Triệt sản hà mã không nằm trong chương trình đào tạo thú y chính thức mà bà Cristina Buitrago từng theo học, đặc biệt là vì môi trường sống tự nhiên của loài động vật lưỡng cư này ở cách xa hơn 11.000 km.
Tuy nhiên, nữ bác sĩ thú y đã phải ghi tên vào một khóa học cấp tốc về thủ thuật xa lạ đó khi chính phủ Colombia mới đây tuyên bố loài động vật khổng lồ có nguồn gốc châu Phi là một loài xâm lấn.
Triệt sản hà mã không giúp giải quyết vấn đề
Đội chuyên gia gồm 6 người của bác sĩ Buitrago dụ mục tiêu vào một bãi quây bằng 80 kg cà rốt, “hạ gục” mục tiêu bằng phi tiêu chứa đầy thuốc an thần đủ để ba con ngựa nằm im bất động.
Sau đó, bà Buitrago thực hiện thủ thuật lấy tinh hoàn của con hà mã, nằm dưới nếp gấp da dày. Ca phẫu thuật có thể kéo dài 5 giờ dưới cái nắng nhiệt đới và tiêu tốn tới 17.000 USD ở một quốc gia còn đang vật lộn với việc chăm sóc sức khỏe cho con người.
"Bùn ở khắp nơi. Mồ hôi ướt đẫm”, bà Buitrago - bác sĩ thú y của Cornare, một nhóm môi trường do chính quyền Colombia tài trợ - mô tả. “Đây không phải là một cách thiết thực để giải quyết vấn đề”, bà nêu rõ.
Giới chức trách ở Colombia đã triển khai nhiều biện pháp, như triệt sản, săn bắn và các kế hoạch khác nhưng đều thất bại trong việc kiểm soát những con hà mã, loài động vật có vú đã phát triển thành đàn hoang dã hơn 140 con kể từ khi trùm ma túy Pablo Escobar nhập một số cá thể đến Colombia 43 năm trước cho sở thú tư nhân của ông ta.
Nhiều năm sau cái chết của ông trùm khét tiếng này vào năm 1993, một số con hà mã đã trốn thoát và sinh sản bùng nổ ở các hồ và đầm lầy của vùng đất nóng bức ở phía bắc Colombia. Những phiền phức do loài vật ngoại lai gây ra với cư dân địa phương ngày càng chồng chất và đáng lo ngại nhất là một số vụ tấn công con người đã được ghi nhận.
Chính quyền Colombia đang hợp tác với một nhà hoạt động bảo vệ động vật Mexico có tên Ernesto Zazueta để đưa chúng ra khỏi nước này.
Ernesto Zazueta giải thích cách ông vận chuyển hà mã ra khỏi Colombia. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ông Ernesto Zazueta là người điều hành Ostok, một khu bảo tồn động vật tư nhân ở Culiacán, Mexico, nơi sinh sống của vẹt đuôi dài, báo sư tử, báo đốm, hai con hà mã tên Fredy và Kathy, và một chú voi tên Big Boy được giải cứu khỏi rạp xiếc. Trên cánh tay trái của ông Zazueta thậm chí có hình xăm của Big Boy.
Ông cho hay hà mã châu Phi đã được phân loại là động vật có nguy cơ tuyệt chủng, do đó ông phản đối việc săn bắn hoặc triệt sản chúng ở Colombia. Kế hoạch của ông là bẫy những con hà mã đang trong độ tuổi sinh sản, đặt chúng vào những chiếc thùng kim loại được đóng theo yêu cầu và sau đó vận chuyển đến Ostok hoặc đến một khu bảo tồn lớn ở Ấn Độ.
“Tùy thuộc vào kích thước của những con hà mã, chúng tôi có thể nhận được 15-20 con trên một chiếc máy bay. Đây là một cơ hội lớn để giúp đỡ loài động vật này”, ông Zazueta, 59 tuổi, người đứng đầu hiệp hội trông coi vườn thú và thủy cung Mexico, cho biết.
Sinh nở tràn lan
Thống đốc tỉnh Antioquia, ông Aníbal Gaviria, gần đây đã bay cùng ông Zazueta trên một chiếc trực thăng để để khảo sát toàn diện vấn đề về đàn hà mã. Ông đã ký kết chuyển nhượng những con hà mã miễn là các nhà tài trợ tư nhân chịu khoản tiền 5 triệu USD để làm lồng và chi phí máy bay để di chuyển chúng. Chỉ một nửa đàn hà mã được chuyển nhượng, nhưng đó dường như là lựa chọn tốt nhất với Colombia.
David Echeverri, một nhà sinh vật học thuộc Cornare, người đã vật lộn với vấn đề hà mã trong 15 năm, chia sẻ: “Chúng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn chúng sinh sản vô tội vạ. Nếu xảy ra chết người do hà mã tấn công, hậu quả sẽ rất lớn”.
Những con hà mã trong công viên Hacienda Nápoles là con cháu của 4 cá thể được ông trùm ma tuý Colombia Pablo Escobar mua từ châu Phi về vào cuối thập niên 1980. Ảnh: AP. |
Những con hà mã tới Colombia lần đầu tiên vào năm 1980 khi Escobar, tỷ phú đứng đầu băng đảng ma túy Medellín, thả voi, hươu cao cổ, ngựa vằn và các động vật hiếm thấy khác vào trang trại Hacienda Nápoles rộng lớn của ông trùm này. Sau khi cảnh sát tiêu diệt Escobar với sự hỗ trợ của Mỹ, hầu hết số động vật này đã chết hoặc được tặng cho các sở thú.
Tuy nhiên, một số hà mã đã tìm đường đến sông Magdalena gần đó, được mệnh danh là Mississippi của Colombia.
Ở châu Phi - nơi hà mã sống ở các quốc gia cận Sahara từ Kenya đến Nam Phi - những con hà mã nhỏ có thể trở thành mồi của cá sấu và sư tử. Tuy nhiên, “kẻ săn mồi” chính của đàn hà mã 130.000 con ở châu lục này là những người săn lùng hà mã lấy thịt và những chiếc răng ngà.
Ở Colombia, thiếu vắng những động vật săn mồi tự nhiên, hà mã đã xâm chiếm một đoạn sông dài gần 200 km và đang sinh sản nhanh hơn họ hàng châu Phi của chúng. 20 năm trước, có 10 con hà mã ở Colombia. Tuy nhiên, tuổi thọ của hà mã kéo dài - hơn 40 năm trong tự nhiên - và con cái có thể sinh con sau mỗi hai năm.
Theo tạp chí khoa học Bảo tồn sinh học, đến năm 2039, quần thể hà mã của Colombia có thể lên tới 1.500 con.
Năm ngoái, Bộ Môi trường Colombia tuyên bố rằng hà mã, với mỗi cá thể có thể nặng tới 4,5 tấn, là một loài xâm lấn. Sắc lệnh lưu ý rằng hà mã đang khiến lợn biển, rái cá và capybaras mất môi trường sống. Chúng cũng làm suy giảm chất lượng nước, ảnh hưởng tới chất lượng đất và tạo ra các con kênh làm thay đổi dòng chảy của các nhánh sông Magdalena, có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt.
Nguy hiểm
Ở châu Phi, hà mã khiến khoảng 500 người chết mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều người ở Colombia, bao gồm cả khách du lịch đến thăm khu vực, coi chúng là những sinh vật đáng yêu.
Tại công viên giải trí Hacienda Nápoles, hà mã trong hồ nhân tạo là một điểm thu hút lớn. Chúng bao gồm một con cái tên Vanesa thường lên khỏi mặt nước để nhai cà rốt do những người xem ném vào từ phía sau hàng rào.
Bức tượng hà mã màu hồng chào đón khách du lịch tại Công viên Hacienda Nápoles. Ảnh: AP. |
Nestor Orozco, người điều hành một khách sạn bên cạnh công viên giải trí và bán đồ lưu niệm về hà mã, cho biết: “Chúng rất tốt cho việc kinh doanh”.
Khách sạn của ông chỉ cách vài bước chân với tấm biển ghi: “Nguy hiểm: Có hà mã ở đây”.
Sau khi trời tối, nắng nóng không còn thiêu đốt ở thị trấn Doradal bên sông Magdalena, hà mã đi lang thang qua các khu phố như những con chó hoang. Ông Luis Enrique Isaza, 76 tuổi, nói: “Những con vật đi ngang qua trông thật đẹp”.
Một số video trên mạng xã hội cho thấy có những người thậm chí đã nhận nuôi hà mã con, nuôi chúng bằng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và đối xử với chúng như những con chó lớn.
Đối với nhiều người khác trong vùng, những con vật khổng lồ này là nỗi sợ hãi thường trực.
Chúng đã phá hủy nhiều hàng rào dây thép gai đến nỗi các chủ trang trại phải dựng những cổng gỗ đặc biệt. Vào tháng 11/2022, một người đàn ông đi xe máy đâm phải một con hà mã, khiến ông gãy một cánh tay và phần bánh trước của xe hư hại. Gần đây, một người lái ôtô đã tông trúng một con hà mã khiến con vật tử vong.
“Nhìn từ xa, chúng thật đẹp nhưng nếu bạn đến gần, chúng sẽ rất hung dữ”, bà Flor Marina Andrade, người có cháu gái 14 tuổi đang học tại một trường làng cạnh đầm đầy hà mã, bày tỏ lo ngại.
Cô Yorlin Cuesta, một giáo viên tại trường, nói rằng những học sinh của cô có thể rất thích thú với hà mã và vẽ chúng trong bài tập nghệ thuật. Nhưng cô lo lắng.
“Đây là tình huống khó xử và chúng tôi mắc kẹt ở giữa. Hãy nhìn những đứa trẻ này. Bạn có thể tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao khi một con hà mã đi vào?”, cô Cuesta nói.
Đã xảy ra những tình huống hà mã ở đây đã lao lên khỏi mặt nước và tấn công người dân, trong đó có thể kể tới trường hợp một nông dân có tên Javier Díaz đã phải nhập viện trong một tháng vì gãy chân và xương đòn, nứt xương sườn. Hai năm sau đó, ông vẫn tập tễnh đi lại bằng nạng.
Ông Juan Cadavid - chủ trang trại gia súc nơi Javier Díaz làm việc, kể lại: “Con hà mã tung ông ấy lên không trung như một quả bóng”.
Ông Álvaro Molina, một ngư dân địa phương, nhớ lại cuộc chạm trán với một con hà mã trên sông Magdalena khi con vật bất ngờ trồi lên khỏi mặt nước. Chiếc thuyền gỗ nhỏ của ông bị lật và động cơ bị chìm nhưng ông đã bơi được vào bờ. “Nó giống như một con lợn khổng lồ”, ông kể lại.
Ngư dân Álvaro Molina kể lại việc ông chạm trán một con hà mã trên sông. Ảnh: Wall Street Journal. |
Các quan chức Colombia từ lâu đã tìm cách tránh những sự cố như vậy. Vào năm 2009, họ đã thuê một xạ thủ có tiếng bắn chết một trong những con hà mã của trùm ma túy Escobar. Con vật được đặt tên là Pepe.
Nhưng động thái này đã phản tác dụng khi xuất hiện một bức ảnh chụp những người lính đang tạo dáng đắc thắng với con vật đã chết. Sau đó, phần đầu bị chặt đứt của Pepe được tìm thấy chôn ở vùng núi Andes cách đó hơn 300 km. Sau các cuộc biểu tình trên đường phố và chiến dịch cứu hà mã, một thẩm phán Colombia vào năm 2012 đã cấm săn bắt loài động vật này.
Kế hoạch vận chuyển hà mã bằng đường không của ông Zazueta được coi là một giải pháp nhân đạo hơn. Tuy nhiên, nếu điều đó không hiệu quả, triệt sản sẽ vẫn là tuyến phòng thủ chính của Colombia.
Các bác sĩ thú y cho đến nay đã “can thiệp” được đối với 11 con đực và hai con cái. Trước đây, con vật lớn nhất mà bác sĩ Buitrago từng phẫu thuật là một con ngựa, nhỏ nhất là một con chim với trọng lượng chưa đến 30 gram. Bây giờ, bà phải quen với làm việc với hà mã.
Những cuốn sách để hiểu thêm về Mỹ Latinh
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Mỹ Latinh - một khu vực rộng lớn gồm nhiều quốc gia với nền văn hóa đa dạng.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.