Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạo nhái thiết kế thời trang, câu chuyện muôn thuở không hồi kết

Không chỉ có những hãng thời trang Việt đang đạo nhái thiết kế của các thương hiệu nổi danh. Chính những ông lớn trong làng thời trang thế giới cũng đang ăn cắp ý tưởng của nhau.

Đạo nhái thiết kế không ngừng diễn ra

Zara, Forever 21, H&M, Topshop, Pull & Bear, Mango… là những thương hiệu thời trang bình dân thường có thiết kế giống với các bộ sưu tập (BST) mới ra lò của nhiều nhà mốt lừng danh thế giới.

dao nhai thiet ke anh 1
Forever 21 "mượn tạm" họa tiết của Gucci? Ảnh: Pinterest.

Năm 2017, Gucci từng khởi kiện Forever 21 vì hãng thời trang nhanh này đã ăn cắp ý tưởng họa tiết đặc trưng của nhà mốt Italy. Năm 2018, nhà thiết kế (NTK) Nam Phi Laduma Ngxokolo cũng cáo buộc Zara ăn cắp họa tiết của thương hiệu Maxhosa by Laduma. Bất chấp những vụ kiện như thế này thường xuyên diễn ra, các hãng thời trang "mì ăn liền" vẫn "bình chân như vại" .

Julie Zebro, luật sư làm việc tại New York đồng thời cũng là người sáng lập The Fashion Law nói thêm: “Luật bản quyền và sở hữu trí tuệ không áp dụng lên những vật phẩm thiết yếu (trang phục, phụ kiện, thực phẩm...) trong cuộc sống”. Điều này đồng nghĩa với việc Zara vẫn có thể “mượn ý tưởng” của Balenciaga để biến đôi giày $695 thành một đôi giày $90 mang thương hiệu của mình mà không gặp khó khăn về mặt luật pháp.

dao nhai thiet ke anh 2
Black high-top sneakers của Zara giá $90 (trái) so với Balenciaga trị giá $695 (phải). Ảnh: Highsnobiety, Zara.

Hiện tượng ăn cắp chất xám không chỉ diễn ra ở những hãng thời trang bình dân mà còn cả với các hãng cao cấp. Gần đây nhất, cộng đồng mạng nhận thấy có sự tương đồng giữa một chiếc áo khoác trong BST Cruise 2018 Gucci với thiết kế được Harlem Dapper Dan ra mắt vào thập niên 80s.

dao nhai thiet ke anh 3
Gucci Cruise 2018 (trái) so sánh với áo khoác Dan Dapper (phải). Ảnh: Superselected.

Tại Việt Nam, nhiều NTK tên tuổi cũng từng vài lần dính phải nghi án đạo nhái ý tưởng từ các hãng thời trang lớn. Làn ranh giữa lấy ý tưởng và "copy - paste" trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi một vài NTK Việt lý giải cho sự tương đồng "vô tình" này đến từ quá trình tìm lại những phom dáng cũ của các nhà mốt xưa để có cảm hứng sáng tạo. 

Từ một nét đẹp hay một mốt từng thịnh hành, NTK Việt triển khai nó thành mẫu thiết kế của riêng họ khi chỉnh sửa những thứ xưa cũ ấy lại theo phong cách cá nhân, ý thích khách hàng và xu hướng thời đại. Đây cũng chính là lời giải thích của NTK Lâm Gia Khang khi được hỏi về vấn đề anh có đạo nhái ý tưởng từ Jacquemus hay không.

dao nhai thiet ke anh 4
Một tín đồ thời trang tinh ý nhận ra sự giống nhau trong thiết kế của NTK Lâm Gia Khang và Jacquemus. Ảnh: FBNV.

Thời trang và luật bản quyền

Châu Âu là cái nôi của ngành công nghiệp thời trang thế giới với những cái tên sống mãi với thời gian như Chanel, Hermès, Cartier, Prada, Burberry, Louis Vuitton, Christian Dior... Sự độc đáo và tinh tế trên từng sản phẩm dệt may xuất xưởng tại Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Thụy Sĩ... luôn được xem như chuẩn mực thiết kế của ngành thời trang toàn cầu.

Nhiều nước châu Âu luôn cố gắng bảo tồn những giá trị văn hóa xưa như các công trình kiến trúc, hội họa, văn chương và cả cách tư duy sáng tạo nghệ thuật đã có từ rất lâu. Năm 2016, nhằm bảo vệ những giá trị nghệ thuật nguyên bản trước sự phát triển quá nhanh của Internet, luật sở hữu trí tuệ của các nước châu Âu đã được bổ sung nhiều quy định chặt chẽ về việc sử dụng hình ảnh hay ý tưởng của người khác.

Tại Mỹ, luật sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang lại không hề chặt chẽ như châu Âu. Bà Diane Von Furstenberg, chủ tịch Hội đồng các Nhà thiết kế Thời Trang Mỹ đã nhiều năm liền cố gắng đấu tranh cho giới sáng tạo nhằm tăng phạm vi bảo vệ các sản phẩm trí tuệ cho ngành hàng thời trang (đặc biệt là mảng phụ kiện hay họa tiết).

dao nhai thiet ke anh 5
Quyền sở hữu trí tuệ trong ngành hàng may mặc cần được triển khai một cách triệt để trên toàn cầu để giá trị các sản phẩm cao cấp không bị sói mòi. Ảnh: Coco before Chanel.

Cái nhìn đa chiều về đạo nhái thiết kế

Một luật sư trả lời phỏng vấn với Business of Fashion: ”Nếu không có sự sao chép thiết kế, có lẽ ngành công nghiệp thời trang sẽ yếu dần và thu nhỏ lại thay vì ngày một phát triển hơn”. Thời trang vốn là vòng tuần hoàn của các xu hướng và không phải ai cũng có tiển để mua những bộ trang phục đắt tiền từ các nhà mốt danh tiếng dù là hàng sale off.

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng có thu nhập trung bình, các hãng thời trang nhanh buộc phải sao chép ý tưởng từ những nhà mốt lớn. Với giá tiền phải chăng, hợp thời và chất lượng sản phẩm tốt, thời trang "mì ăn liền" ngày càng bành trướng sự phát triển cũng như lộng hành trong việc sao chép thiết kế từ các hãng lớn. 

dao nhai thiet ke anh 6
NTK Quỳnh Paris phản đối quyết liệt làn ranh giữa lấy ý tưởng và đạo nhái: "Không có việc trùng nguồn cảm hứng, sự tương đồng. Chỉ có sự copy và những lý do chối bỏ điều đó". Ảnh: Người đưa tin.

NTK Đỗ Mạnh Cường cho rằng bản chất của thời trang là sáng tạo dựa trên những nền tảng cơ bản có sẵn, lặp lại theo chu kỳ. Trong khi đó, NTK Quỳnh Paris lại khẳng định: “Việc tạo ra một bộ váy nhái là hành động coi thường sự sáng tạo cũng như sức lao động của thương hiệu gốc”.

Có lẽ hồi kết của việc đạo nhái ý tưởng không còn nằm trong sự kiểm soát của các NTK, thay vào đó, là người tiêu dùng. Sự phát triển của các hãng thời trang nhanh chỉ phản ánh đúng quy luật cung cầu từ thị trường.





Linh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm