Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Philippines phản đối chính sách giáo dục 12 năm

Chính sách giáo dục mới của Philippines vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân vì nó tăng gánh nặng kinh tế và nguy cơ bỏ học trong tầng lớp dân nghèo.

Micaella Serrano, 16 tuổi, cùng đám đông học sinh đứng trước cổng trường Trung học Quốc gia Batasan Hills, ném sách giáo khoa và la hét để phản đối chính sách giáo dục phổ thông 12 năm (K-12) sẽ có hiệu lực từ năm 2016.

Trước đây, Micaella là học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, dành phần lớn thời gian để làm bài tập và luyện nói tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện tại, em tham gia phản đối một trong những cuộc cải cách quan trọng nhất trong nền giáo dục Philippines, theo New York Times

Cậu bé học trên hè phố đổi đời nhờ bức ảnh trên mạng

Một cậu bé vô gia cư ở Philippines vừa nhận học bổng cùng nhiều viện trợ khác, sau khi bức ảnh cậu học trên hè phố cạnh cửa hàng McDonald lan truyền trên mạng.

Chính sách mới, trụ cột trong chương trình nghị sự của Tổng thống Benigno S. Aquino, sẽ tăng số năm học phổ thông từ 10 lên 12 năm. Các nhà hoạch định chính sách coi đây là hỗ trợ cộng đồng người nghèo bằng cách trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để kiếm một công việc thu nhập cao trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Việc thực hiện chương trình K-12 sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại các trường trung học. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, nó đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng cùng các thách thức về mặt pháp lý.

Học sinh lo lắng thiếu chỗ trong lớp học. Phụ huynh lo ngại không đủ khả năng nuôi con học thêm hai năm thay vì để chúng kiếm việc nuôi gia đình. Giảng viên đại học sợ mất việc khi các lớp học chuyển xuống trường trung học.

Chính sách mới cũng gây ra các cuộc tranh luận gay gắt về vai trò của chính phủ trong giáo dục và mức độ các nhà chức trách phụ thuộc vào tiêu chuẩn quốc tế. Xét một cách rộng hơn, nó tạo ra mâu thuẫn giữa xã hội nông nghiệp và nhu cầu của thế giới hiện đại.

Philippines là một trong số ít quốc gia trên thế giới, đồng thời là nước duy nhất ở châu Á, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông dưới 12 năm.

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, quan chức nước này đã đưa ra cuộc tranh luận dài kỳ về hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ vấp phải khó khăn do thiếu ngân sách và sự phản đối quyết liệt từ người dân, đặc biệt những người nghèo ở thành phố Quezon, ngoại ô thủ đô Manila. 

Người dân ở Quezon cảm thấy chính sách giáo dục mới tăng thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình họ. Ảnh: New York Times.

"Các em vẫn có thể học trên đường phố, trong trang trại hay nhà máy. Tại sao chúng ta cứ ép trẻ phải học ở trường?", Robin Rios, một công nhân xây dựng 56 tuổi, nói.

Tuy nhiên, Chính phủ Philippines đánh giá chính sách này tăng khả năng cạnh tranh cho học sinh trong thị trường việc làm lương cao ở trong và ngoài nước.

Elvin Uy, một quan chức giáo dục, cho biết, học sinh thường gặp khó khăn khi xin việc hay ứng tuyển vào các đại học nước ngoài vì bằng cấp của họ không được thừa nhận. 

Nhưng tại quốc gia mà thu nhập trung bình của một hộ gia đình chỉ ở mức 235.000 peso/năm (khoảng 115 triệu đồng), nhiều gia đình không chấp nhận chính sách mới. Với họ, đây là gánh nặng tài chính chứ không phải lợi ích.

Năm 2012, Tổng thống Aquino đưa ra chương trình giáo dục phổ thông 12 năm. Các chuyên gia giáo dục và nhà điều hành doanh nghiệp đánh giá cao chương trình này. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc cho rằng, việc thực hiện K-12 là "hoàn toàn cần thiết".

Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ giảm nhanh chóng trong các tháng gần đây do những lo ngại về tình trạng thiếu phòng học và giáo viên. 6 đơn kiến nghị đã được gửi lên Tòa án Tối cao Philippines nhằm ngăn chặn kế hoạch. 

Trong một kiến nghị, phụ huynh trường Trung học Khoa học Manila, trường công lập hàng đầu nước này, gọi ông Aquino là nhà độc tài vì đã không tham khảo ý kiến dân chúng. 

Nhiều người lo lắng việc tăng thêm hai năm học phổ thông sẽ gây sức ép lên giáo dục đại học và khiến cuộc khủng hoảng bỏ học trầm trọng hơn. Hiện tại, 25% học sinh ở nước này không hoàn thành chương trình giáo dục 10 năm.

Các giáo sư đại học là người dẫn đầu làn sóng phản đối. Họ lo ngại việc chuyển những người thuộc lứa tuổi 17 - 18 từ đại học xuống trung học sẽ khiến ít nhất 25.000 nhân viên mất việc.

"Từ quan điểm học thuật, đây là một kế hoạch tốt, các tân sinh viên sẽ trưởng thành hơn. Nhưng xét về mặt hậu cần, chính sách mới là một cơn ác mộng", Rosalie Arcala Hall, giáo sư Chính trị học tại Đại học Philippines Visayas, nói.

Học sinh trường Trung học Quốc gia Batasan Hills biểu tình, hình thành "khu vực phản đối K-12". Ảnh: New York Times.

Tổng thống Aquino sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới. Ông vẫn nỗ lực thuyết phục người phản đối, coi đây là một trong những đóng góp của bản thân vào tương lai đất nước. 

Kể từ khi nhậm chức năm 2010, ông đã tăng gấp đôi ngân sách giáo dục nhưng thách thức vẫn tồn tại. Để thực hiện chương trình K-12, chính phủ cần xây thêm 30.000 phòng học và thuê thêm 43.000 giáo viên.

Trong khi đó, khoảng 25% trường trung học tại Philippines không có khả năng mở rộng trong vòng 11 năm tới. Học sinh sẽ phải học tại một trường khác hoặc được cấp chứng từ để theo học trường tư thục.

Các gia đình ở Quezon không tin chính phủ có thể có thêm lớp học hay giáo viên mới.

Angelo Vergara, 17 tuổi, cho rằng, các quan chức nên tập trung giải quyết việc làm thay vì cải cách giáo dục.

"Chúng tôi đã không có thực phẩm để ăn. Lẽ nào giờ chúng tôi lại lãng phí niềm tin vào việc họ sẽ xây thêm trường mới?", cậu nói.

Tại trường Trung học Quốc gia Batasan Hills, học sinh vẫn tổ chức biểu tình hàng tuần bằng các biểu ngữ "Đây là khu vực phản đối K-12".

Hiện tại, trường có khoảng 13.000 học sinh và là một trong những trường lớn nhất Philippines. Tuy nhiên, quy mô các lớp học vẫn vượt quá tiêu chuẩn 50 học sinh. Nếu chính phủ mở thêm lớp 11 và 12, tình trạng quá tải sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Micaella mơ ước trở thành giáo viên tiếng Anh. Theo chính sách mới, sang năm, em phải học lớp 11 thay vì thi vào đại học. Nữ sinh 16 tuổi dự định kiếm việc làm thêm nhằm hỗ trợ gia đình.

"Tôi cảm thấy buồn thay cho thế hệ học sinh. Chúng tôi chẳng khác gì chuột bạch", Micaella nói.

Bé gái ngồi học trên rào chắn khiến nhiều người đau lòng

Hình ảnh bé gái Philippines tập trung học bài khi em đang ngồi trên rào chắn cạnh con đường đông đúc, bẩn thỉu khiến cư dân mạng đau lòng, đồng thời cảm phục ý chí học tập của em.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm