Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Luật sư kiến nghị khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn

Luật sư đại diện cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho rằng ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) có trách nhiệm trong vụ án nên cần khởi tố ông này.

Cuối buổi chiều 23/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục phần tranh tụng.

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (người được Công ty Thiên Sơn ủy quyền) đối đáp quan điểm bào chữa của người đồng nghiệp Nguyễn Tiến Dũng (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Trâm Anh).

Xet xu vu chay than o Hoa Binh anh 1
2 bị cáo Trần Văn Sơn (áo trắng) và Bùi Mạnh Quốc tại tòa. Ảnh: TAND TP Hòa Bình.

Công ty Thiên Sơn phải bồi thường cho bệnh nhân

Trong nội dung trình bày trước tòa, ông Dũng cho rằng thời điểm xảy ra sự cố, không có việc ký kết hợp đồng giữa 2 Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh.

Tuy nhiên, bà Hương khẳng định 2 pháp nhân này đã ký hợp đồng với nhau và thỏa thuận này có hiệu lực pháp lý. Ngoài ra, bà Hương nói việc bị cáo Bùi Mạnh Quốc đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sửa chữa hệ thống máy lọc thận. Do đó, các công đoạn khác như xét nghiệm mẫu nước cũng phải do công ty của Quốc thực hiện. Nữ luật sư cho rằng trong vụ án này, bệnh viện và Công ty Trâm Anh là những đơn vị có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.

Ngay sau đó, được HĐXX cho phép tranh tụng, luật sư Nguyễn Danh Huế (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho rằng hợp đồng ký kết các nội dung liên quan đến hệ thống máy móc được đơn vị này thực hiện với Công ty Thiên Sơn. Do đó, Công ty Trâm Anh không liên quan.

Ngoài ra, theo luật sư Huế, sau khi ký hợp đồng với bệnh viện, Công ty Thiên Sơn đã bán thầu 100% cho Công ty Trâm Anh.

“Điều này đã trái với Luật Đấu thầu, quy định doanh nghiệp chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị hợp đồng”, luật sư Huế cho biết.

Nam luật sư tiếp tục tranh luận và cho rằng sau khi ký được hợp đồng với bệnh viện từ năm 2009, phía Thiên Sơn vẫn tiến hành thu tiền tỷ lệ theo thỏa thuận. Khi sự cố xảy ra, đơn vị này nói họ không có trách nhiệm. Ông Huế cho rằng đây là sự vô lương tâm, là nguyên nhân trực tiếp khiến 9 bệnh nhân tử vong.

Xet xu vu chay than o Hoa Binh anh 2
Nhóm luật sư bào chữa tại phiên tòa ngày 23/5. Ảnh: Hoàng Lam.

Sau hơn nửa giờ tranh tụng, luật sư Huế kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm và buộc Công ty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho các bệnh nhân. “Tôi kiến nghị HĐXX khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn”.

Nghe điều này, luật sư Hương đã phản bác, cho rằng không có đủ căn cứ quy trách nhiệm cho pháp nhân mà bà đại diện. Do đó, nữ luật yêu cầu tòa không chấp nhận những kiến nghị của nam đồng nghiệp.

Bị cáo Quốc nói gì về Công ty Thiên Sơn?

Trước đó, khi luật sư xét hỏi hôm 17/5, bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã xác nhận ông Đỗ Tuấn Anh nói việc xét nghiệm mẫu nước sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước mất 15 ngày.

Do bệnh nhân nhiều, có thể ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nên ông Tuấn dặn Quốc cứ đưa thiết bị vào hoạt động, rồi lấy mẫu nước xét nghiệm sau.

Giám đốc công ty Trâm Anh khai anh ta từng đề xuất thay cả 4 màng lọc của máy RO. Việc thay thêm các màng lọc tốn thêm khoảng 12 triệu đồng. Quốc khai nếu thay thêm màng lọc thì có thể 9 bệnh nhân sẽ không tử vong.

Xet xu vu chay than o Hoa Binh anh 3
Bùi Mạnh Quốc là bị cáo duy nhất bị truy tố tội Vô ý làm chết người. Ảnh: Hoàng Lam.

Ngoài ra, trả lời luật sư hôm đó, Bùi Mạnh Quốc còn khai theo thỏa thuận, trước khi bàn giao máy móc phải lấy mẫu nước xét nghiệm với sự chứng kiến của Phòng vật tư, Công ty Thiên Sơn và đơn vị sửa chữa. Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, bị cáo chưa kịp xét nghiệm nước thì đơn nguyên thận nhân tạo đã đưa máy vào vận hành.

Về hợp đồng sửa chữa đề ngày 25/5/2017, Quốc khai anh ta ký vào chiều hôm sự cố xảy ra. Bị cáo nói chiều 29/5/2017, một Phó giám đốc Công ty Thiên Sơn mới chuyển hợp đồng cho anh ta ký để hợp thức. Tuy nhiên, đại diện Công ty Thiên Sơn phủ nhận việc này.

Cáo trạng thể hiện, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Luật sư vụ chạy thận ở Hòa Bình: Ông Dương phải chịu trách nhiệm chính

Bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, luật sư cho rằng để xảy ra sự cố làm 9 người tử vong, trách nhiệm chính thuộc về nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm