nếu đối tác nông cạn hoặc không thể đáp ứng, họ khó tránh khỏi cảm giác âu lo, bức bối và dằn vặt.
Đồng thời, nhóm nhạy cảm cao dễ bị kích thích bởi mọi tác nhân gây căng thẳng hoặc tạo cảm xúc dữ dội. Do đó, tương tác thân mật, tăng tính sâu sắc, gắn kết trong tình cảm cũng có khả năng khiến họ rơi vào trạng thái tiêu cực, né tránh.
Dưới góc nhìn của tiến sĩ tâm lý Emily Stone, mọi thứ sẽ được giải quyết khi đôi bên nỗ lực tìm cách cân bằng. Chẳng hạn, bạn có thể chú ý, nhắc nhở họ kiểm soát nội tâm mỗi khi nhận thấy dấu hiệu cảnh báo.
Đồng thời, vì HSP có xu hướng “bỏ quên” nhu cầu cá nhân, bạn cần động viên và dành nhiều sự quan tâm đến khoản này thay họ. Nhờ đó, tình yêu của hai người sẽ thực sự gắn kết và duy trì cảm giác đủ đầy ở cả hai chiều.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.