Ai chẳng có một đam mê, từng ước ao cuộc đời sẽ làm nên kỳ tích. Ở tuổi đôi mươi nhiều bỡ ngỡ, sẽ thật may mắn nếu hành trình theo đuổi thành công được “tiếp sức”, truyền động lực.
Thế hệ 2K chào đời và trưởng thành trong thời đại công nghệ. Họ là những người nổi trội, tài năng và bản lĩnh. Sẽ chẳng sai nếu nói đây cũng là thế hệ may mắn khi tiếp xúc với nhiều tri thức mới dễ dàng hơn các đàn anh, đàn chị.
Thế nhưng quyền lợi lại đi kèm trách nhiệm. Những trọng trách, kỳ vọng, đòi hỏi của xã hội đôi khi cũng khiến người trẻ bị choáng ngợp, tạo ra áp lực và khiến họ dễ lạc lối. Chính lúc này, sự xuất hiện của những người đi trước là cứu cánh giúp người trẻ đứng vững, tạo động lực để họ tin tưởng vào chính mình, nghiêm túc theo đuổi ước mơ và phấn đấu hết lòng vì đam mê.
Hiểu được điều này, từ năm 2007, SCG đã khởi xướng chương trình học bổng Sharing the dream - Chung một ước mơ, giúp ươm mầm và nuôi dưỡng những người trẻ tài năng, chuẩn bị cho họ nền tảng vững chắc để phát triển trong tương lai.
Khác biệt lớn nhất của thế hệ Z (những người trẻ 12-20 tuổi) so với thế hệ trước là tư duy mở. Nếu thế hệ X (những người sinh năm 1961-1981) hoài nghi và cẩn trọng, thế hệ Y (những người sinh năm 1982-1996) tò mò khám phá và dễ dàng tiếp nhận mọi thứ mới, thì Centennial (một tên gọi khác của thế hệ 2K, hay còn gọi là thế hệ Z) lại khát khao biết về thế giới ngoài kia, luôn muốn thể hiện phong cách riêng, được chủ động tạo ra xu hướng. Nói cách khác, những người trẻ ngày nay tự đặt ra nhiều thử thách và chủ động tìm tới những môi trường sống thách thức hơn.
Điển hình trong số đó là Ngọc Trinh, cô gái sinh năm 1999 đến từ Cần Thơ, một trong 20 người nhận học bổng SCG Sharing the dream dành cho những sinh viên có thành tích học tập tốt.
Cô bạn từng đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi máy tính cầm tay quốc gia, giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia môn Vật lý, là một trong số ít học sinh tiêu biểu cả nước tham dự chương trình Chắp cánh tương lai - khám phá Nhật Bản.
Năm 2017, Trinh được đến Nhật Bản học theo chương trình trao đổi. Tại đây, nữ sinh tham quan bảo tàng các giải thưởng Nobel, tận mắt chiêm ngưỡng những phát minh, công trình nghiên của nước bạn.
Khi đi lại ở Nhật, cô nhận thấy đất nước này có hệ thống tàu điện siêu tốc, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian di chuyển tới mức tối đa. Giao thông phát triển giúp kinh tế phát triển, nhưng năng lượng cho hệ thống này phải là sạch, an toàn, tiện ích.
Ấp ủ ước mơ được xây dựng và mở rộng các hệ thống cung cấp điện sạch như khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, sóng, khi thi đại học, Trinh đăng ký chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp của Đại học Bách khoa, chuyên ngành hệ thống năng lượng.
Cũng trong thời gian thuê trọ ở Sài Gòn, cô gái 19 tuổi nhận thấy phần lớn ổ cắm, hệ thống điện rất nguy hiểm. Cô lại tiếp tục mong muốn được xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia an toàn hơn, công suất lớn, hiệu suất cao phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Hệ thống này sẽ dần thay thế mạng điện cao áp 220 V, đưa xuống thành 110 V.
Ngọc Trinh là đại diện cho những người trẻ của thế hệ “Tôi” đang tích cực thể hiện sự hiện diện của mình. Đặc điểm nhận dạng của những người này là lựa chọn công việc mang đến tác động tích cực đến xã hội, tạo sự khác biệt và theo đuổi đam mê cụ thể chứ không viển vông. Hơn tất cả, họ cống hiến cho cuộc đời hơn cá nhân đơn lẻ.
Thế hệ Z sống nhiệt huyết, có cái nhìn đa chiều, tự tin vào bản thân nên quan điểm cá nhân của họ rất rõ ràng. Chính từ đó, họ sẵn sàng hành động trung thành với lý tưởng, đam mê và hạn chế việc bị tác động bởi thế giới xung quanh.
Các nhà nghiên cứu xã hội học nhận xét, những người trẻ 20 tuổi trở xuống hiện nay có một đặc tính được đặt tên là “you do you”, nghĩa là tự làm, tự tạo ra. Họ sẽ chủ động tìm đến những nguồn thông tin, tự nhận thức, lựa chọn cuộc sống độc lập, thích đổi mới tư duy, đặc biệt muốn lựa chọn công việc có đóng góp cho xã hội.
Thay vì sống ung dung hưởng thụ, họ không ngại trải nghiệm thử thách, vấp ngã và thất bại để bước tự tin trên con đường khởi nghiệp nhiều chông gai.
Hồng Khanh hiện là sinh viên năm nhất ĐH Tài chính - Marketing. Gia đinh hợp tan, cuộc sống của em gặp nhiều khó khăn khi phải tạm biệt cha, bạn bè, nhà nội ở Bến Tre để theo mẹ chuyển lên Sài Gòn, nơi hai mẹ con chia sẻ một căn gác với bà ngoại.Để trang trải cuộc sống, lo cho hai mẹ con chi phí ăn ở, đi lại, mẹ Khanh bươn trải làm đủ việc, từ nhân viên phục vụ nhà hàng, đến bán hủ tiếu. Bản thân Khanh cũng vừa đi học, vừa đi làm. Có khi em bưng bê ở tiệm cà phê, có khi làm gia sư. Lên đại học, em tiếp tục làm nhân viên bán thời gian ở một cửa hàng thời trang công sở.
Hơn tất cả, em vẫn giữ được học lực giỏi. Cũng chính trong khoảng thời gian hoang mang và rụt rè vì phải vội vàng hòa nhập vào cuộc sống mới ấy, Khanh lần đầu được tham gia vào công tác Đoàn trường, nơi em thể hiện năng lực, sự hoạt bát, thỏa sức sáng tạo và cống hiến cho xã hội.
Em từng nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn, Thành đoàn, Quận đoàn và cả Sở GD&ĐT TP.HCM vì những nỗ lực trong việc học tập và sáng tạo trong hoạt động ngoại khóa.
Hồng Khanh ấp ủ ước mơ xây dựng cơ sở từ thiện, nuôi dưỡng những người lang thang cơ nhỡ, không nhà cửa.
Từ lớp 11, khi đang là Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi, em đã thường xuyên tổ chức và kết nối các bạn thực hiện chương trình từ thiện như: Vé số gây quỹ, nuôi heo đất, thu gom ve chai… để giúp đỡ những gia đình chính sách và quyên góp cho các mái ấm tình thương.
Cuối lớp 12, em và một nhóm bạn thân từng thành lập nhóm từ thiện “Những tấm lòng đẹp” để giúp đỡ trực tiếp những người già khó khăn trên địa bàn quận 4. Sau đó, em lại tiếp tục tham gia CLB Cán bộ Đoàn trường học quận 4 (trực thuộc quận Đoàn quận 4) để được phục vụ cộng đồng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Sau thời gian ngắn, Khanh đã trở thành phó chủ nhiệm câu lạc bộ này, em dự định sẽ tổ chức thêm các hoạt động an sinh xã hội, hướng tới những cuộc đời và số phận thiếu may mắn.
“Nhiều lần đi trên những cây cầu rất đẹp, hay đi dạo ở công viên, trung tâm vui chơi của thành phố, nơi mọi người tới thư giãn hoặc nghỉ ngơi, em thường thấy những người già lang thang. Em từng nghĩ nếu chỉ cho tiền họ, em sẽ không giúp đỡ được ai lâu dài. Vậy thì em phải tạo ra một mái nhà, giúp họ có tay nghề hoặc kỹ năng. Từ đó, họ có cơ hội tự đi kiếm việc làm, như vậy mới bền vững. Họ vừa không dựa dẫm vào lòng thương của xã hội, vừa giúp cuộc sống chủ động và có tương lai hơn”, Khanh giải thích.
Không sai khi nói thế hệ Z có tham vọng nghề nghiệp nhiều hơn so với đàn anh, đàn chị trước đây.
Nếu 9X, 8X từng là những người hoang mang về định nghĩa của thành công, bối rối trước nhiều ngã rẽ được xã hội, gia đình chọn lựa cho, thì 2K lại là những người muốn nắm chắc lại vận mệnh của mình bằng cách cố gắng và phấn đấu.
19 tuổi, Ngô Tấn Trung mới trở thành sinh viên năm nhất. Việc nhập học muộn không phải bởi em thi trượt, mà gia cảnh khó khăn, không đủ tiền trang trải.
Là con thứ 3 trong gia đình có 7 người, Tấn Trung từ nhỏ đã biết đi học là con đường duy nhất giúp gia đình thoát khỏi khó khăn về kinh tế. Cha làm nghề sửa xe đạp, mẹ làm công nhân. Không lâu trước đây, mẹ em phát hiện bị các bệnh về tim, u nang; còn ba thì mang bệnh khớp và huyết áp.
Bản thân Trung cũng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, căn bệnh khó xảy ra với những người trẻ. Ngày đi khám, chính bác sĩ cũng ngạc nhiên khi một thanh niên lại mắc bệnh này với mức độ nặng đến vậy. “Khả năng lớn là do mang vác, lao động khi còn quá bé”, bệnh án của em viết vậy.
Bấy lâu nay, thứ luôn ở bên Trung ngoài sách vở, bút viết luôn là chiếc đai thắt lưng giúp cố định cột sống. Cứ vài tháng, chàng trai trẻ phải đi tái khám, tiêm thuốc.
“Nhưng chỉ giảm cơn đau thôi. Có những ngày lưng đau không thể di chuyển, không thể đứng ngồi, em chỉ biết nằm và uống thuốc giảm đau”, Trung miêu tả căn bệnh của mình, giọng nhẹ tênh.
Năm 2017, Trung đỗ ĐH Y khoa. Thế nhưng, đúng thời điểm đó, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Tiền sinh hoạt, tiền học, tiền chữa bệnh của cha mẹ và các em khiến cả nhà không còn chi phí để Trung lên Sài Gòn nhập học.
Em chấp nhận hy sinh ở nhà một năm, giúp cha mẹ trông em và chờ đợi cơ hội khác được tới trường. Thời gian đó, ngoài việc phải học lại vì chương trình thi đã cải cách, Trung còn tủi thân, mong mỏi được tới trường như bè bạn.
Năm 2018, Trung tiếp tục dự thi và đỗ ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Thật sự em rất thích, rất muốn được đi học, để theo đuổi ước mơ được trở thành một bác sĩ giỏi. Nhưng gia cảnh như vậy, em chỉ biết thầm mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra”, Trung nói về ước mơ của mình.
Học bổng SCG Sharing the dream là một trong những dự án trách nhiệm xã hội của tập đoàn SCG tại các nước ASEAN nhằm hỗ trợ cho sự phát triển con người ở địa phương tập đoàn hoạt động, thông qua giáo dục.
Tại Việt Nam, học bổng SCG Sharing the dream được khởi xướng từ năm 2007 và mang đến cơ hội học tập cho hơn 4.000 học sinh sinh viên trên cả nước.
Năm 2018, SCG Sharing the dream tiếp tục được tập đoàn tổ chức với định hướng tập trung vào đối tượng sinh viên bậc đại học. Mục tiêu của chương trình là tìm kiếm và hỗ trợ các sinh viên tiềm năng, có nhiệt huyết cống hiến và góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, chương trình sẽ bảo trợ dài hạn cho các sinh viên nhận học bổng trong suốt 4-5 năm học đại học.
Ông Sompob Witworrasakul - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty thành viên của tập đoàn SCG - phát biểu trong lễ trao học bổng: “Một trong những trọng tâm của SCG là hỗ trợ sự phát triển con người, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi tin rằng giáo dục không những là nền tảng cho sự phát triển của một cá nhân mà còn quyết định tương lai của một quốc gia. Vì vậy, SCG đã khởi xướng chương trình học bổng Sharing the dream nhằm truyền động lực cho các bạn sinh viên nhiệt huyết kiến tạo tương lai tươi sáng thông qua giáo dục.
Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ thế hệ trẻ tiềm năng của Việt Nam, khuyến khích họ góp sức cho tương lai tốt đẹp hơn của cộng đồng nơi mình sinh sống”.
Với các sinh viên được nhận sự giúp đỡ từ quỹ học bổng này, tất cả đều cho biết 2 giá trị lớn nhất mà họ nhận được từ SCG là sự giúp đỡ về tài chính và sự tin tưởng, đồng hành trên con đường thực hiện ước mơ.
Với Ngọc Trinh, em biết rằng mong muốn xây dựng lại hệ thống điện và năng lượng sạch là hoàn toàn khả thi. Với Hồng Khanh, em lần đầu tiên được lắng nghe về ước mơ xây dựng căn nhà tình thương cho người nghèo. Và Tấn Trung, em không còn đơn độc trên con đường trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người.
“Khi trao cho mình học bổng này, SCG đã chìa một bàn tay, nói rằng có rất nhiều người đồng hành, giúp đỡ, cổ vũ mình thực hiện ước mơ, rằng mình không hề lẻ loi trên bước đường phía trước. Đó mới là thứ có ý nghĩa hơn tất cả, hơn cả ý nghĩa về mặt tiền bạc”, Ngọc Trinh từng nói.
“Mình cũng tự hỏi: Liệu bản thân có xứng đáng với học bổng quý giá này? Mình chưa từng tự mãn cho rằng mình giỏi giang hay xứng đáng. Nhưng mình là cô gái sống có mục tiêu, hoài bão, và biết cố gắng để thực hiện 2 ước mơ mà mình hướng tới: Cho gia đình và cho xã hội. Mình và tập đoàn SCG có cùng điểm chung, đó là mong muốn mang lại nụ cười cho người khác”, Hồng Khanh nhận xét.
Chính niềm tin, sự đồng hành, kết nối đó là món quà vô giá mà các bạn nhận được từ quỹ học bổng để tiếp tục cố gắng. Niềm tin sẽ quyết định những mong muốn và ước mơ đó có thể trở thành hiện thực hay không.
Khả năng của con người là vô tận, và niềm tin là yếu tố giúp khơi dậy những tiềm năng đó.