Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đàn ông nông thôn Trung Quốc khao khát lấy vợ

Phụ nữ tìm đến các thành phố để kiếm chồng, bỏ lại số lượng lớn đàn ông nông thôn khó khăn tìm vợ.

"Có rất ít phụ nữ trong làng. Nếu có, họ đều là vợ của những người khác. Con trai tôi không thể tìm được một người để kết hôn", bà Li (52 tuổi, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) nói với phóng viên Zaobao.

Theo bà, làng quê của mình hiện còn những người nông dân ở độ tuổi 50 và 60 sinh sống. Thế hệ trẻ thường tìm đến các thành phố để làm việc, chỉ những cô gái từ nơi khác đến đây lấy chồng mới bám trụ ở lại.

Nhìn những gia đình khác có con dâu, bà Li không giấu nổi vẻ ghen tị, ao ước.

Mất cân bằng giới tính

Tại Trung Quốc, kể từ những năm 1980 khi nhà nước thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính trở thành vấn đề nổi cộm trong xã hội và những ngôi làng kém phát triển chính là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại đây, những người đàn ông sinh năm 1980-1990 như các con trai của bà Li đứng hàng đầu trong cuộc khủng hoảng tìm vợ.

Dan ong Trung Quoc khao khat lay vo anh 1

Đàn ông nông thôn ở Trung Quốc khó khăn khi kết hôn bởi phụ nữ ưu tiên lấy chồng thành thị. Ảnh minh họa: AFP.

Trong cuốn sách "Mất cân bằng giới tính và sức ép hôn nhân ở Trung Quốc" của Giáo sư Jiang Quanbao và Li Shuzhuo, Khoa Nghiên cứu Dân số và Phát triển, Đại học Giao thông Tây An, tỷ số giới tính (được tính dựa trên số trẻ sơ sinh nam trên mỗi 100 trẻ sơ sinh nữ) ở Trung Quốc tăng mạnh trong giai đoạn 1980-2010, từ mức tương đối bình thường là 107,40 vào năm 1980 lên 111,45 vào năm 1990.

Sau đó, từ năm 2004 đến năm 2010, tỷ số này tăng vọt lên 120, có nghĩa là cứ 100 trẻ em nữ sinh ra thì có 120 trẻ nam.

Tình trạng mất cân bằng giới tính được ghi nhận là đặc biệt nghiêm trọng ở làng, bản các tỉnh miền Đông và miền Trung.

Ví dụ, tỷ số giới tính ở thành thị tại tỉnh Giang Tô năm 1990 là 111,42, cao hơn 1,49 điểm phần trăm so với con số chung của cả nước. Trong khi đó, tỷ số giới tính ở nông thôn là 115,62, cao hơn 3,79 điểm phần trăm so với con số chung của cả nước.

Không muốn cũng phải lấy vợ

Trên đường ra khỏi làng, người lái xe tên Xu (28 tuổi) nói với PV rằng làng của anh chỉ có khoảng 800 người, trong đó những nam thanh niên sinh năm từ 1980 đến 1990 đông hơn gần 40 người so với nữ giới cùng độ tuổi.

Nhiều năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 2, Xu tìm được việc làm tại một thành phố hạng nhất. Năm 2019, anh quyết định trở về làng và cảm nhận rõ rệt sự khó khăn của những đàn ông nông thôn trong cuộc chiến tìm vợ.

Xu hiện làm nghề sửa chữa đường trong thị trấn và kiếm được 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.250 USD) mỗi tháng. Dù được xếp vào nhóm có thu nhập trên trung bình của làng, anh vẫn không kiếm được người yêu. Đối với anh, mức lương này là không đủ hấp dẫn đối với nữ giới.

"Phụ nữ ngày nay được giáo dục tốt hơn và có mức sống cao hơn. Họ sẽ không dễ dàng trở về sinh sống ở làng quê chỉ với những lời khuyên nhủ đơn giản của gia đình", anh nói.

Dan ong Trung Quoc khao khat lay vo anh 2

Tại nhiều làng quê Trung Quốc, phụ nữ ngoài 22 tuổi mà chưa lấy chồng bị cho là "gia đình có vấn đề". Ảnh minh họa: The Washington Post.

Xu có tư tưởng khá cởi mở về chuyện hôn nhân. Anh cho rằng con người ta thật sự có thể sống một mình mà không cần có vợ, con hay người nối dõi.

Nhưng năm ngoái, dưới sự thúc ép của gia đình, Xu lấy vợ dù không có tình yêu.

Ở làng quê của anh, kết hôn không phải lựa chọn mà là điều hiển nhiên. Cha mẹ Xu mai mối anh với một cô gái 23 tuổi ở làng bên. Đôi trẻ gặp gỡ ngại ngùng, cho biết đều không muốn cưới nhau. Tuy nhiên, dù có thể hiện sự phản đối, một đám cưới vẫn được diễn ra.

"Trong làng, ai cũng biết con của ai chưa lấy chồng. Nếu đến năm 22 tuổi, một cô gái vẫn độc thân, mọi người chắc chắn sẽ bàn tán rằng gia đình cô ấy có vấn đề".

Lấy 'trai phố' để đổi đời

Ngay khi bước sang tuổi 20, nam nữ thanh niên tại các làng quê Trung Quốc sẽ bị hối thúc lập gia đình. Nhưng đây cũng là thời điểm họ bắt đầu rời quê, tìm đến các thành phố lớn làm việc.

Đối với các cô gái, người chồng lý tưởng của họ không phải những anh chàng ở nông thôn mà là những người ở thành phố hoặc tỉnh thành khác giàu có hơn.

Chia sẻ trên Zaobao, giáo sư Jiang Quanbao cho rằng đối với nhiều phụ nữ nông thôn, hôn nhân chính là cách thức để thay đổi cuộc đời. Họ mong muốn đi xa lập gia đình, chuyển từ miền núi xuống đồng bằng, từ làng mạc lên thành phố và từ tầng lớp nghèo khổ sang tầng lớp khá giả hơn.

Kể từ những năm 1980, dân số Trung Quốc trở nên di động. Điều tra dân số năm 2020 cho thấy số người di cư đã lên tới gần 376 triệu người, trong đó gần 125 triệu người thường xuyên di chuyển khắp các tỉnh thành.

Giáo sư Jiang lưu ý rằng phụ nữ từ các khu vực nghèo thường tìm kiếm việc làm và cơ hội kết hôn tại các thành phố lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ trong độ tuổi kết hôn ở các khu vực kém phát triển.

Không có tiền cưới vợ

Với sự mất cân bằng giới tính, các gia đình có con gái ở nông thôn Trung Quốc đẩy giá thách cưới lên nhanh chóng mặt.

Vào những năm 1990, số tiền sính lễ của một cô dâu ở Giang Tô chỉ là vài nghìn nhân dân tệ (1.000 nhân dân tệ tương đương 156 USD). Sau 10 năm, nhiều gia đình thách cưới lên đến 20.000 nhân dân tệ.

Hiện tại, bên cạnh các yêu cầu về nhà ở, các gia đình các cô dâu còn đòi hỏi mức sính lễ cao kỷ lục, dao động từ 150.000 đến 200.000 nhân dân tệ.

Dựa trên biểu đồ chi phí sính lễ được lưu hành trực tuyến, số tiền để cưới một cô dâu ở miền đông Trung Quốc là cao nhất, trong đó tỉnh Giang Tô đứng đầu danh sách. Năm ngoái, Bộ Nội vụ chính thức công bố danh sách "các khu vực thí điểm", bao gồm 20 địa phương ở Giang Tô, để cải cách phong tục đám cưới.

Dan ong Trung Quoc khao khat lay vo anh 3

Những người đàn ông trong một ngôi làng di cư ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh minh họa: AFP.

Trở lại với nam thanh niên tên Xu, theo anh, để xây một ngôi nhà ở phía bắc Giang Tô, chi phí phải trả là khoảng 200.000 nhân dân tệ. Nếu căn nhà hiện ở còn tốt, chú rể cũng cần phải chi hàng chục nghìn USD để cải tạo.

Vào năm ngoái khi cưới vợ, ngoài mức sính lễ 180.000 nhân dân tệ, anh phải chi số tiền không nhỏ để sửa sang lại ngôi nhà của mình. Riêng số tiền thách cưới đã tương đương 20 tháng lương của anh.

Số tiền thách cưới này có được tặng lại cô dâu, chú rể hay không là phụ thuộc vào gia đình nhà gái. Một số cha mẹ cho phép con gái mình lấy lại tiền sính lễ và sử dụng cùng chồng. Nhưng nhiều nhà khác sẽ giữ lại số tiền và dùng để làm sính lễ trong đám cưới của người em trai cô dâu.

"Hầu hết gia đình ở làng tôi đều có chị cả và em trai. Đôi khi, người em trai phải đợi chị mình cưới xong mới được có tiền lấy vợ", Xu giải thích.

Ly hôn giảm tại Trung Quốc, kết hôn cũng vậy

Trung Quốc cho rằng quy định mới giúp làm giảm tỷ lệ ly hôn. Nhưng sự thật, người dân của họ ngày nay kết hôn ít ngay từ đầu.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm