Dân văn phòng hay có thói quen đặt trà sữa vào các buổi chiều. Ảnh: Reuters. |
Từ khi đi làm, Ánh Tuyết (23 tuổi, TP.HCM) thường dậy sớm, tự nấu ăn và mang cơm trưa lên văn phòng vì cho rằng thói quen này có thể giúp cô ăn uống lành mạnh hơn, lại tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, cuối tháng, Tuyết nhận ra mình vẫn lâm vào cảnh lậm chi vì bỏ nhiều tiền cho trà sữa, cà phê đặt về công ty.
"Công ty mình vài hôm lại rủ nhau đặt đồ ăn, đồ uống về một lần. Lâu dần, mình mới tá hỏa nhận ra một tháng mình chi tới trên dưới 800.000 đồng cho tiền trà sữa", Tuyết chia sẻ với Zing.
Người lậm chi, kẻ tăng cân vì trà sữa
Với Tuyết, 800.000 đồng cho tiền trà sữa, cà phê, đồ ăn vặt mỗi chiều là không quá nhiều. Tuy nhiên, so sánh với việc tự nấu đồ ăn trưa mang lên văn phòng, cô cảm thấy mình không tiết kiệm được bao nhiêu.
Tuyết cho hay một bữa trưa tự nấu của cô ước lượng có giá khoảng 40.000 đồng/bữa. Giá bữa trưa mua ngoài hoặc đặt trên mạng thường trên 60.000 đồng/bữa. Theo kế hoạch, mỗi tháng Tuyết sẽ tiết kiệm ít nhất được 400.000 cho bữa trưa nhưng được ăn đồ chất lượng hơn.
"Tuy nhiên, việc đặt trà sữa, đồ ăn vặt cách ngày khiến tôi lại tốn thêm tiền bù vào, ăn lành mạnh cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu", Tuyết cho hay.
Tuyết không bao giờ từ chối uống trà sữa với đồng nghiệp trong công ty. Ảnh: NVCC. |
Lâu dần, cô nhận ra mình có hiện tượng tăng cân, số đo vòng 2 tăng lên vì tích mỡ. Tuy vậy, cô vẫn không từ chối tham gia các "bữa tiệc trà sữa" với công ty vì cho rằng đây là cách xây dựng và kết nối mối quan hệ với đồng nghiệp.
Tương tự Ánh Tuyết, Mai Hiền (29 tuổi, Hà Nội) cũng có thói quen đặt trà sữa, cà phê với đồng nghiệp trong văn phòng với tần suất 4-5 ngày/tuần. Cô cho hay đây là thói quen "tráng miệng" quen thuộc sau bữa trưa của công ty mình.
Mai Hiền tăng cân sau khi đi làm vì uống trà sữa cùng đồng nghiệp. Ảnh: NVCC. |
"Sếp của chúng tôi thường hay mời nhân viên trà sữa. Mọi người được đà nên đặt trà sữa về thường xuyên. Thậm chí, chúng tôi còn lập một nhóm chat chung chỉ để gọi nhau uống trà sữa", Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, công ty cô có 2 tủ lạnh, 2 lò vi sóng. Nhân viên trong phòng cùng đóng quỹ mua đồ ăn vặt nên 2 tủ lạnh lúc nào cũng có sẵn kem, nước ngọt, sữa chua, bánh kẹo cho mọi người.
Với mức độ ăn uống như vậy, Hiền tăng thêm 4 kg sau khi đi làm 3 tháng. Tương tự, một đồng nghiệp khác của cô cũng tăng cân chóng mặt sau vài tháng đi làm.
"Mọi người hay bảo công ty tôi như nhà vậy, được chăm lo cơm nước, trà sữa hả hê. Ai vào công ty một thời gian cũng mập lên nhiều", cô nói.
Một ly trà sữa bằng 3-4 bát cơm
Theo bác sĩ chuyên khoa I Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, với nhiều đặc trưng trong không gian, thời gian làm việc, dân văn phòng dễ hình thành nên nhiều thói quen trong sinh hoạt và ăn uống trong ngày có thể gây bệnh lý. Uống trà sữa đều đặn trong thời gian dài là một trong số đó.
Theo bác sĩ Mai, trung bình một ly trà sữa có 350-600 calo, tương đương 3-4 bát cơm.
Thành phần chủ yếu trong trà sữa là đường, chất béo, tinh bột chứa rất nhiều năng lượng. Trong đó, chất béo chủ yếu là chất béo chuyển hóa kết, các loại đường hấp thu nhanh giàu năng lượng làm tăng cholesterol xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, về lâu dài làm tăng cân, tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác.
Trà sữa còn có các hóa chất phụ gia trong topping, thạch, chất tạo màu, tạo vị, tạo độ sánh đặc không rõ nguồn gốc gây hại cho sức khỏe người dùng.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.