Tôi làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng Nhật Bản ở TP.HCM. Hôm trước, một gia đình 3 người tới ăn khiến tôi chú ý ngay từ lúc bước vào.
Hai vợ chồng đều khiếm thị, chỉ có bé gái cỡ 7 tuổi là mắt sáng. Em đi trước dẫn đường thành thạo, đặt tay bố mẹ lên vai mình.
Ban đầu, tôi hơi bỡ ngỡ, luống cuống vì chưa từng có cơ hội phục vụ những vị khách đặc biệt này. Lời đầu tiên tôi được nghe không phải: "Em ơi, chị muốn gọi món" hay "Em ơi, lấy giúp chị cái này" như mọi lần thường nghe mà là "Bạn ơi, gia đình mình không nhìn thấy đường, bạn có thể giúp mình gọi món được không?".
Tôi cố gắng thực hiện mọi thứ một cách chu đáo nhất có thể với cương vị nhân viên phục vụ: tư vấn các món trong menu, gắp, chia đồ ăn ra từng phần... để gia đình nhỏ có trải nghiệm thoải mái, hài lòng.
Trong suốt bữa ăn, câu tôi nhận được nhiều nhất là "cảm ơn": "cảm ơn bạn", "cảm ơn em", "cảm ơn chú" từ cả gia đình, thực sự khiến tôi ấm lòng.
Dù không thể nhìn thấy, người mẹ luôn quan tâm đến con mình. Chị dặn dò con ăn nhiều lên, luôn bảo tôi gắp thức ăn giúp qua đĩa của bé, luôn hỏi con muốn ăn gì nữa không. Có thể chị không thể thấy con bằng đôi mắt nhưng chị dùng cả trái tim của người mẹ để nhìn, chăm sóc cho con.
Cả gia đình 3 người, cô bé chính là đôi mắt của ba và mẹ. Em cũng hiểu chuyện, quan tâm và hỗ trợ hai người lắm.
Đôi mắt cũng là bộ phận tôi thích nhất trên cơ thể. Tôi tự hỏi rằng nếu một mai đôi mắt không còn nhìn thấy được gì nữa, ngoài gia đình ra, liệu có ai sẵn sàng chấp nhận làm đôi mắt thay cho tôi, liệu có ai cùng vun vén hạnh phúc như cách mà gia đình anh chị đã làm.
Đây sẽ là một kỷ niệm đặc biệt trong khoảng thời gian tôi làm phục vụ. Mong cho gia đình anh chị sẽ luôn thật bình an và hạnh phúc. Mong rằng đôi mắt của em bé luôn sáng ngời như hôm đó, để có thể nhìn trọn vẹn cuộc đời thay cho ba mẹ mình.
(Quốc Tiến, TP.HCM)