Đạo diễn Ký sinh trùng tạo kỳ tích và tiếp tục làm phật lòng người Hàn
Ký sinh trùng đặt Hàn Quốc vào một tình thế khá tiến thoái lưỡng nan: Làm cách nào để tận dụng tối đa thành công mang lại từ một bộ phim vốn phơi bày những góc tối xã hội?
Khi đạo diễn Bong Joon Ho nhận tượng vàng cho giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar lần thứ 92, ông bày tỏ niềm vui chiến thắng bằng tuyên bố “Tôi sẽ uống rượu đến tận sáng mai”.
Sự phấn khích của vị đạo diễn người Hàn là điều hiển nhiên, khi bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) làm nên lịch sử và trở thành niềm tự hào của Hàn Quốc tại hàng loạt liên hoan phim quốc tế danh giá.
Tuy nhiên, lời phát biểu nhận giải của đạo diễn Bong chắc hẳn cũng làm phật lòng không ít người ở quê nhà, đặc biệt là giới chính trị.
Xù xì trong kiêu hãnh
Trong thâm tâm, các chính khách ắt hẳn muốn Bong Joon Ho thể hiện một hình ảnh khác: cúi đầu lịch sự cám ơn, thể hiện vinh dự được dàn dựng một tác phẩm đoạt giải danh giá của Hollywood, và hứa hẹn sẽ lao động nghiêm túc để tiếp tục cho ra những đứa con tinh thần chất lượng.
Khi ứng xử trái với kỳ vọng của giới chính khách, chắc chắn rằng đạo diễn Bong Joon Ho nhận thức rất rõ rằng cả đất nước đang dõi theo mình vì trong khoảnh khắc đó, ông đang là đại sứ hình ảnh cho Hàn Quốc.
Lời phát biểu nhận giải của đạo diễn Bong Joon Ho chắc hẳn cũng làm phật lòng không ít người ở quê nhà, đặc biệt là giới chính trị.
Thế nhưng, Bong Joon Ho vẫn ứng xử theo cách của riêng mình, bộc trực và chân thành. Điều đó cũng được khắc hoạ trong đứa con tinh thần của Bong.
Sự trần trụi của Ký sinh trùng đã xoáy vào những mặt tối mà chính phủ Hàn Quốc không muốn nhắc tới. Chính những khía cạnh đó lại đóng vai trò quyết định trong hành trình xây dựng thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc đầy tốn kém và mất thời gian.
Lẽ đó, kỳ tích của Ký sinh trùng lại vô tình đặt Hàn Quốc vào một tình thế khá tiến thoái lưỡng nan: Làm cách nào để tôn vinh và tận dụng tối đa thành công mang lại từ một bộ phim vốn phơi bày những góc tối xã hội mà Hàn Quốc muốn giấu kín đi?
Theo đúng lý thuyết bài bản, để xây dựng sức mạnh mềm, Hàn Quốc muốn quảng bá ra bên ngoài một hình ảnh tích cực: môi trường sạch sẽ, người dân hạnh phúc, công nghệ hiện đại nhưng đồng thời vẫn bảo tồn các giá trị truyền thống.
Đây không phải là tham vọng chính trị duy ý chí. Dư luận Hàn Quốc phần lớn cũng đồng tình chỉ trưng ra bên ngoài những hình ảnh long lanh của đất nước. “Đẹp khoe xấu che" như lẽ tự nhiên.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ không thể kiểm soát được những câu chuyện và thông điệp khiến công chúng quốc tế quan tâm đến đất nước mình.
Những ai từng đặt chân đến Hàn Quốc đều có thể nói với bạn rằng cuộc sống thực tế ở xứ kim chi khác hoàn toàn với những tấm postcard quảng bá du lịch lung linh. Khác với những gì khán giả nước ngoài thường mường tượng về Hàn Quốc thông qua các bộ phim truyền hình, trên thực tế thủ đô Seoul là thành phố ồn ào quặn tai, người dân thích nhậu nhẹt.
Trong bối cảnh đó, bài học từ thành công ngoài sức tưởng tượng của Ký sinh trùng rất rõ ràng: bóc trần những bất công sâu sắc trong lòng xã hội Hàn, và được phần còn lại của thế giới đồng cảm, đón nhận.
Điều này chứng minh rằng chính phủ Hàn Quốc sẽ không thể kiểm soát được những câu chuyện và thông điệp khiến công chúng quốc tế quan tâm đến đất nước mình.
Trần trụi để trở thành nguồn cảm hứng
Rất cần nhắc lại cột mốc văn hoá đại chúng Hàn trở thành một hiện tượng toàn cầu. Đó là vào năm 2012, khi bài hát và video Gangnam Style của rapper Psy bất ngờ gây chấn động thế giới, phủ sóng mạnh mẽ theo cách không ai có thể hình dung được.
Điểm chung giữa Gangnam Style và Ký sinh trùng: đều là những sản phẩm mang đậm chất Hàn với những ẩn ý xa lạ, khó hiểu với bất kỳ ai không phải người bản địa. Cả hai đều không cố gồng mình tỏ ra “nghệ thuật", chỉ chuyển tải những thông điệp chế giễu nặng đô và cùng lúc cười nhạo vào lối suy nghĩ truyền thống mang nặng lối mòn.
Điểm chung giữa Gangnam Style và Ký sinh trùng: đều là những sản phẩm mang đậm chất Hàn với những ẩn ý xa lạ, khó hiểu với bất kỳ ai không phải người bản địa.
Thông điệp lõi của Gangnam Style là chê bai lối sống phô trương, phù phiếm của một bộ phận nhà giàu lắm tiền tại khu Gangnam đắt đỏ bậc nhất. Đó là nơi của giới lắm tiền nhưng thiếu đẳng cấp và cả những con người đầy tham vọng cố tỏ ra mình giàu có.
Ký sinh trùng cũng tương tự vậy, nhưng chú trọng vào khía cạnh đen tối hơn: Hai tầng lớp chênh lệch một trời một vực sống và phụ thuộc vào nhau trong cùng một xã hội.
Nội dung chính của bộ phim xoay quanh chuyện một gia đình nghèo, sống trong khu ổ chuột tồi tàn, tìm mọi cách để thâm nhập và moi móc tiền từ một gia đình thượng lưu bằng cách làm gia sư, giúp việc, lái xe cho chủ nhà. Từ đó, họ được hưởng ké cuộc sống sang trọng, điều trước giờ quá xa vời. Và tất yếu, mối quan hệ này là mầm mống cho những bất mãn và những mồi lửa lớn hơn.
Điểm chung của hai tác phẩm là cả hai đều cố gắng lột tả những gì trần trụi nhất, không nhằm chiều theo thị hiếu của khán giả quốc tế hay những gì mà giới chính khách nước này cho là “Tây sẽ thích".
Cả hai đều nhấn mạnh vào các ẩn dụ, khéo léo khắc họa những tương phản, thể hiện sự châm biếm chua cay vào mặt tối xã hội. Và trong cả hai trường hợp, người Hàn đều kinh ngạc khi nhận ra cộng đồng quốc tế lại hứng thú đặc biệt với các sản phẩm độc đáo, không chiều theo số đông và đi theo lối mòn này.
Lý do thật đơn giản: Hai tác phẩm này chạm đến cảm xúc của khán giả, khiến họ cảm thấy đồng cảm. Suy nghĩ, tư tưởng của khán giả quốc tế và thông điệp của bộ phim gặp gỡ tại một điểm chung, đồng điệu và chân thật theo cách mà những thương hiệu và sản phẩm khác của nền văn hoá đại chúng không làm được.
Người Hàn đều kinh ngạc khi nhận ra cộng đồng quốc tế lại hứng thú đặc biệt với các sản phẩm độc đáo, không chiều theo số đông và đi theo lối mòn này.
Điều này có thể thấy rõ khi các nhóm nhạc nữ đình đám tại Hàn Quốc như Wonder Girls hay SNSD không thể gặt hái thành tích nổi bật tại thị trường phương Tây, dù được quảng bá rầm rộ.
Ở mảng điện ảnh, năm 2016, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc chọn Age of Shadows, một bộ phim có nội dung chống Nhật Bản để đi tranh cử cho giải Phim Quốc tế xuất sắc nhất tại giải Oscar. Trong khi đó, The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook, cũng lấy bối cảnh thời Nhật chiếm đóng được đánh giá cao hơn nhưng bị ngó lơ vì chứa nhiều yếu tố nhạy cảm như đồng tính nữ và không phải tất cả nhân vật đều mang tư tưởng chống Nhật.
Trong trường hợp này, Hội đồng Điện ảnh rõ ràng muốn giữ gìn hình ảnh quốc gia. Song, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Age Of Shadows bị loại khỏi danh sách đề cử.
Do đó, Ký sinh trùng là một ngoại lệ. Chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại giải thưởng danh giá nhất hành tinh của bộ phim này một lần nữa đặt vấn đề về cách thể hiện hình ảnh Hàn Quốc ra trường quốc tế khi những câu chuyện phơi bày bất công xã hội lại có sức cuốn hút hơn những thứ bóng bẩy, hào nhoáng bên ngoài.
Hàn Quốc, với sức chuyển mình mạnh mẽ, đã vươn lên nhanh chóng từ tro tàn chiến tranh để trở thành nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới. Cái giá để đổi lấy sự phát triển cũng không hề rẻ khi cả nước lao vào guồng quay làm việc khắc nghiệt và phân chia giàu nghèo ngày càng sâu sắc.
Những câu chuyện phơi bày bất công xã hội lại có sức cuốn hút hơn những thứ bóng bẩy, hào nhoáng bên ngoài.
Từ lâu, khai thác những đánh đổi vì mục đích tăng trưởng kinh tế trở thành chủ đề quen thuộc tại Hàn Quốc: Các cá nhân và gia đình bị cuốn vào áp lực khổng lồ, làm việc đến kiệt sức để gặt hái thành công; hay nỗi bẽ bàng của những người trong cuộc chiến việc làm khốc liệt.
Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng kỳ tích của Ký sinh trùng sẽ thay đổi cách chính phủ và giới tài phiệt Hàn Quốc quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới. Thế nhưng, tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách ở xứ kim chi sẽ rút ra bài học rằng sự thật vẫn là điều cốt lõi.
Bằng cách trung thực và đối diện với thực tế trần trụi, điện ảnh Hàn Quốc sẽ trở thành nguồn cảm hứng với thế giới.