Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại dịch bóc trần khoảng cách giàu nghèo của học sinh Hàn

Khi các cơ sở giáo dục ở Hàn Quốc chuyển sang học online vì dịch bệnh, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đối mặt với nhiều áp lực để bắt kịp bạn bè.

Zing trích dịch bài đăng trên AP, đề cập đến sự bất bình đẳng trong giáo dục Hàn Quốc gia tăng vì dịch bệnh.

Tương tự hàng triệu thanh thiếu niên trên thế giới, học sinh Hàn Quốc đang vật lộn với việc học trực tuyến, trực tiếp đan xen dưới ảnh hưởng của đại dịch. Tháng 4 vừa qua, phần lớn trường học phải trì hoãn mở cửa, tiếp tục giảng dạy từ xa khi số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc giảm tương tác với giáo viên, thiếu sót về kỹ thuật khiến hình thức học online trở thành thách thức với nhiều học sinh xứ kim chi.

Đặc biệt, với những em có hoàn cảnh khó khăn, cuộc đua thành tích nay càng thêm áp lực khi không đủ điều kiện vật chất để đảm bảo điểm số trên lớp như bạn bè gia đình khá giả.

"Em muốn được đi học thêm nhiều hơn"

Theo kết quả khảo sát được chính phủ Hàn Quốc công bố hồi tháng 9, 80% trong số 51.021 giáo viên nhận định rằng khoảng cách điểm số giữa học sinh giỏi nhất và yếu nhất đang có xu hướng gia tăng.

Trước tình trạng này, Bộ Giáo dục đã bố trí gia sư bán thời gian để phụ đạo cho 29.000 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thầy cô giáo cũng có nhiệm vụ kèm cặp thêm cho những em không theo kịp chương trình trên lớp.

Mặc cho những nỗ lực của chính phủ, việc học từ xa vẫn là rào cản lớn trên chặng đường học tập của thanh thiếu niên xứ kim chi.

giao duc han quoc anh 1

Phần lớn bài giảng đều được ghi hình trước và đăng lên mạng, khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Ảnh: The Korea Herald.

Hiện nay, phần lớn bài giảng đều được ghi hình trước và đăng lên mạng, khiến học sinh không thể trực tiếp đặt câu hỏi khi có thắc mắc.

"Lên lớp trực tuyến thực sự bất tiện. Em đã nhận điểm kém trong bài kiểm tra vừa rồi vì không thể tập trung học qua màn hình máy tính", Han Shin Bi, một học sinh trung học ở Seoul, chia sẻ.

Với những học sinh gia cảnh bình dân như Han, việc thuê gia sư hay tham gia lớp luyện thi ở trung tâm để củng cố kiến thức là điều không dễ dàng.

"Em không muốn so sánh với bạn khác nhưng nếu có nhiều tiền, em muốn được đi học thêm nhiều hơn", nữ sinh tâm sự.

Ngay cả những học sinh khá giỏi cũng cảm thấy khó tiếp thu bài giảng online. "Em cảm thấy gò bó, mệt mỏi khi phải ngồi lì trước máy tính. Điều khó khăn nhất với em là không được lên lớp cùng các bạn, không thể trao đổi bài tập với nhau", Ma Seo Bin, học sinh trung học, nói.

Đầu tư vào ước mơ "đỗ đại học"

Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, người dân quan niệm rằng đại học là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng cho người trẻ. Triển vọng nghề nghiệp, địa vị xã hội cho đến đối tượng kết hôn, tất cả sẽ được quyết định dựa vào tấm bằng cử nhân.

"Xã hội thường đánh giá con người dựa trên trình độ học vấn, dù đó không phải yếu tố phản ánh toàn bộ khả năng của một cá nhân", Gu Bonchang, giám đốc chính sách của tổ chức phi chính phủ về giáo dục World Without Worries About Shadow Education, nói.

Tháng 5 vừa qua, chính phủ đã ưu tiên cho phép học sinh trung học tới trường để chuẩn bị cho kỳ thi đại học diễn ra vào tháng 12 tới. Các học sinh cấp dưới sẽ trở lại lớp học muộn hơn, song sẽ giới hạn số lượng học sinh vì lo ngại dịch bệnh.

giao duc han quoc anh 2

Tuyển sinh đại học là kỳ thi quan trọng nhất đối với mọi học sinh Hàn Quốc. Ảnh: World Magazine.

Kết quả của kỳ thi thử hồi tháng 6 cho thấy nhiều học sinh đạt điểm cao ở 3 bộ môn Tiếng Hàn, Tiếng Anh và Toán. Nhưng đồng thời, số lượng học sinh đạt điểm kém lại tăng bất thường.

Theo Kang Minjung, thành viên Ủy ban Giáo dục Quốc hội Hàn Quốc, đây là biểu hiện của "sự phân cực nghiêm trọng trong giáo dục".

Lim Sung Ho, giám đốc trung tâm luyện thi Jongro ở Seoul, cho biết sự chênh lệch này có thể tiếp diễn khi đại dịch kéo dài, làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giữa những học sinh giàu có và nghèo khó.

Thực tế, 75% học sinh Hàn Quốc đều theo học tại các trung tâm hoặc mời gia sư tư nhân với chi phí trung bình là 377 USD/tháng. Đáng nói, số tiền các gia đình trung và thượng lưu bỏ ra cho việc học thêm của con cái nhiều gấp 5 lần so với các hộ thu nhập thấp.

Chia sẻ với AP, phụ huynh Ma Seo Bin phải trả 2 triệu won/tháng (1.750 USD) tiền học phụ đạo, cộng thêm 20 triệu won/năm (17.550 USD) tiền học phí và ký túc xá cho con gái.

giao duc han quoc anh 3

Thanh thiếu niên và gia đình họ chấp nhận bỏ ra nhiều tiền của, công sức để đối lấy tương lai tươi sáng. Ảnh: BBC.

Dù học phí đắt đỏ, cha mẹ của nữ sinh vẫn chấp nhận bỏ tiền để đổi lấy cơ hội học tập xứng đáng của cô.

"Tôi phải chịu rất nhiều áp lực, không thể chăm lo cho bản thân vì công việc bận rộn. Nhưng tất cả đều xứng đáng, tôi không hối hận gì cả", ông Ma Moon Young, cha của Ma Seo Bin, trải lòng.

Không chỉ ảnh hưởng đến người trẻ, áp lực học tập ở Hàn Quốc còn tạo thêm gánh nặng cho các bậc cha mẹ. Y. H. Yoon, một bà mẹ đơn thân nuôi ba người con ở Seoul, lo lắng vì không có tiền chi trả cho việc học thêm và thời gian kèm cặp các con.

Dẫu vậy, cô luôn động viên ba đứa trẻ chăm chỉ học tập để đỗ vào các trường đại học tốt.

"Tôi thường dặn tụi nhỏ: 'Các con có muốn sau này phải sống như mẹ không?'. Đó là điều cha mẹ từng nói với tôi, và giờ tôi lại nói với con mình", Yoon, hiện là nhân viên bán hàng, kể lại.

Khó khăn do dịch, dân Hàn Quốc đặt vận may vào xổ số

Tình hình tài chính gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều người Hàn Quốc tìm đến xổ số như một hình thức tự động viên tinh thần hoặc mong có cơ hội đổi đời.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm