Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đám đông giận dữ bên ngoài các phòng khám phá thai ở Hà Lan

Dự án Abortion Buddies ra đời nhằm cung cấp tình nguyện viên bảo vệ những phụ nữ Hà Lan đi phá thai khỏi đám đông giận dữ đứng chặn cửa các cơ sở y tế.

So với các quốc gia khác, Hà Lan có tỷ lệ phá thai thấp. Quốc gia này đã hợp pháp hóa việc phá thai kể từ tháng 11/1984 thông qua Đạo luật Chấm dứt Thai kỳ, cho phép sản phụ bỏ thai trong vòng 21-24 tuần đầu tiên. Mục đích của đạo luật này là để giúp đỡ những phụ nữ gặp phải hoàn cảnh khó khăn do mang thai ngoài ý muốn.

Việc chấm dứt thai kỳ ở Hà Lan được xem xét một cách cẩn thận. Sản phụ phải nhận được sự đồng ý của bác sĩ thì mới được thực hiện phẫu thuật nạo phá thai. Ngoài ra, chỉ có 18 cơ sở y tế được cấp phép hành nghề phá thai tại nước này. Chi phí phá thai tại các bệnh viện, phòng khám này đều được bảo hiểm y tế chi trả.

di pha thai anh 1

Hoạt động phá thai bị phản đối gay gắt ở nhiều quốc gia, trong đó có Hà Lan. Ảnh: AFP.

Tuy vậy, đặt chân đến một cơ sở phá thai không phải một chuyện dễ dàng. Và điều đó lại càng trở nên khó khăn hơn khi gặp đám đông đứng bên ngoài phòng khám gọi bạn là kẻ giết người hay nguyền rủa bạn xuống địa ngục.

Trên thực tế, hơn 11 cơ sở phá thai ở Hà Lan ghi nhận tình trạng trên. Các nhà chức trách địa phương đã cố gắng ngăn cách bệnh nhân với đám đông biểu tình hung dữ nhưng thất bại.

“Họ đứng đầy ngoài cửa phòng khám nhưng cảnh sát không làm gì được”, Gerrit Zomerdijk, giám đốc một phòng khám ở thành phố Rotterdam, cho biết.

Năm 2019, Eva de Goeji đã gặp phải những người biểu tình trên khi tới một phòng khám ở thành phố The Hague (Hà Lan).

Do đó, cô hợp tác với tổ chức nữ quyền De Bovengrondse và khởi động dự án Abortion Buddies nhằm bảo vệ và đồng hành, hỗ trợ bất kỳ ai đi phá thai ở nước này.

Dự án Abortion Buddies hiện có 22 “người bạn” sẵn sàng đồng hành với bệnh nhân đến cơ sở phá thai. Bệnh nhân có thể chọn lựa bạn thông qua một trang web hoặc đặt yêu cầu trực tiếp với phòng khám.

di pha thai anh 2

Famke (27 tuổi) và đám đông đứng biểu tình phản đối phá thai ở đằng sau. Ảnh: VICE.

Famke (27 tuổi) là một trong số những “người bạn”. Cô lựa chọn trở thành tình nguyện viên không chỉ để góp phần lên tiếng phản đối đám đông biểu tình, mà còn muốn được đồng hành với các bệnh nhân đi phá thai.

“Tôi tin rằng không ai nên ở một mình trong tình huống dễ tổn thương như vậy. Tôi luôn đợi họ cho đến khi kết thúc cuộc phẫu thuật”, cô nói với VICE.

Các tình nguyện viên thuộc dự án đều trải qua tập huấn cùng với những diễn viên chuyên nghiệp đóng giả người biểu tình. Ngoài ra, họ cũng được các bác sĩ phụ khoa và nhân viên phòng khám hướng dẫn cách giữ thái độ trung lập khi tương tác với đám đông hung dữ.

di pha thai anh 3

Famke không muốn người phụ nữ nào phải đi phá thai một mình. Ảnh: VICE.

Trong quá trình đào tạo, Famke thừa nhận bản thân cảm thấy căng thẳng và muốn lao vào “đấu khẩu” khi diễn viên bắt đầu la hét, chửi rủa.

“Tôi tự nhủ rằng mình phải gạt hết cảm xúc cá nhân sang một bên nếu muốn hộ tống bệnh nhân đến phòng khám an toàn”, cô kể lại.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích từ phía người biểu tình đồng thời làm khơi dậy “sức mạnh bên trong” của các tình nguyện viên, giúp họ ý thức được mình đang làm gì và làm điều đó cho ai.

Thông thường, sau khi rời phòng khám, Famke nán lại tâm sự với bệnh nhân. Họ sẽ ngồi cafe để nói chuyện, giải tỏa bớt căng thẳng hậu phẫu thuật, trừ khi bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thì Famke sẽ gọi taxi đưa cô ấy về nhà.

“Không phải ai cũng quyết định phá thai ở ngay lần đầu tiên đến phòng khám. Do vậy, có thể tôi sẽ đi cùng với một bệnh nhân nhiều buổi”, cô nói.

Famke cho biết cô không giữ liên lạc với các bệnh nhân, trừ khi họ muốn vậy. Để đảm bảo an toàn và bảo mật, cô xóa sạch mọi tin nhắn và số điện thoại của bệnh nhân.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến số lượng bệnh nhân mà dự án có thể tiếp cận. Những “người bạn” như Famke cũng không được vào trong phòng khám bởi lý do an toàn.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Famke, các y bác sĩ và nhân viên thuộc phòng khám phá thai ủng hộ Abortion Buddies, cho rằng hoạt động của dự án là thích hợp, đem lại tác động tích cực tới bệnh nhân.

Nỗi buồn của người mẹ có thai chết lưu

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 16 giây lại có một ca thai lưu, ước tính mỗi năm có gần 2 triệu trẻ sơ sinh chết từ khi mới chào đời.

Hồng Chang (Theo VICE)

Bạn có thể quan tâm