Zing trích dịch bài đăng trên The Atlantic, nói về vấn đề nữ quyền trong giới quý tộc ở Anh. Nhiều bé gái sinh ra trong tầng lớp thượng lưu không được đối xử công bằng hoặc thừa hưởng những quyền lợi đáng được nhận.
Năm 2015, Charlotte Carew Pole (đến từ Cornwall, Anh) sinh con đầu lòng, đặt tên là Jemima. Con gái chào đời là niềm hạnh phúc to lớn đối với Charlotte vì trước đó cô từng trải qua nhiều lần sảy thai và thụ tinh ống nghiệm.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Jemima không khiến những người trong dòng họ của cô vui mừng. Họ muốn có một đứa cháu trai.
“Tôi rất vui vì Jemima sinh ra khỏe mạnh nhưng cũng ngạc nhiên trước phản ứng của một số người. Họ nói tôi ‘Hãy thử lại, đừng lo lắng, quý tử sẽ đến với cô’. Điều đó làm tôi thấy hụt hẫng”, Charlotte bày tỏ.
Nhiều bé gái sinh ra trong gia đình thượng lưu bị đối xử bất công. Ảnh: Pinterest. |
Ông Richard Carew Pole, bố chồng của Charlotte, là một nam tước. Đây là tước hiệu quý tộc do Vua Charles I ban tặng cho gia đình ông vào năm 1628. Giống như nhiều danh vị khác của nước Anh, chỉ có đàn ông mới được trao lại.
Ông Richard là nam tước thứ 13. Tremayne, chồng của Charlotte, một ngày nào cũng sẽ thừa kế tước hiệu này. Nhưng Jemima thì không thể là người thứ 15.
Vì vậy, con gái nhỏ của Charlotte bị nhiều người nói là “một nỗi thất vọng”.
Đặc quyền nam giới
Theo The Atlantic, nhiều bậc phụ huynh có kỳ vọng thấp hơn về việc học hành của con gái họ. Công việc kinh doanh cũng thường được truyền từ cha cho con trai. Những mảnh đất và tài sản lớn luôn thuộc về đàn ông.
Charlotte quyết định thực hiện chiến dịch Daughters’ Rights để kêu gọi thay đổi luật cho phép các tước vị có thể được truyền lại cho cả con trai và con gái. Không chỉ là danh hiệu, bất động sản, tiền bạc mà địa vị, quyền lực cũng phải được chia sẻ công bằng như nhau .
Theo Charlotte, lối sống của tầng lớp thượng lưu Anh đang dần bóp méo nền dân chủ cho con người.
Một số gia đình quý tộc chuộng sinh con trai để nối dõi. Ảnh: Confetti. |
Xứ sở sương mù đang bị mắc kẹt giữa truyền thống và hiện đại, giữa thời Trung cổ và thế kỷ 21. Nước Anh cho phép những người kế thừa tước hiệu quan trọng được tham gia vào Quốc hội, đồng thời ghi lại trên trang web chính thức của cơ quan lập pháp những người trong số họ là non-binary (tạm dịch: phi nhị nguyên giới).
Ngoài ra, quốc gia này còn trao cho những người chuyển giới quyền được thay đổi giới tính hợp pháp của họ, trừ khi điều đó ảnh hưởng đến việc thừa kế dòng dõi.
Xem trọng quyền nam trưởng
Anh có hơn 800 người thừa hưởng tước hiệu quý tộc do nhà vua ban tặng cho tổ tiên. Tùy thuộc vào công lao hoặc thành tựu, người đó sẽ được phong danh hiệu như công tước, hầu tước, bá tước, tử tước và nam tước.
Những người nắm giữ tước hiệu được quyền ứng cử vào 92 vị trí trong Hạ viện và phân bổ theo chế độ cha truyền con nối.
Hầu hết tài sản, danh tiếng đều được truyền lại cho con trai đầu lòng, một tập tục được gọi là "quyền con trai trưởng". Một số gia đình cũng cho con gái thừa kế nếu không sinh được bé trai. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra.
Trong những thế kỷ trước, con gái không được thừa kế tài sản, danh vị. Ảnh: USA Today. |
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến), tác giả Jane Austen đã miêu tả chi tiết năm chị em nhà Bennet sẽ không được thừa kế điền trang của cha họ theo luật pháp thời bấy giờ.
Khi ông qua đời, họ sẽ bị đuổi ra khỏi nhà và hoàn toàn trắng tay, tài sản có thể thuộc về Collins, một người họ hàng xa.
Nữ hoàng Elizabeth II có thể sẽ bị tước quyền kế vị nếu cha mẹ bà tiếp tục sinh con trai, theo The Atlantic. Thế nhưng, luật này đã được thay đổi trước khi con đầu lòng của Hoàng tử William và Công nương Kate Middleton chào đời.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ của phong trào đấu tranh nữ quyền ở Anh, việc xem trọng con trai trưởng vẫn tồn tại trong tầng lớp quý tộc của quốc gia này.
Xóa nhòa ranh giới
Trên thực tế, hiện tượng này tồn tại trên khắp thế giới. Đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có hàng nghìn thai nhi là bé gái bị phá. Tại khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara, các bé trai thường được tiếp cận với trường học tốt hơn, luôn “đủ ăn đủ mặc”. Nếu xét trên toàn thế giới, đàn ông cũng ít làm việc nhà hơn phụ nữ.
Thực trạng ở Anh đã hạn chế hơn rất nhiều, nhưng nó vẫn tồn tại. Robin Neville, Nam tước Braybrooke, có tám cô con gái nhưng tất cả đều không có quyền thừa kế. Ông hy vọng cuối cùng sẽ sinh được một cậu con trai. Khi Neville qua đời vào năm 2017, danh hiệu đã thuộc về một người em họ hàng xa.
Cựu Thủ tướng Tony Blair cho rằng đã đến lúc chấm dứt tư tưởng lạc hậu đã làm cản trở tầm nhìn của Anh về một xã hội hiện đại, không giai cấp. Cựu Ngoại trưởng Robin Cook cũng từng nhận xét rằng Anh và Lesotho là “hai quốc gia duy nhất có ghế dành riêng trong Quốc hội cho cha truyền con nối”.
Các nhà nữ quyền đấu tranh cho quyền bình đẳng của con gái. Ảnh: Variety. |
Charlotte là người thành lập Daughters’ Rights. Cô luôn cảm thấy khó khăn trong việc kêu gọi các tổ chức và nhà hoạt động nữ quyền chính thống ủng hộ mình. Charlotte cho biết ít ai quan tâm đến nữ quyền trong giới quý tộc và sở thích sinh con trai vẫn khó bị xóa nhòa.
Kể từ khi Lucian, con trai của cô, ra đời, Charlotte cảm thấy có ranh giới được lập ra rõ ràng cho hai đứa trẻ giữa nhà bếp và khu vực chính.
Năm 2018, Daughters’ Rights đã đưa một đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu để khiếu nại Anh đang ngầm cho phép phân biệt giới tính. Charlotte đã thuyết phục được 5 cô gái sẵn sàng đấu tranh để giành quyền thừa kế. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn đang chờ câu trả lời từ tòa án.
Lady Tanya Field (49 tuổi) là con cả trong gia đình có 3 người con gái. Cô chia sẻ mình không hề bối rối khi kế thừa quyền ứng cử của cha trong Hạ viện. Field có thể đã tham gia vụ kiện của Tòa án châu Âu nhưng cô muốn giấu đi nguồn gốc quý tộc của mình để có một cuộc hôn nhân bình thường.