Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý trước thềm lễ hội, diễn ra vào ngày 9/3.
Xây dựng lễ hội cà phê thành sự kiện "đặc sản"
- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 sắp diễn ra tại Đắk Lắk có những điểm nhấn đặc biệt nào thưa ông?
- Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, diễn ra từ 9/3 đến 16/3.
Ông Thái Hồng Hà cho biết, Đắk Lắk đang nỗ lực đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Ảnh: Ama Phong. |
Tháng 3 Tây Nguyên, du khách đến với Đắk Lắk được thưởng thức không gian lễ hội đặc trưng trải rộng trên nhiều vùng của tỉnh. Lễ hội có 6 nhóm hoạt động chính gồm lễ khai mạc; hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019; hoạt động triển lãm, hội thảo; các hoạt động quảng bá, tôn vinh; hành trình du lịch và lễ bế mạc.
Với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”, lễ hội tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của ngành cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Điểm mới của lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. So với các lễ hội trước, nội dung chương trình có những đặc điểm đặc sắc hơn như lần đầu tổ chức cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, thu hút nhiều nhà sản xuất, chế biến cà phê đăng ký tham gia. Các chuyên gia thử nếm quốc tế được mời từ Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Indonesia... sẽ cầm cân nảy mực cho cuộc thi này.
Khai trương đường sách cà phê Buôn Ma Thuột từ ngày 9/3; khai trương và triển lãm lịch sử cà phê thế giới tại Bảo tàng Thế giới cà phê với hàng nghìn hiện vật độc đáo liên quan đến lịch sử cà phê thế giới cũng là những điểm nhấn trong chương trình.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 H’Hen Niê sẽ là đại sứ truyền thông của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019, hứa hẹn mang đến cho du khách và nhân dân những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê, bản sắc văn hóa, tình cảm và sự hiếu khách của Tây Nguyên, cũng như ước mong đưa nơi đây trở thành điểm đến của những người yêu cà phê trên toàn cầu…
Bảo tàng cà phê thế giới tại Buôn Ma Thuột là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hoàng Anh. |
Tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
- Tỉnh Đắk Lắk có những ưu đãi gì cho nhà đầu tư để mời họ rót vốn vào du lịch tỉnh nhà?
- Theo quy định của Chính phủ, các dự án đầu tư vào tỉnh, tùy thuộc vào địa bàn và ngành nghề, lĩnh vực đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất (miễn tiền thuê đất từ 7 năm đến miễn toàn bộ thời gian thực hiện dự án); tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (tối thiểu là miễn 2 năm, giảm 50% cho 4 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế); miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách mềm tại Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư khi triển khai thực hiện.
Đắk Lắk với khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ được xem là mỏ vàng du lịch cùng với chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn từ phía tỉnh. Tôi tin rằng nơi đây sẽ được khai thác hiệu quả, bền vững.
- Bản sắc văn hóa Tây Nguyên là một trong những giá trị cốt lõi làm nên đặc trưng du lịch Đắk Lắk. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có kế hoạch gì để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch?
- Tỉnh tiếp tục duy trì biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân địa phương và du khách 2 lần/tháng. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển nền kinh tế địa phương.
Du lịch sinh thái với voi ở hồ Lắk. Ảnh: Hoàng Gia. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, chúng tôi xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo một số di tích, nhất là di tích quốc gia, đặc biệt nhà đày Buôn Ma Thuột để bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với du lịch, phục vụ nhân dân và khách tham quan; phát triển Bảo tàng Đắk Lắk trở thành điểm nhấn về văn hóa và du lịch của tỉnh.
Thứ hai, chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khảo sát, lựa chọn một số buôn, làng truyền thống tiêu biểu để đầu tư khai thác và phát triển du lịch văn hóa.
Thứ ba, trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020, Sở đã xây dựng chương trình hành động nhằm hỗ trợ, tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các buôn du lịch cộng đồng, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh phục vụ khách du lịch.
Thứ tư, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và pháp lý hóa một số lễ hội đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu cho du lịch Đắk Lắk như hội voi, lễ hội đua thuyền truyền thống; đua thuyền độc mộc; hội vật, lễ hội dân gian Việt Bắc và một số lễ hội khác, tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch, phục vụ khách tham quan khi đến với Đắk Lắk.