Chính quyền nhiều nơi từng chật vật nghĩ cách để hài hòa giữa phát triển du lịch và đảm bảo cuộc sống người dân không bị xáo trộn bởi quá đông du khách kéo đến.
|
Làng cổ Bukchon Hanok là địa điểm du lịch nổi tiếng nằm giữa thủ đô Seoul (Hàn Quốc) với bề dày lịch sử hơn 600 năm. Đây cũng là khu nhà ở cổ duy nhất tại xứ sở kim chi vẫn còn người dân sinh sống. Việc số lượng lớn du khách kéo đến tham quan đem lại không ít phiền toái cho cư dân của Bukchon Hanok. Năm 2018, dân làng từng xuống đường biểu tình vì cuộc sống của họ thường xuyên bị người ngoài làm phiền. |
|
Theo uớc tính, hơn 300.000 lượt khách du lịch đến thăm ngôi làng cổ ở Hàn Quốc mỗi tháng, với khoảng 70% trong số đó là người nước ngoài. Hàng ngày, cư dân phải đối mặt với nhiều vấn đề như tiếng ồn quá mức, xâm phạm quyền riêng tư, xả rác bừa bãi, thậm chí là tiểu tiện trong các con ngõ do thiếu nhà vệ sinh công cộng. Nhiều người đã chọn cách chuyển đi vì không chịu nổi việc chất lượng sống đi xuống. |
|
Sau hàng loạt phản đối, năm 2019, chính quyền thủ đô Seoul ra chính sách hạn chế khách du lịch đến thăm Bukchon Hanok. Theo đó, du khách chỉ được phép đến đây trong khoảng thời gian từ 9h sáng đến 17h chiều, trừ chủ nhật. Khi dạo chơi, du khách cần tôn trọng cư dân và lưu ý đến những bảng chỉ dẫn được đặt trên đường, bao gồm không cười đùa to tiếng, không cố tình nhìn vào trong nhà dân, đặt điện thoại ở chế độ im lặng khi chụp ảnh, không hút thuốc ở trong làng. |
|
Ủy ban Du lịch Hàn Quốc cũng bổ nhiệm một số “đại sứ du lịch” tại làng, những người có nhiệm vụ nhắc nhở và hỗ trợ du khách. Chính quyền thành phố cũng cam kết giải quyết vấn đề đậu xe trái phép và vệ sinh tốt hơn. Nhiều công nhân môi trường sẽ được cử đến làng. Nhiều nhà vệ sinh công cộng cũng được lắp đặt thêm. |
|
Nằm ở miền Trung Nhật Bản, ngôi làng cổ Shirakawa-go (tỉnh Gifu) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995. Do đó, nước Nhật đưa ngôi làng này vào danh mục những di sản cần bảo vệ đặc biệt. Hàng năm có khoảng gần 2 triệu du khách đến đây nhưng với sự bảo vệ của chính quyền, Shirakawa-go không bị khai thác theo hướng du lịch hóa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho cư dân. 80% dân làng đã bỏ nghề nông nghiệp chuyển sang làm dịch vụ và du lịch. |
|
Du khách khi đến tham quan tuyệt đối không được hút thuốc lá khi đang đi bộ hay vứt bỏ tàn thuốc lung tung bởi những ngôi nhà lợp mái tranh, đặc trưng của ngôi làng cổ này, rất dễ bắt lửa. Ngoài ra, đây vẫn là nơi sinh sống của hơn 150 hộ gia đình nên du khách được nhắc nhở tránh gây phiền phức cũng như không được tự ý đi vào khu vực sinh sống và làm việc của cư dân. |
|
Tai O là làng chài cổ với những ngôi nhà nổi cuối cùng còn sót lại ở Hong Kong (Trung Quốc). Người dân ở đây vẫn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá trên những con thuyền nhỏ. Tai O có chợ hải sản nổi hấp dẫn, nơi du khách có thể đi dọc theo các quầy hàng, mua sắm những món đồ khô hoặc đi thuyền để tận hưởng cảnh đẹp và tìm hiểu cuộc sống trên mặt nước của dân chài. |
|
Tai O được coi như một phần hiếm hoi còn sót lại của Hong Kong những năm tháng cũ. Song trước các tác động của thiên nhiên và con người, trong đó có du khách, cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều bấp bênh. Tháng 5/2019, Thư ký Bộ Phát triển của thành phố này cho hay chính quyền sẽ có biện pháp cải tạo chất lượng các ngôi nhà nổi dọc hai bên bờ kênh, bao gồm lắp đặt trạm cứu hỏa, cung cấp điện, nước sạch và nâng cấp hệ thống nước. |
|
Nằm ở phía tây thành phố San Francisco, Lombard Street nổi tiếng vì có một đoạn đường rất dốc, ngoằn ngoèo và trồng đầy hoa cẩm tú cầu. Nhờ hình dáng đặc biệt, Lombard Street thành nơi đông khách tham quan kéo đến ngắm nhìn, chụp hình. Theo BBC, cư dân thành phố nhiều lần phàn nàn vì du khách đứng giữa đường để selfie, quay phim, gây nguy hiểm và ùn tắc giao thông. |
|
Theo nhiều gia đình sống cạnh con phố này, không ít khách du lịch vô tư tạo dáng, tự tiện bước chân lên thềm những ngôi nhà chỉ để có góc ảnh đẹp. Trước những khiếu nại của cư dân, thành phố cam kết phê duyệt quy định thu phí chụp ảnh với khách du lịch và giải quyết các vấn đề giao thông. Các quan chức địa phương cũng mong đợi sự tôn trọng, ủng hộ từ du khách. |
|
Ngoài việc mực nước dâng cao đe dọa cơ sở hạ tầng, thành phố kênh đào Venice (Italy) đón tới 30 triệu lượt du khách mỗi năm. Thực tế này khiến nhiều học giả lo sợ số người địa phương ở đây sẽ chẳng còn ai vào năm 2030 vì giá nhà đất tăng cao, khả năng mua nhà xa vời. Chưa hết, nếu chọn sinh sống ở địa điểm du lịch nổi tiếng này, họ phải chấp nhận chịu cảnh sống chung với việc xung quanh luôn đông đúc, giao thông tắc nghẽn. |
|
Năm 2017, Thị trưởng Venice Luigi Brugnaro đưa ra đề xuất "lệnh cấm ngồi", phạt tiền 590 USD vì tội “chiếm chỗ không gian công cộng”. Khách du lịch cũng bị nhắc nhở "không nán lại trên cầu quá lâu" và không xả rác, đạp xe qua trung tâm thành phố lịch sử hay đi tham quan trong trang phục áo tắm. Chiến dịch #EnjoyRespectVenezia (tạm dịch: Tận hưởng và tôn trọng Venice) cũng kêu gọi việc chấm dứt cho tàu du lịch vào trung tâm thành phố. |
|
Với 18 triệu du khách vào năm 2017 và dân số dưới 1 triệu người, thành phố Amsterdam (Hà Lan) đối mặt với vấn đề: du lịch làm tăng giá bất động sản. Đường phố quá tải, tệ nạn xã hội tăng cao khiến Amsterdam nằm trong nhóm các thành phố có mức độ du khách tập trung cao nhất. |
|
Trước tình trạng đáng lo ngại đó, thành phố đã cấm các dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn như Airbnb ở một số khu vực nhất định và có kế hoạch ngăn chặn các tàu du lịch cập cảng. Thành phố làm việc để hướng khách du lịch đến các thành phố khác của Hà Lan, như Zandvoort (cách trung tâm Amsterdam 40 km), đổi tên nó thành “Bãi Biển Amsterdam” để mọi người có cảm giác đây là một điểm đến dễ tiếp cận. |
địa điểm du lịch quá tải vì đông du khách
khách du lịch
đông khách du lịch
người dân bị du khách làm phiền
địa điểm du lịch
cấm chụp ảnh
người dân bị làm phiền