Đại gia bí ẩn sinh năm 1978 đưa Rolls-Royce về Việt Nam
Trước thông tin Rolls-Royce sẽ về Việt Nam trong năm 2013, phóng viên đã có cuộc trao đổi với vị đại gia "bí ẩn" - nhà phân phối chính thức Rolls-Royce trong thời gian tới.
Không nêu tên, không chụp ảnh, không ghi âm, không có những chi tiết có thể liên hệ trực tiếp đến đời tư, chỉ trò chuyện, đó là những điều kiện cho một cuộc phỏng vấn độc quyền mà vị đại gia bí ẩn, người đưa Rolls-Royce chính thức về Việt Nam, đưa ra đối với phóng viên. Sự cẩn trọng này không làm tôi bất ngờ, bởi khi hàng chục tờ báo nóng hừng hực lên với cơn sốt thương hiệu xe siêu sang chính thức đặt chân tới Việt Nam, thông tin cụ thể về đơn vị đứng ra làm đại lý hay ông chủ đứng đằng sau nó vẫn là một tấm màn bí ẩn tuyệt đối…
Chiếc Range Rover phiên bản Autobiography Ultimate đặc biệt chỉ được sản xuất riêng cho khách có đơn đặt hàng từ từ cập vào vỉa hè quán cà phê, thu hút ánh mắt của hầu hết thực khách của những bàn khác. Tấm đỡ chân tự động từ từ hạ xuống khi cánh cửa xe hé mở. Một người thanh niên dong dỏng bước xuống và bấm điện thoại. Lại là một chiếc iPhone 5 phiên bản vàng đúc nguyên khối. Điện thoại của tôi rung lên. Tôi thoáng chút sững sờ bởi vị đại gia này quá trẻ so với những gì mình hình dung.
Thoải mái, tự tin, khiêm tốn nhưng làm chủ tình hình… là ấn tượng ban đầu về vị đại gia trẻ tuổi. Trong một quán cà phê trung cấp ở Hà Nội, giữa hàng chục cặp mắt thi thoảng vẫn liếc xéo qua theo kiểu tò mò và dò xét, vị doanh nhân trẻ vẫn giữ được sự bình thản và tập trung trong câu chuyện.
Với kinh nghiệm đã từng tiếp chuyện những doanh nhân lớn khác, thông thường, họ sẽ chủ động chọn cho mình một không gian riêng biệt và sang trọng, thường là Hilton Hà Nội hoặc Park Hyatt ở TP HCM… mà ít khi để cho người phỏng vấn được đưa ra lựa chọn của mình. Nhưng vị doanh nhân này đã để tôi chủ động lựa chọn điểm hẹn theo đúng khả năng chi trả của bản thân. Phải chăng một thế hệ doanh nhân 7x thành đạt đã có những sự du di lẫn khác biệt?
1978 là năm sinh của vị doanh nhân trẻ tuổi tên M. này. Và đó cũng gần như là những thông tin cá nhân duy nhất M. đồng ý cho công bố. Nhưng theo những thông tin mà phóng viên nắm được, doanh nhân trẻ này đồng thời cũng là người nắm giữ vị trí quan trọng trong Hội đồng Quản trị của một tập đoàn đa ngành, vươn bàn tay ra nhiều lĩnh vực: truyền thông, khai khoáng, xây dựng, đầu tư tài chính…
Sự điềm đạm, thậm chí kín kẽ cố hữu của một doanh nhân gốc Bắc… khiến cho nhiều năm nay M. thoát khỏi sự quan tâm của giới truyền thông, mặc dù bộ sưu tập xe hạng siêu sang của M. hiện nay cũng đáng được liệt kê vào một trong những gương mặt trẻ nổi đình nổi đám trong giới chơi xe Việt Nam.
Cùng đình đám với Rolls-Royce, nhưng chiếc xe của lão đại gia Lê Ân chưa được đánh giá cao vì không có những dấu hiệu đặc trưng của một chiếc xe được đặt chính hãng. |
Sự thận trọng và cảnh giác trước truyền thông của vị đại gia trẻ tuổi này có thể dễ dàng hiểu được. Ở một đất nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức 1.400 USD/năm, một chiếc xe ô tô có giá từ 500.000 đến 800.000 USD (xe mua lại) hoặc từ 1,2 triệu đến 1,7 triệu USD (xe mới mua chính hãng) xuất hiện ở bất kỳ đâu luôn là tâm điểm của dư luận. Chẳng phải công chúng đã biết đến nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp nhiều hơn thông qua tấm giấy thông hành truyền thông là chiếc Rolls-Royce nhập chính hãng đầu tiên màu xanh lá cây.
Đại gia Lê Ân dưới Vũng Tàu nếu không có chiếc Rolls-Royce phiên bản trục cơ sở dài là tâm điểm thì có lẽ những hành trình cưới vợ ly kỳ của ông chắc cũng không thu hút dư luận nhiều đến vậy.
Vậy thì ngoài 2 đại gia trên, còn những ai ở Việt Nam đang sở hữu những chiếc xe siêu sang có giá trị hơn cả một gia tài này? Theo phát biểu của đại diện nhà nhập khẩu chính thức của hãng BMW tại Việt Nam là công ty Euro Auto, hiện tại Việt Nam có tới 56 xe siêu sang Rolls-Royce, trong đó chỉ có duy nhất một chiếc được nhập khẩu chính hãng. 55 chiếc còn lại có thể tới Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau: xe ngoại giao, xe nhập khẩu đã qua sử dụng, xe thuộc diện Việt kiều hồi hương…
Nhưng theo một thống kê khá chi tiết và kỳ công của chuyên trang bimmer.vn (chuyên về xe BMW, hãng mẹ của thương hiệu Rolls-Royce), cho đến thời điểm đầu năm 2013, đã có 97 chiếc xe siêu sang Rolls-Royce có mặt tại Việt Nam, với chủng loại khá đa dạng: Phantom phiên bản 4 cửa (56 chiếc), Phantom Drophead Coupe phiên bản 2 cửa mui trần (6 chiếc), Phantom Coupe 2 cửa mui cứng (2 chiếc), Ghost (31 chiếc) và Rolls-Royce cổ (2 chiếc).
"Bên cạnh đó còn là hàng loạt các phiên bản giới hạn của Rolls-Royce cũng được các đại gia ưa chuộng, mà gần nhất là phiên bản Rồng dành riêng cho năm 2010. Có ít nhất 6 chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng có mặt tại Việt Nam, trong tổng số 33 chiếc trên toàn thế giới", chuyên trang này thống kê.
Chi tiết hơn, bimmer.vn còn liệt kê, trong số 97 chiếc Rolls-Royce tại Việt Nam, có tới 61 chiếc mang màu đen, 22 chiếc màu trắng, 6 chiếc màu đỏ, 2 màu ghi, 2 màu xanh, 2 chiếc màu bạc, 1 chiếc màu vàng. Chiếm tới 77% trong số đó là những chiếc Rolls-Royce mang biển ngoại giao và nước ngoài. 21% đã được ra biển trắng, là những chiếc xe đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế và lệ phí đối với Nhà nước. 2% còn lại chưa rõ thông tin là đang đeo biển số gì.
Các đại gia Việt Nam cố gắng tự trang trí phiên bản rồng bằng cách thiếp vàng ta lên, nhưng nó thực ra lại là sự phá hỏng văn hóa coachline của Rolls-Royce. |
Như vậy, có thể nói, so với mặt bằng của nền kinh tế, dân chơi xe siêu sang tại Việt Nam đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho thương hiệu Rolls-Royce qua con số 97 chiếc. Nhưng những đại gia Việt Nam đang chơi xe siêu sang Rolls-Royce như thế nào?
Nhận định về điều này, Kar, một chuyên gia test xe có tiếng, đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình: "Đẳng cấp của Rolls-Royce, theo tôi, là cho người dùng quyền được làm thượng đế một cách đúng nghĩa. Đây là vị thế tột đỉnh của Rolls-Royce trong văn hóa tiêu dùng. Ngay ở phương Tây, Rolls-Royce cũng là một thước đo vị thế xã hội. Tuy nhiên, cách thức người dùng phương Tây mua sắm Rolls-Royce cũng rất khác so với ở ta: đa phần họ đặt Rolls-Royce (85%), không ra salon mua như những mẫu xe khác. Nhưng trong số mấy chục cái Rolls-Royce có mặt tại Việt Nam, hình như có 1 hoặc 2 chiếc là được đặt làm".
Theo Kar: "Về cơ bản, người Việt đã bỏ qua giá trị tinh thần khi sắm Rolls-Royce. Hay nói cách khác, Rolls-Royce là thương hiệu của các thượng đế đích thực, nhưng người Việt ta (vì tiếc tiền, vì mua cũ thấy hời, vì tư duy) đã từ bỏ quyền làm thượng đế - một giá trị làm nên thương hiệu Rolls-Royce".
"Thế thì quyền được làm thượng đế ở Rolls-Royce là gì? Là nếu anh có tiền, Rolls-Royce không bao giờ nói không với bất kỳ yêu cầu nào, kể cả việc làm riêng một vài mẫu như cho Quốc vương Brunei. Còn nếu anh chưa đủ giàu thì có thể đặt một chiếc Rolls-Royce theo ý anh trên nền tảng mẫu xe tiêu chuẩn.
Có một chi tiết khác mà nếu có đủ tiền mua Rolls-Royce tôi cũng sẽ rất khoái trá: mấy bác thợ Tây ở Anh quốc vẫn dùng thước dây thợ may để làm Rolls-Royce. Họ dùng để đo chân và cỡ giày của các quý ông/quý bà đến đặt xe. Tức là, ở các hãng khác, 1 triệu xe xuất xưởng thì về cơ bản là có cùng kích thước ghế hay khoảng cách để chân. Nhưng với Rolls-Royce, nếu tôi cao 1m82, nặng 80kg, đặt hàng của Rolls-Royce, thì tôi sẽ được một chiếc Phantom có ghế ngồi, khoảng để chân với kích thước chắc chắn to hơn của một đại gia cao 1m47, nặng 49kg. Một kinh nghiệm quý báu là chớ có mua lại Rolls-Royce cũ!" - Kar nói.
Dù liên tiếp đưa về những chiếc Phantom phiên bản rồng chỉ có 33 chiếc trên thế giới, các đại gia Việt Nam vẫn quên đi giá trị lớn nhất của Rolls-Royce: dấu ấn cá nhân duy nhất của mình. |
Với tay lấy chiếc iPad, M. mở ra và đưa tôi xem một chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản trục cơ sở mở rộng đang được vị doanh nhân trẻ này đặt thêm riêng cho mình. Toàn bộ quá trình đặt xe, đưa ra các yêu cầu riêng cá nhân hóa chiếc xe theo ý mình, quá trình sản xuất diễn ra tới đâu… đều được hãng Rolls-Royce cập nhật liên tục cho khách hàng thông qua một tài khoản được tạo trên trang web của hãng. Chỉ cần truy cập vào tài khoản, người đặt hàng có thể giám sát được quá trình chiếc xe của mình đã được thực hiện tới đâu, các chi tiết đặt riêng có được thực hiện đúng theo ý mình không.
Điểm đặc biệt nhất trên chiếc Rolls-Royce Phantom phiên bản trục cơ sở mở rộng chính hãng: những dấu ấn cá nhân của M. được thể hiện đậm nét. Đó là chiếc đồng hồ gắn trong xe, mặt đồng hồ là logo cách điệu tên của M. Logo này cũng được thêu một cách tinh tế trên các tựa đầu, được vẽ bằng tay bên thành xe. Điều không thể thiếu trên một chiếc xe chính hãng là những đường coachline dài 5m được vẽ hoàn toàn bằng tay, chạy vắt từ mũi xe xuống đuôi xe. M. cũng có thể tự lựa chọn màu nội thất trong xe phù hợp với phong thủy và bản mệnh của mình.
"Tôi chỉ muốn một điều: cung cấp cho người Việt Nam những giá trị cốt lõi đích thực của một thương hiệu xe siêu sang nổi tiếng toàn cầu", M, khẳng định, khi kể về quá trình thuyết phục Rolls-Royce đồng ý để mình trở thành nhà phân phối chính thức ở Việt Nam. Một câu nói đơn giản, nhưng đằng sau đó là cả một quá trình đàm phán phức tạp dài đằng đẵng, chưa kể đến việc phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh và có kinh nghiệm trong việc phân phối xe.
Và ít ra, cho đến thời điểm này, vị doanh nhân trẻ tên M. đã thành công. Không chỉ trong việc được Rolls-Royce đồng ý trở thành nhà phân phối chính hãng, mà còn tuyệt đối thành công trong việc quảng bá thương hiệu, dù chưa hề thực hiện bất kỳ chiến dịch truyền thông nào. Nhớ lại thời điểm chỉ cách đây hơn một tháng, khi một nhà phân phối xe sang có tên tuổi đứng ra công bố chiến lược phát triển của mình, đồng thời thông báo đưa về thêm một thương hiệu xe nổi tiếng khác, những thông tin này gần như đã chìm nghỉm trong những câu hỏi chỉ xoay quanh thương hiệu Rolls-Royce. Và sau đó, những thông tin Rolls-Royce sẽ về Việt Nam trong năm 2013 này đã tràn ngập trên các chuyên trang về ô tô xe máy, dù danh tính của nhà phân phối chính thức vẫn chưa hề được tiết lộ.
Theo Công an Nhân dân