Việc VKSND Tối cao đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ việc tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) là nội dung nhận được nhiều ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều 20/10, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Chia sẻ quan điểm từ góc độ của người đứng đầu Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm phân tích nhiều lý do cho thấy sự cần thiết bổ sung trách nhiệm cho công an xã.
Theo Bộ trưởng Công an, xã và phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô công an phường, công an thị trấn rất lớn. Trong khi đó, quy mô công an xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Ví dụ với những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp, có những nơi đi trong xã thôi cũng gần trăm cây số. Nếu chúng ta không tổ chức việc này thì những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện thì càng xa…”, đại tướng Tô Lâm chia sẻ.
Ông khẳng định việc gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng.
Dẫn ra một loạt con số, Bộ trưởng Công an cho biết gần 2 năm qua, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã.
“Có xã thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM, cán bộ công an lên đến 50 người vì xã đó có tới 130.000 dân, gần bằng nửa tỉnh khác và có 2.000 khách sạn. Nếu công an xã chính quy chỉ 5 người thì không đảm bảo công việc”, người đứng đầu Bộ Công an nói.
Trong số cán bộ công an chính quy, đại tướng Tô Lâm cho biết hơn 50% có trình độ đại học, trên 71% cán bộ từng làm công tác điều tra hoặc liên quan điều tra hình sự. Vừa qua, Bộ tiếp tục tăng cường gần 400 cán bộ xuống các xã biên giới - những nơi có vấn đề liên quan an ninh, biên giới, tôn giáo, dân tộc, dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp.
Đại tướng Tô Lâm cho hay từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...
“Nếu không phân cấp cho xã rất khó khăn, bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa. Thậm chí nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác", Bộ trưởng Tô Lâm nói.