Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Dành hàng tháng trời học vẽ trên bảng bằng phấn

Dùng phấn trắng và phấn màu, nhiều thầy cô có thể tự vẽ nhiều loài hoa trang trí bảng trong lớp trong các tiết học, ngày khai giảng hay các sự kiện đặc biệt.

Ngồi trước màn hình máy tính, Đức Phú (giáo viên trường Tiểu học Hiệp Hòa, Đồng Nai) chăm chú theo dõi video hướng dẫn các nét vẽ trên bảng rồi sau đó cặm cụi cầm phấn trắng, vẽ khung, tô màu và thực hành trên bảng đen.

Cứ đến cuối tuần, Phú lại dành 2-3 tiếng tham gia khóa học vẽ tranh trên bảng để vận dụng vào quá trình dạy học.

"Mình có năng khiếu và niềm đam mê vẽ bảng từ trước nên muốn học hỏi, trải nghiệm khóa học này. Nhiều khi đến các cuộc họp phụ huynh hay những sự kiện quan trọng sự kiện của lớp, mình muốn vẽ gì đó nổi bật, ấn tượng", Đức Phú nói với Zing.

Đứng vẽ 5-6 tiếng cho một tác phẩm

Phú bắt đầu dành nhiều thời gian vẽ - môn nghệ thuật yêu thích khi còn nhỏ. Anh bắt đầu tập vẽ trên bảng phấn cách đây 5 tháng. Đến nay, Phú đã có thể ứng dụng những nét chữ, nét vẽ của mình vào các bài giảng, hay những sự kiện của trường, lớp như họp phụ huynh, Tết Trung thu hay tổng kết năm học. Ngoài ra, anh còn lưu giữ hình ảnh của hàng chục bức tranh trên bảng phấn do mình vẽ.

Phú kể, anh vướng lịch dạy cả tuần nên chỉ đăng ký một lớp học online vào cuối tuần để theo học, mỗi giờ học kéo dài khoảng 1,5-2 giờ, những hôm có bức vẽ tỉ mỉ hơn sẽ học trong 3-4 giờ đồng hồ.

Chi phí khóa học khoảng 500.000 đồng/người. Thời gian học linh động, có thể tranh thủ học lúc rảnh rỗi, khi đó giáo viên sẽ gửi bài hướng dẫn hàng tuần và nhận xét khi học viên nộp bài. Nội dung vẽ được học theo từng chủ đề trong tháng, giáo viên sẽ hướng dẫn vẽ từ đơn giản đến phức tạp. Sau đó thực hành cách phối màu, chọn màu sắc phù hợp cho bức tranh.

"Ban đầu sẽ học những hình vẽ cơ bản như nấm, bông hoa , dần dần học những thứ phức tạp hơn như hoa sen, trang trí lễ khai giảng hay buổi tổng kết năm học", anh chia sẻ.

Theo Phú, vẽ tranh bảng khó nhất là lên ý tưởng về bố cục, màu sắc, nó đòi hỏi người vẽ phải kiên trì, cẩn thận. Ban đầu tập vẽ, anh gặp khó khăn về việc lên ý tưởng bố cục, màu sắc vì phấn chỉ có vài màu, không đủ tả các màu sắc của chủ thể.

Ngoài ra, Phú còn gặp khó khi vẽ trên mặt bảng lâu năm, sần sùi, không ăn phấn gây khó khăn cho việc vẽ và tô màu. Nam giáo viên kể hồi mới học, có những bức vẽ phải mất một ngày mới hoàn thành, ví dụ hoa phượng, tú cầu, dâm bụt bởi nó nhiều chi tiết, màu sắc đa dạng.

Gắn bó với nghề giáo được 9 năm, Ngọc Bích (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Bình Thuận) mong muốn thổi hồn những bài giảng vào các nét chữ, nét vẽ trên bảng. Mỗi tuần, nữ giáo viên dành 2 buổi cuối tuần để học và thực hành vẽ.

Cô Bích không có chuyên môn sâu về vẽ. Để vẽ bảng, cô luôn chủ động học hỏi từ thầy hướng dẫn, kiến thức trên mạng để biết cách vẽ cho giống thật, có hồn và tự nhiên.

Về độ khó, cô cho rằng mỗi bức tranh đòi hỏi sự kiên trì, vẽ tranh bảng khó hơn vẽ màu vì không phối được nhiều màu, chỉ dùng phấn có sẵn nên đôi khi không thể hiện được chiều sâu như tranh vẽ. Tuy nhiên, vẽ trên bảng có thể tẩy xóa dễ dàng hơn so với các chất liệu khác.

"Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận về bài vẽ khác nhau, mình khá kỹ và chau chuốt nên thời gian bỏ ra sẽ nhiều hơn. Với mỗi bức tranh, mình mất 2-3 giờ đồng để hoàn thành, có khi mất 5-6 giờ, tùy thuộc vào nội dung tranh có chi tiết, phức tạp hay không", cô Bích chia sẻ.

Bảng đen, phấn trắng chưa bao giờ lỗi thời

Theo cô Bích, hiện nay, các em học sinh có cơ hội được tiếp xúc với các thiết bị điện tử phục vụ cho việc học tập như máy chiếu, tivi, vi tính hay các phần mềm hỗ trợ giảng dạy như powerpoint, giáo án điện tử. Tuy nhiên, điều này sẽ có những rào cản nhất định.

Cô Bích cho rằng vẽ bảng mang nhiều ý nghĩa trong việc giảng dạy cũng như tạo sự hứng thú khi học tập. Cô lấy ví dụ khi người giáo viên trực tiếp hướng dẫn viết, vẽ ở trên, học sinh ở dưới sẽ nhìn theo, và được thực hành trên bảng con. Nếu xem trên tivi hay bài giảng trình chiếu, nó chỉ hấp dẫn về hình ảnh trực quan khi đó và các em ít có cơ hội được thực hành trực tiếp.

Đối với giáo viên, chữ đẹp và cách trình bày trên bảng đẹp luôn thu hút người dạy, học sinh cũng như các thầy cô giáo khác. Việc đầu tư, chau chuốt về mặt hình ảnh, kết hợp giữa viết và vẽ sẽ tạo sự hứng thú hơn là một tấm bảng đơn điệu, không có ấn tượng.

"Ngoài ra, vẽ bảng giúp bản thân được thư giãn, giảm áp lực. Việc viết các chữ cái và kỹ năng vẽ cũng được cải thiện tốt hơn", cô Bích chia sẻ.

ve phan tren bang anh 3

Đức Phú trang trí bảng trong buổi lễ tổng kết năm học cho các em học sinh trường Tiểu học Hiệp Hòa. Ảnh: NVCC.

Trong một số tiết học, giáo viên trẻ Đức Phú cũng dùng phấn phác họa nhiều hình vẽ để xây dựng bài giảng. Anh kể mỗi khi sinh hoạt lớp, anh lại vẽ hoa lá, cây táo, hoa tuyên dương, hoa văn bắt mắt nhằm thu hút học sinh. Anh cũng hướng dẫn các em vẽ sơ đồ tư duy đơn giản để nâng cao hiệu quả học tập.

Phú cũng cho rằng hiện nay nhiều thầy cô sử dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại, phục cho việc giảng dạy. Tuy nhiên, anh luôn cố gắng làm mới, biến hóa những chiếc bảng đen, phấn trắng, những vật vô tri vô giác trở nên có hồn, thu hút ánh nhìn của các em học sinh.

"Việc vẽ tranh không chỉ làm chiếc bảng đẹp hơn, bầu không khí của lớp học cũng vì thế mà tươi vui, hứng khởi. Điều này cũng giúp các em yêu và gắn bó hơn với những chiếc bảng đen và phấn trắng", Đức Phú nói.

Bên cạnh học tập, vẽ bảng còn phục vụ cho các buổi lễ, sự kiện hay trong các cuộc họp phụ huynh. Điều này thể hiện sự chỉn chu, tâm huyết của người thầy đặt vào mỗi sự kiện.

Cô giáo Trần Lành, người trực tiếp hướng dẫn các học viên kỹ năng vẽ trên bảng, cho biết nhu cầu đăng ký học vẽ và trang trí bảng được quan tâm nhiều hơn, nhất là giáo viên tiểu học.

ve phan tren bang anh 4

Trần Lành ấn tượng với những học viên lớn tuổi bởi tính tỉ mỉ, chau chuốt tác phẩm. Ảnh: NVCC.

Cô cho rằng các bạn học sinh tiểu học luôn bị thu hút bởi những hình vẽ độc đáo, sắc màu. Cho nên, khi kết hợp bài giảng cùng hình vẽ, các em tỏ ra thích thú và tập trung, qua đó tác động tích cực đến khả năng thu nạp kiến thức, kích thích tư duy và sáng tạo.

Ngoài ra, mỗi giáo viên cũng mong muốn được tự tay trang trí, viết chữ trên bảng trong các sự kiện quan trọng như tổng kết năm học, buổi họp phụ huynh, khai giảng...

Cô Lành cho biết độ tuổi chủ yếu của học viên tham gia khóa học khoảng 20-40 tuổi, một số học viên trên 50 tuổi cũng theo học.

"Vẽ phụ thuộc vào năng khiếu của mỗi người và họ cũng sẽ gặp những khó khăn riêng. Mình đặc biệt ấn tượng với những học viên lớn tuổi, mặc dù kỹ thuật không thể nhanh như những người trẻ, họ vẫn rất tỉ mỉ, chau chuốt tác phẩm, luôn cố gắng cập nhật bài vẽ và hoàn thành nó đúng thời hạn", cô Lành cho biết.

Cô Lành cũng cho biết việc trang trí bảng tốn khá nhiều thời gian nên ít thầy cô lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều thầy cô muốn tự tay trang trí, làm đa dạng phương pháp dạy và học. Điều này tăng thêm phần ý nghĩa của mỗi bài giảng, giúp học sinh có những kỷ niệm đẹp về thầy cô.

Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.

Xem thêm: Trang viết thanh xuân

ve phan tren bang anh 5

Bộ trưởng GD&ĐT: 'Phát triển đội ngũ nhà giáo là việc sống còn'

Sáng 19/11, tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm