Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Tuyển sinh - cho biết, năm 2015, nhà trường tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực. Song dự kiến từ năm 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực hàng tháng, ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.
Một thí sinh có thể thi nhiều lần và vào bất kỳ đợt nào. Nhà trường sẽ cung cấp chứng chỉ đánh giá năng lực, dùng để thí sinh xét tuyển vào các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc trường khác có liên kết sử dụng nguồn tuyển của trường.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đứng ra đảm bảo về chất lượng, cũng như thương hiệu cho cuộc thi đánh giá năng lực này.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên. |
Bên cạnh đó, trong tương lai, phần mềm chấm điểm có thể phân tích điểm của thí sinh, ví dụ số câu làm được ở mức độ cực khó, khó và trung bình. Điều này thuận lợi cho việc xét tuyển hoặc chỉ tiêu của các nhà tuyển dụng.
Phân tích về góc độ kỹ thuật, với quy trình thi được thực hiện ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có thể áp dụng cho số lượng thí sinh lớn hơn. Ví dụ, mỗi máy chủ hiện nay chỉ dùng cho 500-600 thí sinh, tuy nhiên công suất có thể chia sẻ cho hàng nghìn người. Ngân hàng để hoàn toàn toàn có thể cung cấp cho khối lượng lớn hơn.
Để mở rộng quy mô cần điều kiện quan trong hơn cả là cơ sở vật chất như phòng thi và khối lượng máy tính phải được chuẩn hóa.
Ông Sơn "bật mí" thông tin, trong đợt này, tại mỗi điểm thi, Đại học Quốc gia sử dụng hai máy chủ song song để cùng truyền tải dữ liệu. Nếu máy này gặp sự cố thì máy kia sẽ hoạt động hết công suất. Trong mọi tình huống, ban tuyển sinh đều dự kiến nhiều phương án dự phòng.
Từ thực tế trong những ngày thi vừa qua, trước băn khoăn việc thí sinh chuyển ca thi có thể lặp lại câu hỏi đã làm và khó xác định lỗi chuyển ca do khách quan hay chủ quan, Phó giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, có 2 cán bộ phần mềm theo dõi thao tác của thí sinh trên màn hình, có thể quan sát được quy trình làm của các em. Tất cả quá trình đó đều được lưu lại nên sẽ biết các em lỗi ở khâu nào.
"Mỗi thí sinh có một đề thi khác nhau do máy tính tự tổ hợp từ bộ đề nguồn, việc lặp lại câu trong các ca thi gần như không có. Khi thí sinh đó làm lại mà có câu nào trùng, vì xác suất rất nhỏ nên không ảnh hưởng chất lượng bài", ông Sơn khẳng định.
Ngày thi đầu tiên 30/5: Nhiều thí sinh đi thi từ sớm, một số khu vực quanh Đại học Quốc gia Hà Nội bị ùn ứ giáo thông. (Xem chi tiết tại đây).
Dù đã được nhắc nhở, nhưng nhiều em vẫn quên chứng minh thư, phải về nhà lấy. Một số thí sinh đi muộn được sinh viên tình nguyện và bảo vệ đưa lên tận phòng thi. (Xem thêm tại đây).
Thời tiết nắng nóng gần 40 độ C ở Hà Nội đã gây khó khăn cho các sĩ tử và người nhà. Có trường hợp sinh viên tình nguyện phải đi cấp cứu vì quá nóng. (Xem thêm tại đây).
Kết thúc ngày thi, nhiều em nhận định đề thi đánh giá năng lực không quá khó. (Xem thêm gợi ý lời giải và đề thi môn Tiếng Anh).
Cũng trong ngày thi đầu tiên, hai thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng. Xem chi tiết tại đây.
Ngày thi thứ hai 31/5: Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra ngẫu nhiên ở một điểm thi, 70% thí sinh đạt điểm trung bình trở lên. (Xem chi tiết tại đây).
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, sẽ công bố điểm thi Ngoại ngữ sau một tuần và điểm đánh giá năng lực được đưa lên website ngày 6/6. Ngày 29/6, trường sẽ công bố điểm trúng tuyển của thí sinh thi đợt 1 này. (Xem chi tiết tại đây).
Đáng chú ý, trường đại học đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm nay không phúc khảo bài thi cho thí sinh. (Xem chi tiết tại đây).
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt, cuối tháng 5 và đầu tháng 8.
Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm của mình.
Theo đó, bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi. Thí sinh bắt buộc làm 50 câu về Toán, 50 câu hỏi Ngữ văn; lựa chọn 40 câu về khối kiến thức khoa học tự nhiên hoặc xã hội và nhân văn.
Trong bài thi đánh giá năng lực, kiến thức lớp 10 chiếm 10%, lớp 11: 20% và lớp 12: 70%.
Mức độ của đề thi được đánh giá dễ (10%), khó (20%) và trung bình (70%).
Riêng thí sinh có nguyện vọng vào trường Đại học Ngoại ngữ, sẽ lựa chọn môn một trong những phần thi: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.
Đề thi gồm 80 câu hỏi làm trong 90 phút, độ khó được phân theo tỷ lệ như sau: Dễ (20%), trung bình (60%) và khó (20%).