Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đào tạo kỹ năng nghề: Thiếu sự hợp tác từ doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp không tham gia vào quá trình đào tạo kỹ năng nghề trong nhà trường, dẫn đến thực trạng cung - cầu vênh nhau và sinh viên dễ thất nghiệp.

Phần lớn diễn giả, đại biểu tham gia chương trình Đối thoại chính sách:“Lập kế hoạch đào tạo kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”, diễn ra ngày 8 và 9/12/2015 tại TP HCM, cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo kỹ năng nghề tại các trường học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là thiếu mặn mà trong quá trình đào tạo sinh viên; cách thức để hợp tác với doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả.

GS.TS Lê Quang Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Diệp Uyên.

Theo ông Sean Kenedy, Phó giám đốc Văn phòng Quan hệ Quốc tế, Cao đẳng Niagara, Canada, một chương trình đào tạo thành công phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động một cách kịp thời.

Ông Sean khẳng định, những thông tin từ thị trường lao động là quan trọng nhất đối với việc xây dựng chương trình đào tạo nghề. Trong đó, dữ liệu đáng tin cậy là thông qua việc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp để đánh giá độ tương thích chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên.

Một số đại biểu Việt Nam băn khoăn về cách thức thu hút doanh nghiệp hợp tác với trường học, khi hiện tại, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ.

Ông Brent Howell, Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật và Tài nguyên thiên nhiên, Cao đẳng Bắc Đại Tây Dương, Canada, nói do lợi ích của đôi bên chưa gặp nhau nên khó lòng khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác.

Trao đổi với Zing.vn về làm sao kêu gọi doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo nghề, ông Philip Mondor, Chủ tịch Hội đồng nhân sự ngành Du lịch Canada, chỉ ra ba vấn đề: Ưu tiên nghĩ đến lợi ích doanh nghiệp, đưa ra nhiều cách thức hợp tác và thành lập ban cố vấn công nghiệp.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn cho chính phủ, hiệp hội nghề về chương trình đào tạo, ông Philip Mondor nêu bốn phương án hợp tác mà ông nghiên cứu ở bốn cấp độ:

Cơ bản: Bước này mang tính cung cấp thông tin để doanh nghiệp hiểu chương trình đào tạo. Khi có thông tin, họ sẽ cảm thấy thú vị để tiếp tục làm việc với nhà trường.

Tư vấn: Đòi hỏi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để biết họ cần gì, vấn đề kinh doanh và nhu cầu kỹ năng. Có thể gặp mặt trao đổi, đôi bên cùng giải quyết những thứ còn tồn đọng trong kinh doanh và giáo dục, đào tạo.

Đối tác: Nhiều trường mong muốn hướng tới, bởi doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp vào lớp học. Ví dụ, sinh viên tiếp cận nơi làm việc của doanh nghiệp.

Tài trợ: Doanh nghiệp tài trợ để nhà trường đào tạo theo yêu cầu của họ.

GS.TS Lê Quang Minh, Viện trưởng Viện quản trị Đại học, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết, tại diễn đàn lần này, có hai cấp chính sách quan trọng là Trung ương và tỉnh. Chính những vị này sẽ thu nhận kiến nghị một cách trực tiếp, từ đó có chính sách phù hợp.

“Ngoài ra, diễn đàn sẽ có kiến nghị bằng văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền” – ông Lê Quang Minh nói thêm.

Diễn đàn Đối thoại Chính sách này là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện được tổ chức hàng năm của Dự án Kỹ năng Nghề nghiệp Việt Nam (VSEP), dự án trị giá 20 triệu USD, được Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada tài trợ để hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp.

Ngành Việt Nam học đào tạo nghề gì?

Trong sự hội nhập quốc tế ngày càng lớn mạnh, thí sinh cũng khá quan tâm về ngành học này. Chuyên gia tư vấn cho biết ngành Việt Nam học có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp.


Diệp Uyên

Bạn có thể quan tâm