Khi nhắc về mối quan hệ lý tưởng, nhiều người thường liên tưởng đến sự kết nối thân mật và bền chặt với một cá nhân quan trọng trong cuộc đời họ. Thêm vào đó, đôi bên dành cho nhau sự tin tưởng và tôn trọng nhất định.
Đặc biệt, mối liên kết này còn cho phép mỗi người được tự do là chính mình để phát triển và linh hoạt với lối sống riêng. Song, làm thế nào để chúng ta xây dựng được một mối quan hệ lành mạnh như thế?
Theo Verywell Mind, chìa khóa của vấn đề này nằm ở việc nhận thức và thấu hiểu sâu sắc sự khác biệt giữa interdependence (sự phụ thuộc tương hỗ) và codependence (đồng phụ thuộc).
Mối quan hệ phụ thuộc lành mạnh cho phép đôi bên thoải mái phát triển theo những lối riêng. Ảnh minh họa: Natalie Bond/Pexels. |
Interdependence là gì?
Interdependence hay interdependency (sự phụ thuộc tương hỗ) chỉ ra rằng đôi bên trong một mối quan hệ đều nhận thấy và coi trọng kết nối về cảm xúc của nhau. Đồng thời, cả hai vẫn tỉnh táo và duy trì được cái tôi chân thực và rõ nét.
Một người ý thức về sự phụ thuộc thường cởi mở và sẵn sàng tìm cách để gần gũi hơn với đối phương. Song, họ vẫn cho phép bản thân và nửa kia được là chính mình mà không cần thỏa hiệp hay hy sinh ước muốn cá nhân.
Trở nên phụ thuộc vào người khác có vẻ đáng sợ, thậm chí không lành mạnh. Nguyên nhân có thể là chúng ta được dạy về sự độc lập được thổi phồng quá mức. Thực tế, điều này còn có khả năng biến một người trở nên khép kín với tư tưởng không cần bất kỳ ai hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Dù thực sự hữu ích, sự độc lập khi xét ở mức cực đoan rất có thể cản trở chúng ta hình thành kết nối tình cảm với người khác. Thêm vào đó, những người không muốn phụ thuộc, thường chật vật, thậm chí sợ hãi khi thân mật hay gần gũi. Đôi lúc, họ cũng không xem điều đó là quan trọng trong mối quan hệ.
Trở nên quá mức phụ thuộc khiến bạn chật vật hơn trong tình yêu. Ảnh minh họa: Anete Lusina/Pexels. |
Khác với đồng phụ thuộc
Interdependence khác với codependence (đồng phụ thuộc). Một người đồng phụ thuộc thường có xu hướng phụ thuộc nặng nề vào người khác để có được hạnh phúc hay nhận thức giá trị bản thân.
Họ không có những ranh giới cần thiết trong một mối quan hệ. Thêm vào đó, đối phương cũng phải có một tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng các nhu cầu của họ.
Nguyên nhân là chỉ có cách này họ mới cảm thấy ổn định và an tâm về con người của mình. Dưới đây là một số dấu hiệu nổi bật giúp bạn nhận biết một mối quan hệ đang trở nên lệ thuộc:
- Ít hoặc thậm chí không có giới hạn lành mạnh
- Có những hành vi làm hài lòng quá mức
- Hành động cảm tính
- Giao tiếp thiếu hiệu quả và lành mạnh
- Hành vi thao túng
- Chật vật để gần gũi về mặt cảm xúc
- Kiểm soát
- Đổ lỗi cho nhau
- Một người hoặc cả hai đều tự ti hoặc có lòng tự trọng thấp
- Không có sở thích hoặc mục tiêu gì khác ngoài mối quan hệ.
Các mối tình đồng phụ thuộc không hề lành mạnh. Thêm vào đó, chúng không cho phép chúng ta có cơ hội là chính mình, phát triển hay tự chủ.
Thông thường, chúng ta khi đó sẽ phụ thuộc thái quá vào nửa kia để tìm kiếm hạnh phúc hay giá trị cá nhân. Điều này dẫn đến việc đôi bên có thể cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi mối quan hệ không suôn sẻ hay rơi vào trục trặc.
Mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ giúp đôi bên dựa dẫm vào nhau một cách lành mạnh. Ảnh minh họa: Windd/Pexels. |
Interdependence là cần thiết
Interdependence (Sự phụ thuộc tương hỗ) liên quan đến sự cân bằng giữa bản thân và những người khác trong mối quan hệ.
Thêm vào đó, cả hai đều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về thể chất và tình cảm của nhau theo những phương thức phù hợp và có ý nghĩa.
Lúc này, mình sẽ không có hành vi đòi hỏi hay luôn hướng đến nửa kia để tìm kiếm cảm giác có giá trị hay xứng đáng.
Sự phụ thuộc tương hỗ còn giữ vững cái tôi của mỗi người. Thêm vào đó, cả hai đều tự do đưa ra quyết định mà không cần lo ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ.
Dưới đây là những dấu hiệu tiêu biểu bạn cần biết về một mối quan hệ theo hướng interdependence.
- Sở hữu những ranh giới lành mạnh
- Đôi bên lắng nghe tích cực
- Có thời gian cho sở thích cá nhân
- Giao tiếp rõ ràng
- Mỗi người sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi cá nhân
- Cảm giác an toàn ngay cả khi chia sẻ những vấn đề nhạy cảm
- Cả hai đều tương tác và phản hồi với nhau
- Lòng tự trọng lành mạnh
- Cởi mở và dễ tiếp cận.
Khi đôi bên cảm thấy được trân trọng và tôn trọng, mối quan hệ sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn. Lúc này, cả hai có thể phát triển sự phụ thuộc tương hỗ. Mỗi người hiểu rằng mình không đơn độc trong mối quan hệ. Theo đó, họ có thể hướng về nhau một cách thoải mái mỗi khi cần thiết với niềm tin rằng người quan trọng của mình sẽ có mặt.
Yêu đương vẫn nên cho phép cả hai có thời gian cho bản thân. Ảnh minh họa: alleksana/Pexels. |
Cách xây dựng
Chìa khóa để xây dựng interdependence nằm ở việc nhận thức bản thân mình là ai ngay từ ban đầu.
Nhiều khi mọi người tìm kiếm hoặc bước vào các mối quan hệ chỉ để tránh cảm giác cô đơn mà không suy nghĩ thêm về việc họ là ai hay điều họ coi trọng trong yêu đương là gì.
Theo đó, dành thời gian gian thấu hiểu và phản ánh lại ước muốn của bản thân sẽ giúp bạn bước vào mối quan hệ mới với cái tôi vững vàng hơn. Điều này còn đặc biệt quan trọng để thiết lập sự phụ thuộc lành mạnh về sau.
Sharon Martin, nhà trị liệu tâm lý, cho hay duy trì ý thức về bản thân trong các mối quan hệ thân mật là thiết yếu. Để làm được điều này, cô gợi ý những việc làm hữu ích sau đây:
- Nhận biết điều bạn thích cũng như điều gì quan trọng với bạn
- Không ngại e ngại khi đưa ra nhu cầu của mình
- Dành thời gian cho gia đình và bạn bè
- Tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cá nhân
- Nhận thức rõ giá trị của bản thân
- Dành thời gian cho các sở thích cá nhân
- Đừng ngại nói “không”
- Đừng hạ thấp hay khép kín bản thân để làm hài lòng người khác.
Ngoài ra, cho phép đối phương làm những điều tương tự cũng là chìa khóa cho mối quan hệ tích cực và lành mạnh. Việc làm cũng giúp phát triển không gian đủ an toàn để đôi bên hướng về nhau mà không sợ đánh mất bản thân, bị kiểm soát hay thao túng.
Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi
Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.