Đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác gây ra nhiều tranh luận. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống. |
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này.
Khó thực hiện
Bày tỏ quan điểm với đề xuất này, cô Nguyễn Thị Thúy Hiền, giáo viên trường THCS Bùi Quang Mại (Đông Anh, Hà Nội), cho rằng đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ mầm non đến đại học là một chính sách có ý nghĩa tích cực, hỗ trợ và khuyến khích giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.
"Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này một cách hiệu quả, cần cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn ngân sách, quy trình quản lý và các biện pháp đi kèm nhằm đảm bảo tính khả thi và tính công bằng để đảm bảo rằng mọi đối tượng học sinh đều được hưởng lợi từ chính sách giáo dục, đồng thời duy trì sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả học sinh", cô nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng đây là một chính sách rất khó thực hiện. Ban soạn thảo liệu đã đánh giá tác động của chính sách này trên các bình diện chính trị, kinh tế, công bằng, bình đẳng với các nghề khác, với các nhóm đối tượng khác?
"Tôi cũng băn khoăn những nhà giáo về hưu nay đi thỉnh giảng có thuộc diện ưu tiên không, hay con nhà giáo học liên thông suốt đời thì có được miễn phí hay không? Trường nghề tư, đại học tư học phí đến hàng chục triệu đồng, trăm triệu đồng/năm có được miễn học phí nếu là con nhà giáo?", tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội, cũng cho rằng đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo là hoàn toàn không hợp lý, không khả thi và thiếu căn cứ.
"Nếu miễn học phí cho con em giáo viên, con em công nhân, công an, quân đội, y tế... thì sao? Con em phải bình đẳng như nhau chứ không nên gây mất công bằng quá lớn giữa các ngành/nghề như vậy", ông nhận xét.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quan điểm rất nhân văn, mới và đột phá. Đề xuất cũng thể hiện nhất quán tinh thần của Đảng và Nhà nước khi xác định nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng Giáo dục và Đào tạo, là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả "trồng người".
Đây cũng là thông điệp mang tính thấu hiểu và động viên rất to lớn của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nhà giáo, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng sống đồng thời tạo động lực cho sự tâm huyết tiếp tục đóng góp của họ.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần tiếp tục bàn thảo để đảm bảo tính khả thi, công bằng trong việc hiện thực hóa, cần xác định lại phạm vi nội hàm của người thụ hưởng là giáo viên, giảng viên hay là nhà giáo nói chung.
Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 quy định "Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên".
Như vậy, số lượng nhà giáo liên quan sẽ rất lớn. Bản thân việc định nghĩa như thế cũng chưa thực sự hợp lý và cần phải xác định rõ ràng lại trong Luật Nhà giáo sẽ ban hành tới đây để đảm bảo tính công bằng. Chúng ta cũng phải tính đến cả những nhà giáo trong hệ thống công lập và trong hệ thống tư thục. Cần có chính sách thế nào với những nhà giáo là người nước ngoài đang phục vụ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam để đảm bảo sự khả thi.
Theo phó hiệu trưởng ĐH Giáo dục, thực hiện chính sách này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh luận vì ngành nghề khác cũng cống hiến và phụng sự xã hội và cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng họ lại không nhận được sự hỗ trợ tương tự.
Bên cạnh đó, nó có thể làm dấy lên những thắc mắc về việc liệu chính sách này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm nghề nghiệp hay không. Và ngay cả khi chính sách được thực hiện, có lẽ bản thân một số nhà giáo ở những địa phương thuận lợi, có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cũng có thể từ chối nhận với mong muốn nhường quyền lợi cho những hoàn cảnh khó khăn hơn thì sẽ xử lý thế nào.
"Với nhà giáo, nhiều khi việc được cho đi, được làm những điều phù hợp với giá trị sống của họ và được xã hội, cộng đồng ghi nhận, tôn vinh mới là điều quý giá nhất mà họ hướng đến", ông nói.
Sẽ rà soát các nội dung của dự thảo
Liên quan đến đề xuất trên, trả lời báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lý giải, trong quá trình xây dựng các nội dung cho dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo tiếp nhận ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, chuyên gia... Trong các nội dung, ý kiến đóng góp về chính sách ưu đãi cho đội ngũ có nội dung mong muốn miễn học phí cho con đẻ, con nuôi hợp pháp của giáo viên đang công tác.
"Mục đích của chính sách này là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Xây dựng các chính sách ưu đãi giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành".
Theo cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, dư luận xã hội cũng như các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo tính phù hợp, khả thi, đảm bảo mặt bằng chung đối với các ngành nghề khác, tránh tạo ra sự bất hợp lý trong chế độ, chính sách nhà giáo so với những viên chức ngành nghề khác, dù nhà giáo là viên chức đặc biệt, công việc có tính chất đặc biệt.
"Chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo và có tính toán thêm phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội chúng ta để nội dung đưa ra không trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước", ông Đức cho biết.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.