Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi buồn của người mẹ có thai chết lưu

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 16 giây lại có một ca thai lưu, ước tính mỗi năm có gần 2 triệu trẻ sơ sinh chết từ khi mới chào đời.

Tháng 2/2016, Deanna Lim (30 tuổi) cùng chồng là Timothy (29 tuổi) đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản. Họ rất hào hứng đón chào sự ra đời của đứa con đầu lòng nhưng cũng có chút lo lắng.

“Chỉ vài ngày trước đó, tôi cảm thấy có chút kỳ lạ khi con không cử động. Nhưng tôi không nghĩ đó là vấn đề lớn vì đứa bé đã rất to, còn bụng tôi thì căng cứng. Tôi chỉ hạn chế cử động nhiều”, Deanna nói.

Trong suốt 39 tuần mang thai, Deanna không nhận thấy bất kỳ biến chứng nào, tất cả xét nghiệm đều bình thường. Hai vợ chồng cô vui mừng chờ đến ngày sinh.

ty le thai chet luu o Dong Nam A anh 1

Thai chết lưu là biến cố đáng buồn mà không người mẹ nào mong muốn. Ảnh: The Times.

Mọi chuyện bắt đầu tồi tệ khi y tá cố gắng tìm nhịp tim thai nhi một cách tuyệt vọng. “Cô ấy di chuyển máy siêu âm rất nhiều lần. Sau đó, bác sĩ thông báo rằng con của chúng tôi đã ra đi”, Deanna Lim kể lại.

Chiều hôm đó, Nathaniel, con của Deanna, được lấy ra khỏi bụng mẹ bằng phương pháp sinh mổ. Cậu bé nặng 2,5 kg.

Nỗi buồn của người mẹ

Ngày hôm sau, Nathaniel được bố mẹ và người thân tổ chức đám tang. Không có lời giải thích nào cho cái chết của em. Người nhà từ chối cho bệnh viện khám nghiệm tử thi.

“Tôi ở trong nhà hộ sinh nên không thể nghe thấy những đứa trẻ khác khóc. Timothy đã thay tôi thu xếp mọi thứ cho đám tang. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi trông thấy quan tài bé nhỏ của con. Về đến nhà, hai vợ chồng tôi tự nhốt mình trong căn hộ suốt một tháng. Chúng tôi không muốn bị ai làm phiền và hạn chế đi qua khu vực nhà trẻ”, người phụ nữ 30 tuổi chia sẻ.

Deanna cho biết cô đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực nhất sau khi con trai qua đời, từ đau buồn, tiếc nuối, sốc đến trầm cảm. Cô không thể ngừng rơi nước mắt khi kể về câu chuyện của mình.

“Đó là lần đầu tiên mang thai nên tôi không biết phải làm sao. Tôi ước gì mình đã đến bệnh viện ngay khi phát hiện em bé không cử động. Phải chi tôi chụp được vài bức ảnh về Nathaniel. Tất cả những gì tôi có là ký ức trong tâm trí, nhưng nó cũng bắt đầu mờ dần”, cô bày tỏ.

Timothy thường xuyên mệt mỏi và chỉ muốn ngủ để quên đi nỗi buồn. Còn Deanna thì trằn trọc cả đêm không thể chợp mắt. “Đó là một khoảng thời gian khó khăn”.

ty le thai chet luu o Dong Nam A anh 2

Thai lưu được chia thành nhiều trường hợp. Ảnh: SBS.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 16 giây lại có một ca thai lưu, gần hai triệu trẻ sơ sinh chết từ khi chào đời mỗi năm. Con số này được ước tính dựa trên giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc tử vong sau 28 tuần tuổi.

Trường hợp thai chết lưu được báo cáo theo nhiều cách khác nhau ở các quốc gia. Tại Singapore, thai lưu được xác định khi không có dấu hiệu của sự sống sau 28 tuần ở trong bụng mẹ. Trong khi ở Mỹ là tối thiểu 20 tuần, Anh và Malaysia là 24 tuần.

Tuy nhiên, tại Hong Kong, đứa trẻ mất trước tuần thứ 24 sẽ không được chôn cất hoặc hỏa táng đúng cách vì bị xem là “chất thải y tế”, thay vì thai chết lưu.

Vấn đề này đã gây xôn xao dư luận vào năm 2017 khi một cặp vợ chồng phải đấu tranh để được phép mang xác con trai của họ về chôn cất vì người mẹ sảy thai ở tuần 15.

Giảm thiểu tỷ lệ thai lưu

Để nâng cao nhận thức về thai chết lưu, Asianparent, cộng đồng nuôi dạy con cái lớn nhất Đông Nam Á, đã ra mắt dự án Sidekicks. Sáng kiến ​​này sẽ giúp các bậc phụ huynh có thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời giảm thiểu rủi ro thai chết lưu bằng cách cung cấp kiến thức, thúc đẩy sự hỗ trợ của cộng đồng và tận dụng nền tảng công nghệ.

Bên cạnh đó, Sidekicks còn đặt ra mục tiêu giảm 10% tỷ lệ thai lưu ở Đông Nam Á trong 3 năm tới, nơi ghi nhận khoảng 105.000 ca hàng năm.

Asianparent đã tổ chức các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội như #SleeponSide, đếm cú đạp của em bé, ngăn phụ nữ hút thuốc khi mang thai và hỗ trợ sản phụ trong quá trình hồi phục.

ty le thai chet luu o Dong Nam A anh 3

Dự án của Asianparent thúc đẩy kiến thức về thai kỳ cho sản phụ. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, các bà mẹ có thể ngăn chặn tới 30% trường hợp xấu nhất xảy ra nếu theo dõi chuyển động của trẻ sơ sinh và nhanh chóng liên hệ với bác sĩ khi thấy bất ổn.

Asianparent cũng muốn xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội dành cho những phụ nữ có con chết lưu bằng cách động viên các thành viên trong cộng đồng của mình - có 35 triệu người truy cập mỗi tháng - chia sẻ kinh nghiệm của họ. Deanna là một trong số đó.

Deanna cho hay mỗi khi nói về vấn đề này, cô rất dễ xúc động. Cô cùng chồng thành lập một trang blog tên là thelittlenathaniel.org để giúp giải tỏa nỗi đau của họ.

Deanna cũng từng trải qua nỗi lo lắng với “em bé cầu vồng”, thuật ngữ để chỉ đứa trẻ may mắn mà được sinh ra sau khi mẹ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu trước đó. Hơn một năm sau, cô mang thai một bé gái. Khác với lần trước, Deanna có sự chuẩn bị tốt hơn.

ty le thai chet luu o Dong Nam A anh 4

Gia đình nhỏ của Deanna đón chào hai "thiên thần nhí". Ảnh: SCMP.

“Khi Natalie xuất hiện, tôi luôn cẩn thận theo dõi nhịp thở của con bé từng giây từng phút” Deanna nói với SCMP.

Sau khi Natalie lên 3, Deanna tiếp tục mang thai và sinh con gái thứ 2, tên là Emilee (gần 2 tuổi).

“Có những khoảnh khắc tôi nhìn các con và tự hỏi sẽ như thế nào nếu chúng có một người anh. Nỗi buồn đó sẽ theo tôi mãi mãi. Nhưng theo thời gian, sự đau khổ đó sẽ thể hiện một cách khác, có thể là lạc quan hơn”, bà mẹ 2 con nói.

Giới quý tộc Anh cũng chỉ muốn sinh con trai

Anh là một trong những nước vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt giới tính nặng nề. Tư tưởng xem trọng quyền nam trưởng được thể hiện rõ qua giới quý tộc.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm