Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Đằng sau túi Dior, Gucci của dân văn phòng lương 20 triệu đồng/tháng

"Trộn" hàng thật với hàng giả là cách Hồng Ngọc (35 tuổi) áp dụng khi theo đuổi thú chơi đồ hiệu tốn kém. Đối với hàng giả, cô chọn phân khúc "Rep 1:1" để tránh bị phát hiện.

Xu hướng mua sắm hàng giả ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Thường xuyên phải tham gia tiệc tùng xa xỉ với khách hàng, chuyên viên tư vấn bất động sản Ngọc Anh (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) là tín đồ trung thành của một nền tảng mua sắm hàng hiệu giả. Tủ đồ của cô chứa hơn 10 mẫu túi xách giả với giá thành bằng 1/10 hàng thật.

Ví dụ, Ngọc Anh mới chuyển khoản 6,5 triệu đồng tậu một chiếc Miss Dior Mini Bag nhái để đeo dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, giá thành niêm yết của sản phẩm này lên đến 77 triệu đồng.

Với mức lương 20 triệu đồng/tháng, Ngọc Anh khẳng định không thể “chơi” hàng hiệu. Tuy nhiên, cô vẫn phải sử dụng một số sản phẩm thời trang nhái của các nhà mốt Gucci, Dior hay Louis Vuitton khi gặp gỡ đối tác để gia tăng uy tín cá nhân, dễ dàng “chốt deal”.

Không chỉ sử dụng hàng hiệu giả, Ngọc Anh còn phải cập nhật kiến thức về lĩnh vực thời trang cao cấp để trò chuyện với khách hàng, gồng mình “hòa nhập” với giới thượng lưu.

“Khi nhìn từ xa, ít người có khả năng nhận ra hàng nhái. Tôi chỉ lo ngại bị phát hiện dùng túi Dior giả khi khách hàng mục tiêu đứng gần. Nhưng, ít nhất lúc này tôi đã có cơ hội tiếp cận họ”, Ngọc Anh nói.

Theo khảo sát do Văn phòng Sở hữu Trí tuệ châu Âu thực hiện vào năm 2022, hơn 50% người ở độ tuổi từ 15-24 cho biết họ mua ít nhất một món hàng giả trong vòng một năm.

Tổng giá trị thị trường sản phẩm nhái đạt 3 nghìn tỷ USD trong năm 2022, gấp 3 lần so với số liệu được ghi nhận vào năm 2013, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Muôn kiểu dùng hàng nhái

Không chỉ đặt hàng hiệu giả trên sàn thương mại điện tử, Ngọc Anh còn có một dealer thân thiết.

Sau khi các nhà mốt xa xỉ trình làng thiết kế mới 1-2 tuần, người bán hàng trung gian này lập tức gửi hình ảnh các phiên bản sao chép tinh xảo, mời chào cô “chốt đơn”.

Ngọc Anh cho biết hàng nhái cũng có nhiều phân khúc. Dealer thân quen thường giới thiệu với cô các sản phẩm được gọi tên là “Rep 1:1”, “Super Fake”, “Fake 1”, “Fake 2”,... với giá thành giảm dần.

Với khả năng tài chính có hạn, chuyên viên chăm sóc khách hàng này chỉ có thể mua các item từ phân khúc “Fake 1” trở xuống.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo một số đơn vị phân phối hàng hiệu trung gian, Ngọc Anh nhận thấy tên gọi của các “nước hàng” là do người bán tự đặt, không dựa trên tiêu chí nào. Khách hàng như cô cũng chỉ biết nghe lời mời chào từ bên bán, khó tự phân loại.

Ngoài ra, nữ nhân viên văn phòng chỉ sử dụng các thiết kế cổ điển, phổ biến, không bao giờ xách túi phiên bản giới hạn, khó mua hoặc quá đắt đỏ như Hermès Birkin da cá sấu. Việc sở hữu hàng hiệu hiếm dễ dàng khiến cô trở thành tâm điểm chú ý của các bữa tiệc xa hoa.

“Khi thu hút sự quan tâm, bị hỏi han nhiều, tôi dễ làm lộ việc dùng hàng hiệu giả. Phương án tốt nhất là không gây chú ý”, Ngọc Anh nói.

hang gia anh 3

Túi xách Chanel Classic hàng thật nằm bên trái, có giá bán lẻ 10.200 USD. Chiếc còn lại là hàng nhái tinh vi, chỉ 390 USD. Ảnh: JoJo Li, Grant Cornett/New York Times.

Trộn hàng thật và hàng nhái lại là chiến lược của Hồng Ngọc (35 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Bắt đầu “chơi” đồ hiệu từ 10 năm trước, Ngọc xây dựng kế hoạch sắm hàng giả chi tiết, kỹ càng, tránh bị phát hiện.

Bản dupe được cô lựa chọn thường là hàng loại Rep 1:1, có thiết kế, chất lượng tương đương hàng thật. Ngoài ra, khi sắm hàng nhái, Hồng Ngọc chỉ mua những món phụ kiện nhỏ, váy áo ít chi tiết, khiến đối phương khó nhận thấy sự khác biệt.

Hồng Ngọc cho rằng chi tiết khó làm giả nhất là logo. Vì thế, cô hạn chế sử dụng các sản phẩm nhái in hoặc đính logo thương hiệu.

Đối với một số mẫu túi da của thương hiệu Hermès, Ngọc thường phân biệt hàng thật và hàng nhái thông qua mùi hương của chất liệu da. Da thật có mùi dễ chịu, không toả hương “ngai ngái” như da giả.

Chiến thuật trộn hàng của Hồng Ngọc được thể hiện thông qua cách cô phân bổ tỷ trọng sản phẩm giả và thật.

40% tủ đồ của Ngọc là hàng thật, bao gồm nhiều item tối giản, khó lỗi mốt. 60% còn lại là những món đồ thời trang nhái, thường chỉ phù hợp với một mùa mốt.

Cụ thể, Ngọc vừa sắm một chiếc túi Gucci Horsebit giả vì đoán rằng phụ kiện này chỉ thịnh hành 6 tháng. Mức giá mà cô chi cho món đồ được sao chép tinh vi là 50 triệu đồng, gần bằng giá thành 77 triệu đồng của hàng thật.

“Nhiều người thắc mắc tại sao tôi không bỏ thêm hơn 20 triệu đồng mua túi thật để kiếm lời khi thanh lý. Tuy nhiên, những mẫu túi theo mùa rất khó bán lại. Tôi đã phải bỏ xó nhiều chiếc như vậy, không muốn ‘rút ví’ một khoản lớn cho hàng chính hãng nữa”, Hồng Ngọc chia sẻ.

Nhu cầu mua hàng giả gia tăng

Theo Nam Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ sở hữu một đại lý chuyên phân phối hàng hiệu chính hãng, nhu cầu sử dụng hàng nhái ngày càng gia tăng.

50% khách hàng tìm đến anh với mong muốn sắm bản dupe của các sản phẩm đến từ thương hiệu Dolce & Gabbana, Versace hay Saint Laurent. Trong đó, Dolce & Gabbana là nhãn hàng được nhiều tín đồ hàng giả “hỏi thăm” nhất.

Theo Nam Anh, xu hướng mua hàng hiệu nhái một phần đến từ mạng xã hội. Khi nhìn thấy hình ảnh các KOL, bạn bè khoe đồ hiệu trên trang cá nhân, nhiều người nảy sinh mong muốn sở hữu sản phẩm tương tự, song chưa có đủ khả năng tài chính để chi trả.

“Họ thường gửi cho tôi những tấm hình người quen, ngôi sao dùng túi xách, giày hiệu và hỏi có bản dupe không”, Nam Anh nói với Tri thức - ZNews.

hang gia anh 4

Các đại lý phân phối hàng hiệu chính hãng cho biết nhiều khách hàng tìm đến với nhu cầu mua hàng dupe. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Hồng Hạnh (quận 4, TP.HCM), chủ một cửa hàng cung cấp đồ hiệu chính hãng, cũng khẳng định trào lưu tiêu dùng hàng nhái có xu hướng gia tăng.

Theo Hạnh, các xưởng sản xuất tại Trung Quốc ngày càng phát triển kỹ thuật sao chép, có thể đem đến những sản phẩm giả tinh xảo, tương đối giống hàng thật. Cô cũng nhận được nhiều lời chào mời nhập hàng nhái về bán.

“Tôi tin rằng khách hàng hiện nay rất tinh. Nếu bán hàng giả, tôi chỉ có thể lừa được 2-3 người nhẹ dạ, đánh mất uy tín lâu dài”, Hạnh nói.

Về phương pháp phân biệt, cô cho rằng hình thức kiểm tra hoá đơn thanh toán không còn hiệu quả. Các phần mềm AI có khả năng giúp người tiêu dùng nhận biết tốt hơn.

Hồng Hạnh luôn để khách hàng thoải mái kiểm tra trước khi “xuống tiền”. Song, cô cũng cho biết hình thức trao đổi “thuận mua vừa bán” này không phổ biến trên thị trường trung gian.

Hiện nay, các thương hiệu thời trang cao cấp đều vào cuộc chống hàng giả. ​​Vào năm 2021, Prada và Cartier đã bắt tay với công ty cung cấp giải pháp phân biệt hàng thật - hàng nhái Aura Blockchain Consortium.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến như Rebag, The RealReal và Vestiaire Collective cũng áp dụng hàng loạt công nghệ kiểm tra sản phẩm, tránh tình trạng những phiên bản sao chép của hàng thời trang xa xỉ xuất hiện tràn lan, gây mất uy tín.

The RealReal cho biết họ đã đầu tư vào chương trình nhận dạng, xác thực sản phẩm có tên Vision, kiên quyết áp dụng các phương pháp chống hàng nhái để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, theo SCMP.

‘Kẻ bắt chước mộng mơ’ và 3 kiểu người chuộng hàng fake

Không còn mang tâm lý ái ngại, xấu hổ khi sử dụng hàng giả, nhiều người tiêu dùng trẻ dần bình thường hoá việc mua sắm sản phẩm thời trang xa xỉ nhái.

Tái thương mại trong ngành thời trang

Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm