Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học Oxford thua kiện giảng viên

Hai giảng viên của Đại học Oxford vừa thắng kiện nhà trường về việc sử dụng hợp đồng trá hình để tuyển dụng họ như lao động thời vụ.

70% nhân viên của ĐH Oxford được cho biết đang làm việc với hợp đồng không ổn định. Ảnh: Student Good Guide.

Hai giảng viên Alice Jolly và Rebecca Abrams đã giảng dạy tại Đại học Oxford 15 năm. Tuy nhiên, họ chỉ được tuyển dụng theo hợp đồng dịch vụ cá nhân có thời hạn, không được hưởng các quyền lợi lao động cơ bản.

Sau phiên điều trần vào tháng 1/2024, thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho hai giảng viên, xác nhận họ là nhân viên hợp đồng và xứng đáng được hưởng quyền lợi tương ứng. Các luật sư cho biết một phiên tòa khác sẽ được tổ chức để đánh giá tác động của phán quyết này.

Theo Guardian, cô Abrams hoan nghênh phán quyết và hy vọng nó sẽ thúc đẩy "sự thay đổi cấp thiết" trong cách các trường đại học đối xử với giảng viên.

"Alice và tôi là những giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy tại một trong những trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng chúng tôi đã bị ràng buộc bởi những hợp đồng trá hình trong nhiều năm, tước đi quyền lợi lao động và sự bảo vệ hợp pháp của chúng tôi.

Gần 70% giảng viên của Oxford đang phải làm việc với hợp đồng không ổn định. Đây là vấn đề chung của toàn ngành giáo dục đại học tại Anh. Tình trạng này gây thiệt hại cho cả giảng viên, sinh viên và chính các trường đại học", cô Abrams nói.

Theo công ty luật Leigh Day, đơn vị đại diện pháp lý cho 2 giảng viên, Đại học Oxford từng cho hay sẽ đưa ra những hợp đồng phù hợp hơn cho các giảng viên hồi tháng 4/2022, nhưng 2 tháng sau, hợp đồng của Jolly và Abrams không được gia hạn.

"Cả hai giảng viên yêu cầu tòa án công nhận việc không gia hạn hợp đồng là hành động trả thù do họ vận động công đoàn", luật sư của Leigh Day cho biết.

Trong những năm gần đây, Liên đoàn Đại học và Cao đẳng - đại diện cho giảng viên và nhân viên khác của nhiều trường đại học - đã vận động về tình trạng hợp đồng không ổn định trong giáo dục đại học.

"Tôi không thể hiểu tại sao Đại học Oxford lại dành 4 năm (với chi phí khổng lồ) để cố gắng 'bịt miệng' tôi và Rebecca khi họ biết rõ hợp đồng là trá hình. Hành động pháp lý này không phải vấn đề cá nhân của chúng tôi. Nó liên quan đến tương lai của giáo dục đại học và địa vị của các giảng viên", cô Jolly nói.

David Graham, đồng sáng lập quỹ hỗ trợ pháp lý Law for Change, cho biết nhiệm vụ của Law for Change là hỗ trợ các hành động pháp lý mang lại lợi ích xã hội rõ ràng.

Quyền lợi lao động của giảng viên tại các tổ chức giáo dục đại học đang bị xói mòn dần dần, đây là lĩnh vực mà tổ chức này đặc biệt quan tâm.

"Kết quả tích cực này không chỉ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho giảng viên tại Đại học Oxford mà còn giúp đỡ giảng viên cũng gặp tình trạng tương tự ở đại học khác", ông Graham nói.

Ông Ryan Bradshaw - luật sư đại diện của 2 giảng viên - cho hay đây là một vụ kiện quan trọng, cho thấy các cơ sở giáo dục đại học phải xem xét lại cách đối xử với nhân viên.

"Các tổ chức này không thể tiếp tục tìm cách trốn tránh nghĩa vụ pháp lý của họ. Nền kinh tế Gig (một lượng lớn người làm việc bán thời gian hoặc tạm thời - PV) không có chỗ trong các trường đại học", ông Bradshaw nói.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Đại học Oxford cấm thầy trò yêu đương

Chính sách mới được Đại học Oxford (Anh) áp dụng từ ngày 17/4 nhằm bảo vệ quyền của sinh viên và ngăn chặn lạm dụng quyền lực.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm