Đối mặt với tỷ lệ ly hôn tăng chóng mặt, vào năm ngoái, Trung Quốc ban hành quy định các cặp vợ chồng phải trải qua thời gian hòa giải kéo dài 30 ngày trước khi hoàn tất thủ tục chấm dứt hôn nhân.
Theo thống kê của chính phủ được công bố mới đây, quy định này dường như đã phát huy tác dụng với sự ghi nhận số hồ sơ ly hôn giảm mạnh vào năm 2021.
Nhiều quan chức coi đây là một thành công trong kế hoạch phát triển gia đình và hạn chế khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng theo The New York Times, Trung Quốc cần lưu ý đến một vấn đề đáng quan tâm hơn đó chính là người dân của họ đã không còn muốn kết hôn ngay từ đầu.
Theo đó, vào năm 2021 với sự sụt giảm tỷ lệ ly hôn, số lượng đăng ký kết hôn tại Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 36 năm. Điều này góp phần khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh, dấy lên sự lo ngại của Trung Quốc về hiện tượng dân số già như tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ chối kết hôn
Nhiều thanh niên Trung Quốc cho biết họ không muốn kết hôn vì khó tìm kiếm việc làm trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ.
Yao Xing, một người độc thân 32 tuổi sống ở thành phố Đan Đông, cho biết: "Tôi không muốn kết hôn một chút nào".
Nhiều năm qua, cha mẹ gây áp lực buộc anh phải cưới vợ và sinh con, nhưng anh Yao cho rằng công việc mua bán đồ dùng nhà bếp của mình khó có thu nhập ổn định, điều anh coi là điều kiện tiên quyết để tiến tới hôn nhân.
Bên cạnh đó, theo Yao, phụ nữ ngày nay cũng không còn muốn lấy chồng nữa.
"Tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều người không muốn đám cưới khiến cho tỷ lệ kết hôn và ly hôn đều giảm. Đó là xu hướng không thể đảo ngược", anh nói.
Tại Trung Quốc, vấn đề bất bình đẳng giới gia tăng tại nơi làm việc và gia đình khiến nhiều phụ nữ suy nghĩ lại về hôn nhân. Ngày nay, phụ nữ được giáo dục tốt hơn và trở nên độc lập về tài chính hơn so với thế hệ trước. Họ có vị thế kinh tế, dẫn đến sự thay đổi về quan điểm xã hội.
Giáo sư Wei-Jun Jean Yeung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết khi phụ nữ Trung Quốc kết hôn, họ không chỉ ràng buộc mình với người chồng mà còn phải chịu áp lực từ cả gia đình chồng.
"Nếu coi hôn nhân như một thỏa thuận thì rõ ràng phụ nữ phải nắm trong tay bản hợp đồng bất lợi cho mình", bà nói.
Thêm một vấn đề khác khiến các cặp yêu đương ở Trung Quốc ngần ngại kết hôn, sinh con đó chính là do chi phí sinh sản, giáo dục và chăm sóc gia đình quá cao. Nhiều cặp cố gắng trì hoãn đám cưới, thay vào đó lựa chọn sống chung mà không cần hôn thú và con cái.
Lo sợ tình trạng giảm dân số, chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều năm để đưa ra các chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con. Họ sửa đổi quy tắc kế hoạch hóa gia đình 2 lần trong thập kỷ qua, lần đầu tiên là chấm dứt chính sách một con vào năm 2015 và sau đó là cho phép các cặp vợ chồng có 3 con.
Ngoài ra, các quan chức cũng hứa hẹn về chế độ nghỉ thai sản và chăm sóc tốt hơn cho các bà mẹ đi làm. Một số thành phố áp dụng các biện pháp khuyến khích hôn nhân như cho phép nghỉ dài ngày để kết hôn.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc vẫn tiếp tục đà giảm kể từ năm 2014. Năm 2021, cả đất nước này chỉ ghi nhận khoảng 7,6 triệu người kết hôn, con số thấp nhất kể từ khi chính quyền bắt đầu ghi nhận các chỉ số hôn nhân vào năm 1986, theo Bộ Dân sự Trung Quốc.
Vẫn ồ ạt ly hôn
Theo The New York Times, các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội vào năm 2021 làm quá trình ly hôn của các cặp vợ chồng Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tỷ lệ ly hôn giảm sút.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu ly hôn tại đất nước tỷ dân vẫn còn mạnh mẽ.
Theo đó, trong 3 tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu quy định "hòa giải 30 ngày", người dân đổ xô đi ly hôn. Hơn một triệu hồ sơ đã được thực hiện trong giai đoạn này, tăng 13% so với một năm trước đó.
Và khi các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin về tỷ lệ ly hôn chậm lại, nhiều người dân lại lên mạng để tỏ ra nghi ngờ.
Trên Weibo, một cuộc thảo luận xung quanh số liệu ly hôn mới thu hút hơn 310 triệu người đọc. Một cư dân mạng bình luận: "Có bao nhiêu người dù muốn cũng không thể ly hôn? Tại sao tỷ lệ kết hôn lại thấp kỷ lục trong vòng 36 năm?". Một người khác cũng đặt câu hỏi: "Tôi vẫn không hiểu tại sao chúng ta lại phải kết hôn?".
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng khác bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của quy định "hòa giải 30 ngày" đối với nạn nhân của bạo lực gia đình. Quy tắc này đã bị nhiều nhà hoạt động xã hội cảnh báo sẽ gây bất lợi cho những người đang bị bạo hành hoặc sống trong các cuộc hôn nhân lạm dụng.
Các quan chức đã phản bác lập luận nêu trên bằng cách tuyên bố rằng nạn nhân của bạo lực gia đình có thể yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn sớm nhất. Nhưng nhiều nạn nhân, như những người phụ nữ nội trợ, lại không có thu nhập để trang trải các khoản phí hợp pháp của mình.
Michelson, giáo sư tại Đại học Indiana, nói: "Phụ nữ Trung Quốc đang nghĩ rằng nếu mình kết hôn sẽ mất tất cả. Họ không muốn mạo hiểm sự tự do của mình để cưới chồng rồi sau đó lại mạo hiểm để giải thoát khỏi hôn nhân".