Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đàn ông Hàn Quốc muốn lập gia đình, phụ nữ thì không

Bên cạnh đó, phần lớn nam và nữ giới Hàn Quốc coi việc có công việc ổn định, sở hữu nhà và xe riêng là điều kiện cơ bản để tiến đến hôn nhân.

Theo Korea Bizwire, dữ liệu khảo sát trên hơn 14.000 người Hàn Quốc, độ tuổi 19-49 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc chỉ ra nam và nữ giới xứ kim chi quan tâm tới vấn đề tình cảm và tài chính trước khi quyết định kết hôn.

Cụ thể, 92,4% nam giới và 94,9% nữ giới tham gia nghiên cứu chọn "tình yêu, lòng tin giữa vợ chồng" là yếu tố quan trọng nhất khi tiến đến hôn nhân.

Đối với nam giới, 84,1% còn cân nhắc tới tình trạng tài chính cá nhân, công việc và nhà ở để có thể lập gia đình.

dan ong han muon ket hon,  phu nu thi khong anh 1

Cả nam và nữ giới Hàn Quốc đều đặt nặng vấn đề kinh tế khi cân nhắc chuyện kết hôn. Ảnh: Korea Times.

Trong khi đó, ngoài sự liên kết tình cảm, 86,5% phụ nữ xứ kim chi coi yếu tố có chỗ ở, công việc ổn định và khả năng kinh tế của bạn đời là "thang đo" cho hôn nhân.

Các chuyên gia lý giải sở dĩ yếu tố kinh tế đóng vai trò lớn trong các tiêu chí lập gia đình là bởi chi phí sinh hoạt, giá bất động sản tăng cao.

Theo dữ liệu điều tra dân số mới công bố, vào năm 2020, có tới 42% người ở Hàn Quốc trong độ tuổi 30 chưa kết hôn. Nhiều người trẻ trì hoãn hoặc không có ý định kết hôn trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, Yonhap đưa tin.

Ở nước này, sở hữu nhà và xe là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Nhưng chỉ sau 4 năm trở lại đây, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi.

Việc nuôi dạy con cái cũng trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí giáo dục tư nhân tăng cao đã khiến nhiều người phải tạm hoãn kế hoạch lập gia đình.

"Có thể thấy, xã hội Hàn Quốc ngày nay vẫn quan niệm đàn ông phải là trụ cột kinh tế gia đình, phụ nữ đảm nhận vai trò chăm sóc", chuyên gia từ nghiên cứu này chia sẻ.

Đáng chú ý, hơn một nửa số nam giới tham gia khảo sát có quan điểm tích cực đối với việc kết hôn. Ngược lại, chỉ 35,5% phụ nữ có cùng ý kiến.

Khoảng 62,8% nữ giới xứ kim chi không tán thành việc kết hôn, nhiều hơn tỷ lệ của nam giới gần 20%.

Khảo sát này cũng cho thấy tỷ lệ nam giới muốn có con cao hơn so với phụ nữ, với gần 75% người muốn trở thành chồng và cha sau khi cưới. Còn với phái nữ, chỉ có 64,3% người muốn sinh con sau khi lập gia đình.

Xu hướng trì hoãn hôn nhân, không sinh con đang trở nên phổ biến ở xứ kim chi vì sự thay đổi quan niệm sống, áp lực kinh tế.

dan ong han muon ket hon,  phu nu thi khong anh 2

Tại Hàn Quốc, số hộ gia đình một người đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020, trong khi tỷ lệ kết hôn và sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: AFP.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn lối sống honjok (câu lạc bộ độc thân) và bihon (thề không kết hôn) để bộc lộ quyết tâm nói không với lập gia đình.

Min Kyeong Seok không ngại đi ăn nhà hàng hay thuê phòng khách sạn sang trọng một mình.

"Tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc kể cả khi độc thân", Min (37 tuổi) nói với The Guardian.

Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình một người ở Hàn Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục với 31,7%. Những người ở độ tuổi 20-30 là nhóm tuổi lớn nhất của hộ gia đình độc thân.

Trong khi thái độ với hôn nhân đang thay đổi, những kỳ vọng truyền thống vẫn còn tồn tại. Đối với phụ nữ, điều này bao gồm kết hôn trước 30 tuổi, nghỉ việc để làm mẹ và nội trợ toàn thời gian. Đối với đàn ông, đó là mua nhà và trở thành trụ cột gia đình.

Áp lực kép của dân công sở Hàn Quốc

Khi quay trở lại văn phòng sau dịch, nhiều người lao động xứ kim chi không chỉ đối diện với “lạm phát bữa trưa” mà còn lo sợ văn hóa công sở độc hại.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm