Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cảnh báo lừa đảo

Nhà trường đăng cảnh báo về việc kẻ lừa đảo làm giả văn bản có dấu mộc của trường để tuyển sinh viên đăng ký đi học trao đổi ở nước ngoài.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thông tin về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện. Ảnh: HCMUSSH.

Chiều 26/12, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết nhà trường tiếp nhận thông tin khai báo của sinh viên về việc bị lừa đảo với số tiền lớn khi được mời tham gia chương trình liên kết đào tạo của một trường đại học ở nước ngoài.

Không có chuyện tuyển sinh đi học ở nước ngoài

Cụ thể, sinh viên trường nhận được thông báo với nội dung "Tuyển sinh trao đổi sinh viên Đại học Swansea University (Prifysgol Abertawe)".

Văn bản lừa đảo này nêu rằng để được tham gia chương trình, sinh viên cần có đủ năng lực tài chính để chi trả học phí, sinh hoạt phí trong thời gian học tập, đồng thời có sao kê điện tử để chứng minh tài chính thông qua sự hỗ trợ của gia đình.

truong ussh anh 1

Văn bản được nhà trường khẳng định là giả mạo, lừa đảo. Ảnh: USSH.

Ngoài ra, văn bản nêu sinh viên được miễn 100% học phí trong 3 tháng học, nhưng cần đóng tiền ở ký túc xá 500 USD/3 tháng và mức sinh hoạt phí trung bình mỗi tháng là 200 USD.

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM khẳng định văn bản và thông tin tuyển sinh này là giả mạo và có yếu tố lừa đảo. Hiện, nhà trường không phát hành thông báo tuyển sinh trao đổi sinh viên.

Ngoài ra, trường khẳng định mọi thông tin học bổng, quy trình, tuyển sinh đều được đăng tải trực tiếp, công khai minh bạch trên các kênh thông tin chính thống của trường, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật.

"Càng gần Tết Nguyên đán, nhiều hoạt động lừa đảo càng diễn ra mạnh mẽ với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến. Nhà trường đã có rất nhiều cảnh báo trên các kênh truyền thông, thông tin, nhưng các hành vi lừa đảo với quy mô ngày càng lớn, phức tạp. Các bạn sinh viên cần cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn tinh vi này. Đặc biệt, sinh viên phải kiểm chứng thông tin, xác nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trước khi hành động", nhà trường nhắc nhở sinh viên.

3 dạng lừa đảo phổ biến

Trước đó, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM từng ra thông báo cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo phổ biến. Nhà trường liệt kê 3 dạng lừa đảo mà sinh viên dễ mắc phải gồm: Mạo danh các đơn vị, viên chức, người lao động của trường để liên hệ với người học; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại; lừa đảo trên không gian mạng.

Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế các thiệt hại xảy ra, nhà trường khuyên cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học nên tuân thủ Quy tắc 6 không trong Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra, cụ thể như sau.

1. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

2. Không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.

3. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.

4. Không cán bộ cơ quan nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.

5. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.

6. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...

Nếu phát hiện các hành vi nghi vấn lừa đảo, viên chức, người lao động và người học có thể đến trình báo tại cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ qua các kênh sau:

  • Đường dây nóng của Cục An toàn thông tin: 024.32096789.
  • Đường dây nóng Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh: 113.
  • Đường dây nóng Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 0692194053.
  • Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0693187200.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Loạt trường đại học cảnh báo lừa đảo

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa... nhắc nhở học sinh, sinh viên, phụ huynh cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo học bổng đang xuất hiện trong thời gian gần đây.

Thái An

Bạn có thể quan tâm