Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau cái chết của người đàn ông Trung Quốc vì bị gọi là 'ẻo lả'

Ám ảnh về việc phải trở nên nam tính theo chuẩn mực xã hội khiến một nam nhiếp ảnh gia Trung Quốc tự tử. Sự việc trên dấy lên nỗi lo về sức khỏe tinh thần của người trẻ nước này.

Cuối tháng 11/2021, Zhou Peng, một nhiếp ảnh gia 26 tuổi người Trung Quốc, đã tự vẫn vì ám ảnh tinh thần khi bị bạn bè đồng trang lứa bắt nạt tại trường học, gọi là "đồ ẻo lả".

Trước khi nhảy xuống biển ở tỉnh Chiết Giang, anh để lại một bức thư tuyệt mệnh dài hơn 5.000 chữ trên Weibo, kể lại chi tiết về cảnh "bị bỏ rơi, bắt nạt" thời đi học vì ngoại hình của mình.

“Con trai được cho là phải nghịch ngợm, đánh nhau và chửi thề, còn những người quá trầm tính và lịch sự bị coi là loại kém cỏi. Ở trường, họ gọi tôi là ‘đồ ẻo lả’. Lúc nhỏ, ngoại hình của tôi trông hơi giống một cô bé song tôi ăn mặc ‘bình thường’ và không hề bắt chước các bạn nữ”, Zhou viết.

khung hoang nam tinh o trung quoc anh 1

Nhiếp ảnh gia Zhou Peng tự vẫn vì ám ảnh về việc bị gọi là "đồ ẻo lả". Ảnh: Weibo/鹿道森.

Theo SCMP, sự việc thương tâm trên xảy ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố cấm nam nghệ sĩ "có gu thẩm mỹ bất thường", thể hiện vẻ đẹp nữ tính, hay còn được gọi với biệt danh "tiểu thịt tươi".

Ngoài ra, chính phủ cũng tiếp tục kế hoạch nhằm tăng cường sự nam tính cho học sinh trong môi trường học đường.

Sau sự việc trên, nhiều bạn học cũ của Zhou khẳng định không biết anh từng bị bắt nạt, càng không nhận thức được tác động sâu sắc của loạt hành vi ấy với Zhou khi anh đã trưởng thành, theo The Beijing News.

Cái chết của nhiếp ảnh gia trẻ dấy lên nhiều cuộc tranh luận về sức khỏe tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng từ hành động áp đặt hình tượng nam tính lên đàn ông xứ tỷ dân.

Bị bắt nạt vì "thiếu nam tính"

Tiến sĩ Hongwei Bao từ ĐH Nottingham (Anh) - chuyên gia về giới tính, tình dục và bản sắc - nhìn nhận vụ tự vẫn của Zhou như dấu hiệu chỉ ra những chính sách của chính phủ đang tác động trực tiếp tới sức khỏe tinh thần của người dân.

"Những hành động ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, niềm hạnh phúc của nhiều người, đặc biệt với người trẻ thuộc nhóm thiểu số giới và tính dục. Họ nghĩ xã hội đang chống lại sự đa dạng giới và bản dạng giới, thậm chí nhà nước còn công khai ủng hộ điều đó", Bao nói với SCMP.

khung hoang nam tinh o trung quoc anh 2

Nghệ sĩ nam ở Trung Quốc phải rũ bỏ hình tượng "tiểu thịt tươi", xây dựng hình ảnh nam tính, gai góc để được hoạt động. Ảnh: New York Times.

Đáng nói, họ không thể tìm sự giúp đỡ từ giáo viên, bác sĩ hay nhân viên xã hội do sợ hãi định kiến.

Ngoài ra, tiến sĩ Bao cũng nhấn mạnh mạng xã hội cũng góp phần khiến vấn đề đó trở nên trầm trọng hơn.

"Trên các nền tảng mạng xã hội, nạn nhân có thể bị áp lực nặng nề về tâm lý vì sự chỉ trích có thể đến từ bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào và ở đâu. Bắt nạt ngoài đời thực đã đủ tồi tệ, nhưng tấn công trực tuyến còn kinh khủng hơn".

Tiến sĩ Shuaishuai Wang, giảng viên về Văn hóa Kỹ thuật số và Truyền thông mới từ ĐH Amsterdam (Hà Lan), cho biết chính phủ Trung Quốc cũng rà soát vài kênh, website đăng tải tiểu thuyết đồng tính nam.

Điều này khiến không ít người dùng, trong đó có các nhóm thiểu số về giới và xu hướng tính dục, thấy lạc lõng, bất an vì "không có chỗ cho sự đa dạng".

khung hoang nam tinh o trung quoc anh 3

Những người đàn ông không đáp ứng chuẩn mực về sự nam tính của xã hội xứ tỷ dân có thể bị coi là "không phải người Trung Quốc, không đủ yêu nước". Ảnh: SCMP.

Tiến sĩ Bao nói rằng ở thời điểm hiện tại, xã hội xứ tỷ dân ngày càng gia tăng áp lực để người dân tuân theo các chuẩn mực giới tính.

"Sự nam tính truyền thống 'Đàn ông phải có cơ thể cường tráng, mạnh mẽ' được xã hội ủng hộ mang tính dân tộc. Ai không đáp ứng những chuẩn mức này có thể bị coi là 'không phải người Trung Quốc' hay 'không đủ yêu nước'".

Ông nói thêm rằng sự cường điệu hóa các đặc trưng về giới tính cũng được một số quốc gia muốn thể hiện sức mạnh chính trị trên trường quốc tế áp dụng.

Tuy nhiên, điều này lại biểu hiện thành những hành vi bắt nạt, tấn công các công dân trẻ "thiếu nam tính".

Trên mạng xã hội, không ít dân mạng lo ngại sẽ có thêm nhiều người thấy bị cô lập, gặp vấn đề tương tự như Zhou khi các chính sách "tăng cường sự nam tính" tiếp diễn.

Trong bài viết cuối cùng trên Weibo, Zhou kêu gọi các bậc cha mẹ và cộng đồng ủng hộ, bao bọc những người không phù hợp với chuẩn mực xã hội.

"Hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được yêu thương. Xin hãy yêu những người như chúng tôi nhiều hơn một chút, bởi chúng tôi không bao giờ thiếu động lực để đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn".

Sự cấm đoán phản tác dụng

Helen Gao - chuyên gia, nhà văn viết về giáo dục, văn hóa - nhấn mạnh Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên nhiều mặt ở phạm vi quốc tế, theo New York Times.

Trong năm 2021, cơ quan chức năng đưa ra hàng loạt chính sách cảnh cáo những “tiểu thịt tươi”, “nương pháo” - chỉ sao nam nữ tính - là "làm băng hoại thế hệ trẻ". Họ cho rằng nam giới cần có sức mạnh và sự dẻo dai, động thái đầu tiên là làm mờ sao nam mang hoa tai trên sân khấu khi xuất hiện trên sóng truyền hình.

Tháng 9/2021, các cơ quan quản lý truyền hình ra lệnh cấm “nam giới có gu thẩm mỹ bất thường” xuất hiện trên sóng truyền hình.

Cuối tháng 11, các nhà quản lý ra lệnh siết chặt hồ sơ trực tuyến, quảng cáo, nhóm người hâm mộ của người nổi tiếng với lý do “thẩm mỹ bất thường”. Họ thậm chí đe dọa đóng tài khoản trực tuyến của những người không tuân theo.

Thực tế, sự cấm đoán này là phản tác dụng.

Cui Le, một nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục và Công tác xã hội của Đại học Auckland (New Zealand), người nghiên cứu các vấn đề queer trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc, cho biết: “Tôi lặng đi khi đọc được những tin tức như vậy”.

“Đây chỉ là một ví dụ khác cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc củng cố tư tưởng giới truyền thống, nhấn mạnh rằng đàn ông phải thật ‘nam tính’ và sẵn sàng hạ thấp giá trị con người của họ nếu tỏ ra mềm mại, nữ tính”, ông nói.

Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, một người đàn ông lý tưởng sẽ có đủ hai phẩm chất “văn” và “võ”. Tuy nhiên, quan niệm đó dần thay đổi theo thời gian.

Trong cuộc sống hiện đại, nam giới ở Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức xã hội. Họ bị đè nặng bởi áp lực tìm kiếm việc làm, cuộc sống đô thị và kỳ vọng là trụ cột gia đình, đối tượng chính kiếm tiền lo cho gia đình.

Theo điều tra dân số, đàn ông Trung Quốc đông hơn phụ nữ, hệ quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình, một phần do quan niệm “trọng nam khinh nữ” trong nhiều thập kỷ.

“Trớ trêu thay, hình ảnh đàn ông đích thực của Trung Quốc lại đồng nghĩa với nam tính bá quyền và sự bất bình đẳng giới”, Cui nói.

"Cách tiếp cận giáo dục này chỉ làm sâu sắc định kiến giới, gia tăng nạn bắt nạt dựa vào ngoại hình và xu hướng tính dục. Thay vì khuyến khích nam giới tập gym, giới chức nên nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề giới hơn", ông kết luận.

Nhiếp ảnh gia Trung Quốc tự vẫn vì bị gọi là 'đồ ẻo lả'

Trong bức thư tuyệt mệnh, Zhou (26 tuổi) cho biết quãng đời học sinh của mình “đầy rẫy những lời chửi bới, cô lập và đe dọa”.

Trang Minh

Bạn có thể quan tâm