Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: 'Chứng cứ buộc tội bác sĩ Lương rất yếu'

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói chứng cứ kết tội bác sĩ Hoàng Công Lương rất yếu, không đủ sức thuyết phục dư luận nên cần phải xem xét hết sức nghiêm túc.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Không đồng tình việc truy tố bác sĩ Lương Ông Lưu Bình Nhưỡng nói không đồng tình với việc cơ quan tố tụng truy tố, đề xuất mức án với bác sĩ Hoàng Công Lương.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình là không công bằng. Vị đại biểu Quốc hội quê Thái Bình nói cần phải xem xét lại vụ án vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

- VKS vừa đề nghị mức án 30-36 tháng tù treo đối với Hoàng Công Lương - một trong ba bị cáo đang bị đưa ra xét xử do có liên quan đến vụ 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ông đánh giá thế nào về quan điểm của cơ quan tư pháp trong truy tố, xử lý bác sĩ Lương?

- Tôi rất đồng tình với dư luận là cần phải xem xét hết sức nghiêm túc đối với vụ việc bởi có đến 9 người chết. Ngay từ đầu tôi đã theo dõi sự việc này. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc đưa ra truy tố, thậm chí bây giờ là đề xuất mức án với bị cáo Hoàng Công Lương.

Xét về các yếu tố, căn cứ pháp lý cũng như chứng cứ cho thấy việc truy tố, kết tội bác sĩ Lương là rất yếu. Có thể nói là không đủ sức thuyết phục đối với cả các quy định pháp luật cũng như đối với dư luận.

Hoang Cong Luong anh 1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Bá Chiêm.

- Ông có ý kiến như thế nào khi người dân và các nhà chuyên môn cho rằng vụ án có trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện cũng như bên cung cấp thiết bị?

- Đảng và Nhà nước đang có chỉ đạo thực hiện trách nhiệm người đứng đầu. Theo tôi vụ này, giám đốc bệnh viện đứng ra ký kết hợp đồng nhưng khi ký xong lại không kiểm soát hoặc thiếu trách nhiệm. Thậm chí có khả năng, biết đâu đằng sau còn có lợi ích nhóm trong đó.

Để xảy ra sự cố thế này, tôi cho rằng đây là vấn đề cần xem xét lại vì có khả năng chúng ta đã bỏ lọt tội phạm, thậm chí tội phạm rất nguy hiểm.

- Ông suy nghĩ gì về việc người nhà nạn nhân ủng hộ bác sĩ Lương?

- Tôi rất là phấn khởi bởi vì các gia đình người ta vượt lên nỗi đau và người ta nhận thức được đúng vai trò trách nhiệm của các chủ thể. Tôi rất tiếc là tại sao những người còn đang xen lẫn nỗi đau ấy mà người ta còn tỉnh táo nhận ra được vai trò của các chủ thể, người ta không đồng tình với việc truy cứu, thậm chí xin cho bác sĩ Lương mà cơ quan pháp luật còn tiếp tục không tỉnh táo truy cứu trách nhiệm bác sĩ Lương. Tôi cho rằng như thế là không công bằng.

Hoang Cong Luong anh 2
Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Bá Chiêm.

- Sau khi bị viện kiểm sát đề xuất mức án 30-36 tháng tù treo, nhiều người quan tâm đến tương lai của bác sĩ Lương sẽ như thế nào?

- Án treo không phải là một hình phạt, tuy nhiên điều đó có nghĩa bác sĩ Lương là người có tội, trong khi nhìn nhận của xã hội thì bác sĩ Lương là người vô can.

Tôi cho rằng cần phải phân khúc rất rõ chức năng và nhiệm vụ đối với tất cả các phòng, ban, khoa của bệnh viện. Riêng giám đốc bệnh viện thì anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Người ta cho rằng đang bỏ lọt ông Dương, giám đốc bệnh viện đang đi nước ngoài. Thậm chí người ủy quyền cũng còn không đến thì quả thật là điều hết sức đáng buồn.

Bác sĩ có khả năng được hoạt động hoặc cấm hành nghề trong thời gian nhất định. Nếu chúng ta áp dụng hình thức đó với bác sĩ Lương thì chúng ta không chỉ hạn chế, xâm hại đến quyền lợi bác sĩ mà chúng ta đang xâm hại đến quyền lợi của người dân đang được bác sĩ phục vụ.

- Bác sĩ Lương luôn khẳng định vô tội. Nếu bị cáo này phải nhận mức án nào đó thì theo ông các bác sĩ có chùng tay khi cứu chữa bệnh nhân?

- Không chỉ các bác sĩ mà nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành y cũng nói với tôi câu chuyện này. Họ rất e ngại, sợ là nạn nhân tiếp theo của việc nhận định, đánh giá, quy kết không công bằng đối với chức năng, nhiệm vụ của họ cũng như những vấn đề mang tính chất đụng chạm.

Vì sao Hoàng Công Lương phải hầu tòa?

Cáo trạng thể hiện ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc công ty xử lý nước Trâm Anh) được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư bệnh viện đa khoa Hòa Bình) không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Quá trình điều tra cũng như xét công khai tại tòa, bác sĩ Lương luôn khẳng định vô tội.

Sau nhiều ngày xét hỏi, sáng 23/5, VKSND TP Hòa Bình đã công bố bản luận tội đối với 3 bị cáo và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Sơn 4-5 năm tù. Riêng bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.

Gia đình nạn nhân vụ chạy thận nói bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội Gia đình các nạn nhân tử vong do chạy thận ở Hòa Bình không đồng tình với một số quy kết trong cáo trạng. Họ cho rằng nguyên nhân sự cố không liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương.

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án

Luật sư bào chữa cho Trần Văn Sơn cho rằng thân chủ của họ không có hợp đồng lao động tại bệnh viện, do đó, không phải chịu trách nhiệm.

Bá Chiêm ghi

Bạn có thể quan tâm