Nếu có bạn bè rủ đi chơi, Như cũng chỉ đồng ý nhận “kèo” vào buổi chiều hay tối, khi đầu óc cô thấy tỉnh táo trở lại và thấy đủ năng lượng để ra ngoài. Cô gọi đây là "niềm vui hiếm hoi" khi không phải bật dậy vào 6h sáng như mọi ngày để chuẩn bị đi làm cho kịp giờ chấm công.
"Công ty xa nhà gần 10 km, dậy sớm là chuyện thường ngày và mình thường xuyên cảm thấy thiếu ngủ. Mình mong chờ đến dịp nghỉ kéo dài cũng chỉ để được ngủ thỏa thích và những ngày vừa rồi, mình làm đúng y như vậy", Như nói với Zing.
Ngại cảnh chen chúc đi chơi, nhiều bạn trẻ dành cả 4 ngày lễ để ở trong nhà thư giãn, tự "chill" theo cách của mình. Ảnh minh họa: Phạm Thắng. |
Đi chơi, du lịch trong và ngoài nước luôn là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ trong các đợt nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ muốn ở nhà, dạo quanh thành phố vào dịp này
Nhiều người lo ngại cảnh đông đúc, chen lấn tại các điểm du lịch, trong khi số khác vướng bận công việc hoặc đơn giản muốn tận hưởng những ngày không phải đến công ty, chẳng lo tắc đường.
Ngủ bù, "sạc" lại năng lượng
Trong khi hầu hết bạn bè, đồng nghiệp đều lên kế hoạch du lịch hoặc tụ tập với bạn bè, Như mặc định sẵn lịch trình nghỉ lễ "ăn và ngủ ở nhà" và không hề thấy lăn tăn với điều đó.
Như nói thêm cô tận dụng khoảng thời gian này cho sở thích đã lâu chưa được "động" đến: cày phim bộ.
"Ngày thường, mình dù rất thích xem tập nữa đến đâu cũng phải tạm ngưng, đi ngủ sớm vì hôm sau còn phải đi làm. Trước lễ, mình đã lập danh sách những phim muốn xem và có thể dành cả ngày để xem một mạch thoải mái, thức khuya, dậy muộn vẫn không vấn đề gì", cô bày tỏ.
Mỗi nhân viên văn phòng có cách tận hưởng kỳ nghỉ lễ của riêng mình, tùy thuộc vào mong muốn, sở thích. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Từ ngày đầu đến ngày cuối của kỳ nghỉ, Như đã xem hết 2 mùa của series tính "cày" từ lâu, với khoảng gần 20 tập và một vài phim lẻ khác.
"Mình quan niệm rằng cuối tuần hay ngày lễ là dịp để nghỉ ngơi, làm bất kỳ điều gì mình thích để nạp lại năng lượng. Ở nhà hay đi chơi cũng được, miễn là bản thân thấy hài lòng, thích thú", cô nói thêm.
Dù có 4 ngày thảnh thơi trong kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, Nguyễn Huế (sinh năm 1998, làm việc trong ngành dịch vụ thẩm mỹ) lựa chọn ở lại Hà Nội thay vì về quê cùng gia đình. Cô cũng không có kế hoạch đi du lịch, học hay tụ tập với bạn bè hoặc hoạt động đáng kể nào khác.
“Trừ khi có công việc phải xử lý đột xuất, tôi chỉ ở nhà nghỉ ngơi thôi”, Huế nói với Zing.
Huế sợ cảnh đông đúc, chen chúc tại các điểm du lịch vào dịp nghỉ lễ. Ảnh: NVCC. |
Đối với cô, càng vào các dịp nghỉ lễ lớn, dài ngày, cô càng có xu hướng tránh ra ngoài bởi sợ cảnh đông đúc.
Thay vào đó, các hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc hay đơn giản là ngủ đủ giấc mà không phải lo bị chuông báo thức làm phiền lại trở nên lý tưởng.
“Bình thường đi làm, tôi đều chen chúc trên những con đường tắc đến công ty, bận rộn với công việc rồi lại mệt mỏi trở về nhà. Vì vậy, tôi muốn tranh thủ sạc lại năng lượng, tĩnh tâm nhân những ngày này”, cô cho biết.
Bên cạnh đó, Huế cũng ngại đi du lịch bởi cho rằng nhiều người sẽ đổ xô về các điểm du lịch nổi tiếng gây quá tải, trải nghiệm cũng khó có thể trọn vẹn. Chưa kể, vào các dịp lễ, dịch vụ ở một số khu du lịch thường bát nháo, thậm chí đắt đỏ hơn thường ngày.
“Một số đồng nghiệp của tôi lựa chọn đi chơi, số khác cũng nói sẽ ở nhà ăn ngủ cho thoải mái. Nói chung, tôi nghĩ do lựa chọn, nhu cầu và mục đích cá nhân của mỗi người thôi”, Huế chia sẻ.
Mỗi người một cách tận hưởng ngày nghỉ
Tự nhận thích ở nhà hơn là ra ngoài vào dịp nghỉ lễ, Hoàng Anh (sinh năm 1998, TP.HCM) tận dụng thời gian 4 ngày tạm tách khỏi công việc để dành nhiều hơn cho gia đình và các thú vui cá nhân ở nhà.
“Ngày lễ đi đâu cũng đông, nhiều nơi còn phụ thu phí khá đắt nên tôi không thích lắm. Lâu lâu mới có ngày nghỉ, tôi thích tranh thủ ngắm nhìn thành phố yên tĩnh, thư thả hơn ngày thường thay vì tìm đến một điểm đông đúc khác”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Hoàng Anh cũng không có quan niệm đã nghỉ thì nên tranh thủ làm gì đó thật khác biệt, mới mẻ, tận dụng được hết thời gian cho đỡ “phí”. Đối với cô, đôi khi không cần “cố” quá hay lo lắng sợ bỏ lỡ điều gì so với mọi người mà ép buộc bản thân phải làm gì đó.
“Tất nhiên cũng sẽ có những người đặt mục tiêu đi chỗ này chỗ kia, làm này làm nọ, nhưng riêng tôi thì chỉ cần ngủ đẫy giấc, thỏa thích nằm dài ở nhà là đủ rồi. Nếu đi du lịch mà chen chúc, nóng nực hết 4 ngày rồi thứ 2 trở lại làm việc khéo còn mệt hơn. Tôi sẽ ưu tiên đi xin nghỉ, đi chơi ngày thường cho thoải mái hoặc lựa chọn những địa điểm không quá đông đúc”, Hoàng Anh cho hay.
Hoàng Anh thích tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà trong dịp lễ. Ảnh: NVCC. |
Gần 5 năm qua, gia đình Hương Trà (27 tuổi, quận Đống Đa) luôn ở lại Hà Nội trong tất cả đợt lễ. Trà cho hay cô không muốn dành toàn bộ số ngày lễ chỉ để nằm trên giường, song cũng không muốn có mặt ở những chốn quá đông đúc như trung tâm thương mại, công viên ở quanh thủ đô.
Thay vào đó, cô tận dụng thời gian để gặp mặt những người bạn đã lâu ngày không gặp. Theo Trà, nếu không tranh thủ hẹn nhau vào dịp mà số đông được nghỉ lễ, sẽ khó hẹn lại vì mỗi người một lịch.
"Rủ mọi người đi ăn cũng là lựa chọn phổ biến, song ăn nhiều sẽ cảm thấy no bụng, khó chịu, không đi được nhiều 'kèo' trong ngày. Vậy nên, hẹn nhau đi uống nước, ăn bánh là phương án hợp lý nhất.
Tất nhiên, quán xá cũng không tránh khỏi cảnh tấp nập, quá tải vào lễ lạt nhưng nếu chọn khéo, tìm tòi một chút, mình vẫn có thể chọn những nơi đông khách vừa đủ, thích hợp cho từ nói chuyện 1-2 người cho đến tụ họp cả nhóm", Trà nói.
Những ngày qua, trung bình nữ nhân viên ngành Bảo hiểm có 2-3 cuộc hẹn cà phê trong một ngày, di chuyển từ cửa hàng này sang quán khác. Nếu ban tối có bạn bè rủ "lên đồ" đi bar, pub, Trà cũng sẵn sàng "nhận kèo đi quẩy".
Ngày cuối cùng trước khi quay lại guồng quay nhịp sống cũ, Trà tranh thủ đi ra ngoài phố chơi từ sớm.
"Thời tiết Hà Nội nay mát mẻ, đúng tiết trời mùa thu nên dù chưa có sẵn lịch đi đâu, gặp ai, mình lại nhắn tin rủ vài người bạn tụ tập để đỡ cảm giác phí mất ngày đẹp trời. Với bản thân, vậy đã là nghỉ lễ trọn vẹn".