Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiếp ảnh gia Trung Quốc tự vẫn vì bị gọi là 'đồ ẻo lả'

Trong bức thư tuyệt mệnh, Zhou (26 tuổi) cho biết quãng đời học sinh của mình “đầy rẫy những lời chửi bới, cô lập và đe dọa”.

Sự việc một nhiếp ảnh gia độc lập trẻ tuổi tự sát đã hé lộ một số vấn đề xã hội đang diễn ra ở Trung Quốc, từ nạn bắt nạt đến sức khỏe tâm thần, cũng như cuộc sống rối loạn chức năng của con cái những người lao động nhập cư bị bỏ lại ở nông thôn, theo Sixth Tone.

Vụ việc thương tâm

Ngày 28/11, nhiếp ảnh gia Zhou Peng (26 tuổi) đã biến mất sau khi chia sẻ một bức thư tuyệt mệnh dài 5.000 chữ trên Weibo. Hôm đó cũng là sinh nhật của anh.

4 ngày sau, cảnh sát ở tỉnh Chiết Giang, nơi Zhou sống và làm việc, cho biết họ đã tìm thấy xác của anh và đã loại trừ mọi hành vi tấn công.

Trong những ngày cuối đời, Zhou đã viết một tâm thư đầy xúc động kể chi tiết về thời thơ ấu “bị bỏ rơi” ở tỉnh Quý Châu và những rạn nứt giữa bố mẹ anh. Anh tự nhận mình là “một cậu bé ngoan, có nhân cách tốt” và “kẻ lang thang sống trong cảnh nghèo đói”.

nhiep anh gia Trung Quoc tu van anh 1

Nhiếp ảnh gia quá cố Zhou Peng.

Trong bức thư, Zhou kể chi tiết về việc bị bắt nạt ở trường học, nơi bạn bè đồng trang lứa gọi anh là “đồ ẻo lả”. Anh nói rằng quãng đời học sinh của mình “đầy rẫy những lời chửi bới, cô lập và đe dọa”.

Châm chọc những người đàn ông nữ tính là hành vi phổ biến ở xứ tỷ dân, cả trực tuyến lẫn ngoài đời.

Đầu năm, giới chức cho biết họ sẽ cải thiện các lớp thể dục ở trường nhằm chống lại sự “nữ tính hóa” nam sinh. Đồng thời, họ cấm sóng các nghệ sĩ có “gu thẩm mỹ sai trái”, gia tăng thảo luận về cuộc “khủng hoảng nam tính” trong những năm qua.

“Con trai được cho là phải nghịch ngợm, đánh nhau và chửi thề. Còn những cậu bé quá trầm tính và lịch sự bị coi là loại kém cỏi. Tại trường, họ gọi tôi là ‘đồ ẻo lả’. Hồi nhỏ, ngoại hình của tôi trông hơi giống một cô bé nhưng tôi ăn mặc ‘bình thường’ và không hề bắt chước các bạn nữ”, Zhou viết.

Nạn bạo lực học đường

Bạo lực học đường là vấn đề nghiêm trọng tại các trường ở Trung Quốc. đôi khi dẫn đến thương tích và thậm chí tử vong, bất chấp những biện pháp xử lý nghiêm ngặt từ Bộ Giáo dục.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội bạo lực, yêu cầu trẻ vị thành niên từ 12-14 tuổi phải chịu trách nhiệm về một số tội danh, bao gồm cố ý giết người và gây thương tích nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận On Road to School có trụ sở tại Bắc Kinh, hơn 90% trẻ em bị bố mẹ là lao động nhập cư bỏ rơi phải chịu đựng nhiều nỗi đau về tinh thần. Hầu hết thừa nhận quen thuộc với việc bị người khác lạm dụng bằng lời nói và phân biệt đối xử.

nhiep anh gia Trung Quoc tu van anh 2

Trong thư tuyệt mệnh, Zhou chia sẻ về quãng đời bị bạn bè bắt nạt và gia đình bỏ rơi.

Ngoài ra, hơn 65% trẻ em được khảo sát phải chịu bạo lực thể xác, bao gồm chịu đựng hình phạt trên cơ thể và bị bắt nạt, chủ yếu ở trường học.

Nói với Sixth Tone, Wan Lizhu, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý Resoul Thượng Hải, cho biết chửi bới và lăng mạ thường khiến các cá nhân cảm thấy “bất lực và mất lòng tự trọng” - điều mà Zhou cũng có thể đã trải qua.

“Ngoài việc học, sự phát triển và thay đổi tinh thần của trẻ em cũng cần được quan tâm. Các trường học nên chú ý nhiều hơn đến những học sinh là mục tiêu tiềm ẩn của nạn bạo lực học đường”, bà chia sẻ.

Các nghiên cứu mở rộng đã chỉ ra rằng việc liên tục phải hứng chịu với các hành vi bắt nạt và cố ý gây tổn hại có thể dẫn đến tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm. Theo đó, trẻ em có thể dần phát triển “chứng bất lực trong học tập” - tin rằng chúng không có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình, theo các chuyên gia.

“Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không hòa thuận có nguy cơ bị bắt nạt nhiều hơn”, Li Jing, giám đốc tại Tâm lý học Rightpsy ở Thượng Hải, nói với Sixth Tone.

“Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình hòa thuận sẽ cảm thấy an toàn và phát triển lòng tự trọng cao hơn, từ đó ít có nguy cơ bị bắt nạt hơn”, ông nói thêm.

nhiep anh gia Trung Quoc tu van anh 3

Tấm chân dung tự chụp của Zhou Peng.

Tính đến chiều ngày 2/12, lời trăn trối của nhiếp ảnh gia Zhou thu hút gần 900 triệu lượt xem trên mạng xã hội, với hơn 71.000 bình luận gửi lời chia buồn từ những người tiếc thương cho chàng trai.

Một số người cũng kêu gọi chính quyền thực thi biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn cảnh trẻ em bị bắt nạt và những cái chết không đáng có.

“Chính bạo lực giới ở trường học đã gây ra cái chết của Zhou. Những người bắt nạt cậu ấy đều bị đầu độc bởi khuôn mẫu nam giới độc hại. Sự phân biệt đối xử dựa trên định kiến giới của trẻ em cần được nghiêm túc xem xét hơn”, một tài khoản để lại bình luận.

“Để giảm bớt những bi kịch tương tự, các bậc phụ huynh cần hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái của họ”, người khác nói.

Trong lá thư tuyệt mệnh, Zhou cũng kêu gọi chấm dứt nạn bắt nạt học đường, đồng thời chia sẻ rằng anh khao khát một mái ấm tràn đầy tình yêu thương.

“Trẻ em là những cá thể độc lập, không phải công cụ để thực hiện ước mơ của bạn. Nếu bạn kiểm soát nghiêm ngặt cuộc sống của con cái, ép chúng làm những thứ chúng không muốn, điều đó chỉ càng khiến lũ trẻ khốn khổ”, anh viết.

Giấc mơ Mỹ đổ vỡ ở tuổi 21

Hơn 200.000 thanh niên, những người rời quê hương từ nhỏ và dành phần lớn cuộc đời tại Mỹ, đối mặt với nguy cơ bị trục xuất ngay khi bước sang tuổi 21.

Ánh Dương

Ảnh: Weibo/鹿道森

Bạn có thể quan tâm