Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đắk Lắk tăng cường phòng tay chân miệng trong trường học

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 trường hợp mắc tay chân miệng.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng chống nhằm kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 trường hợp mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp ảnh hưởng tính mạng.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng tại trạm y tế; yêu cầu các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đặc biệt là vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.

tay chan mieng truong hoc anh 1

Sở Y tế đề nghị cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học. Ảnh: Quang Nhật/ Sở Y tế Đắk Lắk.

Trước đó, vào trung tuần tháng 8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các lớp tập huấn y tế trường học cho đội ngũ cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ là chuyên viên công tác tại Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT; nhân viên y tế trong các trường ở các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.

Tham dự và chỉ đạo tại các lớp tập huấn y tế trường học, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC Đắk Lắk khẳng định bộ phận y tế chuyên trách trong các trường học có nhiệm vụ phản ứng nhanh trong các trường hợp sơ cứu ban đầu khi học sinh gặp tai nạn thương tích hay đau ốm. Ngoài ra, bộ phận này còn quán xuyến cả vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Khi có dịch bệnh, họ phải kịp thời nắm bắt chỉ đạo chuyên môn cấp trên để triển khai đến giáo viên, học sinh, thậm chí cả các bậc phụ huynh.

Do vậy, trong thời điểm các loại bệnh truyền nhiễm đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đội ngũ nhân viên y tế trường học cần có sự phối hợp chặt chẽ và làm theo hướng dẫn của Ngành Y tế để nhanh chóng xử lý các tình huống khi dịch bệnh xảy ra ngay tại cơ sở.

Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đắk Lắk, hiện nay là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.

Do tính chất lây truyền, đặc biệt trong thời điểm trẻ tập trung vào năm học mới, điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bác sĩ Trần Kim Long cũng đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo về bệnh tay chân miệng trở nặng, để người dân cần chú ý:

- Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

- Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

tay chan mieng truong hoc anh 2

Cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín để tạo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ. Ảnh: Quang Nhật/ Sở Y tế Đắk Lắk.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.

Ai dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Đậu mùa khỉ trước đây được chẩn đoán sau khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc đi du lịch đến các khu vực bị ảnh hưởng. Hiện nay, con số lây bệnh do quan hệ tình dục tăng cao.

Bảo Trọng - Tiểu Huệ

Bạn có thể quan tâm