Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học Hà Nội còn lưu thông tin nào của ông Vương Tấn Việt?

Đại học Hà Nội cho biết ông Vương Tấn Việt đã học chương trình đại học ngành Ngôn ngữ Anh của trường, hệ đào tạo từ xa. Thời gian học từ năm 1994 đến năm 2001.

Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang). Ảnh: Thiền tôn Phật Quang.

Theo thông tin từ Đại học Luật Hà Nội, năm 2001, ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội).

Đến năm 2017, ông Việt tiếp tục trúng tuyển trình độ đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Đại học Luật Hà Nội. Năm 2019, vị này tốt nghiệp loại giỏi.

Như vậy, Đại học Hà Nội cũng là nơi ông Vương Tấn Việt nộp bằng cấp 3 làm điều kiện tuyển sinh đầu vào để theo học bậc đại học.

Sáng 15/8, trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện Đại học Hà Nội cho biết năm 1994 đến năm 2001, ông Vương Tấn Việt đã học chương trình đại học ngành Ngôn ngữ Anh tại trường, hệ đào tạo từ xa.

Hiện tại, Đại học Hà Nội hiện không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.

Nhà trường hiện còn lưu giữ các thông tin của sinh viên theo quy định, gồm kết quả học tập, các quyết định công nhận trúng tuyển và công nhận tốt nghiệp của sinh viên.

"Nhà trường đã phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) rà soát, báo cáo thông tin về hồ sơ học tập của ông Vương Tấn Việt. Sau khi nhận được thông tin chính thức của cơ quan chức năng về bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt, nhà trường sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", đại diện nhà trường thông tin.

Theo Thông tư số 27/2016 của Bộ GD&ĐT quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục, hồ sơ đăng ký dự tuyển, các tài liệu liên quan đến tuyển sinh (bao gồm học bạ, bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, giấy triệu tập trúng tuyển...) sẽ lưu giữ đến khi sinh viên kết thúc khóa học.

Các thông tin lưu trữ vĩnh viễn gồm bảng điểm, quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng đại học, hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp...

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước những thông tin liên quan đến bằng cấp của ông Vương Tấn Việt. Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Việt.

Theo đó, ông Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Vị này cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT thành phố.

Ngoài tốt nghiệp hệ cử nhân của Đại học Luật Hà Nội và Đại học Hà Nội, năm 2022, ông Việt còn còn được cấp bằng tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp - Hành chính tại Đại học Luật Hà Nội. Việc ông Việt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng cũng gây xôn xao dư luận.

Tối 13/8, thông tin tới báo chí, Bộ GD&ĐT cho biết nghi vấn bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) là có căn cứ nhưng cần xác minh thêm.

Bộ cũng đang lấy ý kiến các chuyên gia phản biện độc lập để thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Việt, sau đó sẽ thành lập hội đồng để xem xét.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Bộ GD&ĐT thông tin về nghi vấn bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Bộ GD&ĐT đã bước đầu xác minh được nghi vấn về giá trị của tấm bằng bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm