Ranh giới cá nhân là một trong những yếu tố cần có cho một mối quan hệ lành mạnh.
- Tốt nghiệp Tiến sỹ Tâm lý học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội
- Tốt nghiệp Thạc sỹ Tâm lý học tại Đại học Toulouse Jean-Jaurès (Pháp)
- Tác giả sách “Một mình tìm một nửa: Tâm lý học về độc thân và tình yêu”
- Cố vấn chuyên môn tại MindCare Việt Nam và Ứng dụng tham vấn tâm lý CAROTA
Trong bất kỳ mối quan hệ nào thì việc xây dựng ranh giới cá nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để các ranh giới đó không làm ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ lại là một việc khó khăn, đặc biệt là trong tình yêu.
Chính vì vậy, việc hiểu và thiết lập chúng ở mức vừa đủ là yếu tố cần thiết cho một mối quan hệ lành mạnh. Bài viết này đề cập đến 3 dạng ranh giới cá nhân và những ảnh hưởng của nó trong chuyện tình cảm.
Ranh giới cá nhân là gì?
"Ranh giới cá nhân" và "giới hạn chịu đựng" là hai cụm từ có đôi nét tương đồng bởi chúng đều mô tả mức giới hạn mà một cá nhân cho phép những ứng xử nhất định được xảy ra với mình.
Tuy nhiên, “giới hạn chịu đựng” thể hiện sự cố gắng kìm nén, đặt bản thân thấp hơn người khác cho đến khi không thể nỗ lực được nữa. Còn “ranh giới cá nhân” cho thấy sự chủ động xác lập những nguyên tắc và tôn trọng bản thân trong mối quan hệ.
Các nguyên tắc ở mỗi người là khác nhau. Đó có thể là nguyên tắc lành mạnh, lỏng lẻo, cứng nhắc nên ranh giới cá nhân cũng có ba dạng như vậy:
Ranh giới cá nhân lành mạnh: Loại ranh giới này giúp chúng ta trải nghiệm mối quan hệ có sự tôn trọng đôi bên. Biểu hiện của loại ranh giới này là bạn sẽ có sự khách quan trong đánh giá tình huống; lắng nghe bản thân, hiểu rõ nhu cầu của mình và có khả năng nói với người khác về chúng; tôn trọng ranh giới cá nhân của đối phương.
Ranh giới cá nhân lỏng lẻo: Với ranh giới này thường khiến bạn đặt người khác lên cao hơn bản thân một cách vô lý; không tin rằng mình có quyền hoặc những nhu cầu cá nhân của mình là chính đáng; dễ phụ thuộc; có nỗi sợ bị bỏ rơi, không được yêu thương rất lớn.
Ranh giới cá nhân cứng nhắc: Đây là kết quả của nhu cầu bảo vệ bản thân thái quá. Từ đó dẫn đến những ứng xử lạnh nhạt, xa cách như một hình thức “trừng phạt” cảm xúc với đối phương; thường tạo cảm giác là một người quá ích kỷ.
Bạn có đang gặp vấn đề trong việc thiết lập ranh giới cá nhân?
Trên thực tế, việc thiết lập ranh giới cá nhân trong một mối quan hệ là không đơn giản. Để đạt được nó, đôi khi chúng ta phải đối mặt với một số vấn đề sau đây:
Làm tổn thương đối phương:
Nói với người bạn đồng hành về điều mình không hài lòng, điều cần thay đổi,... có thể làm tổn thương cảm xúc của họ.
Cuộc đối thoại có khả năng gợi ra cảm giác có lỗi, giận dữ vì “còn nhiều khuyết điểm”, “chưa đủ nỗ lực”, nhất là khi chúng ta chưa biết cách giao tiếp hiệu quả.
Sợ giảm cảm xúc yêu thương:
Không phải người yêu, người bạn đời nào cũng đủ năng lực đón nhận ý kiến của nửa kia. Những phản ứng giận dỗi, tức giận hay “chiến tranh lạnh” luôn truyền đi thông điệp là: vì em/anh muốn thay đổi nên chúng ta không còn hạnh phúc như trước.
Có những người sợ rằng khi mình đề cập đến những vấn đề đó thì tình cảm của cả hai sẽ không còn tốt đẹp như trước. Từ đó hình thành nên một nỗi sợ vô hình và không dám thiết lập ranh giới cá nhân.
Thất vọng:
Khi bạn bày tỏ mong muốn thiết lập ranh giới cá nhân mà không được đối phương lắng nghe hay không có động thái để thay đổi thì sẽ gây ra cảm giác thất vọng, thậm chí mất lòng tin.
Xung đột:
Nếu không thể trao đổi về những mong muốn của cá nhân, bạn dễ rơi vào tình trạng ngột ngạt trong chính mối quan hệ của mình. Từ đó, các nguy cơ xung đột sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Những cuộc cãi vã như vậy sẽ không bao giờ thỏa mãn được cả hai mà chỉ khiến mối quan hệ rạn nứt và thay đổi.
Thay đổi thói quen:
Ranh giới mới luôn đi kèm các thói quen, hoạt động mới. Hai người sẽ cần thời gian và sự hợp tác để dần thích ứng.
Áp lực từ những thành viên khác trong gia đình:
Những đôi chịu nhiều ảnh hưởng từ các thành viên khác trong gia đình như: con cái, cha mẹ hai bên, họ hàng,… cần những hoạt động mới được thiết lập, từ đó giảm quyền lợi, giảm vị trí của thành viên khác.
Ảnh hưởng của họ đang mạnh nên chắc chắn ý kiến của những thành viên này sẽ tạo áp lực rất lớn cho các đôi, đặc biệt là người khởi xướng thiết lập ranh giới.
Xây dựng một ranh giới cá nhân lành mạnh
Ranh giới cá nhân mập mờ luôn ẩn chứa nguy cơ hủy hoại mối quan hệ, làm tổn thương bạn và đối phương nếu không sớm tìm ra cách khắc phục.
Để có cho mình một ranh giới cá nhân lành mạnh, không làm tổn thương hay ảnh hưởng đến chất lượng của mối quan hệ thì đầu tiên bạn cần nhận biết chính xác ranh giới nào cần thiết lập: cảm xúc khó chịu đang nhắc nhở bản thân mình có nhu cầu gì?
Đánh giá xem nhu cầu chưa được đáp ứng ấy thuộc về vấn đề của bản thân hay xuất phát trong những giao tiếp với đối phương. Bởi trong mối quan hệ tình cảm lâu dài, vấn đề cá nhân của người này cũng là vấn đề của người kia.
Thế nên, sự cẩn trọng đánh giá lại không phải là nhận nhiều nhất trách nhiệm về chính mình mà là sự chuẩn bị cho những cuộc giao tiếp chất lượng của cả hai.
Bên cạnh đó, việc nói ra mong đợi của bản thân một cách chân thành, dũng cảm thể hiện cả những tổn thương của mình, tôn trọng nhau sẽ giúp quá trình trao đổi của bạn đi đúng hướng.
Đặc biệt, ranh giới cá nhân cũng là phương tiện biểu đạt cái tôi của bạn trong mối quan hệ. Bạn cần lắng nghe cảm xúc của mình, xem bản thân đã đủ chân thật chưa và được đối phương trân trọng thế nào.
Nếu cảm xúc và phẩm giá của bạn bị chà đạp thì không nên nhượng bộ hay tiếp tục chịu đựng. Còn nếu đối phương sẵn sàng đón nhận mong đợi của bạn và luôn tìm cách thay đổi thì hãy bày tỏ lòng biết ơn và cùng nhau hợp tác.
Quan sát, đánh giá trong suốt quá trình để phân biệt hành động nỗ lực chân thành với những lời nói chỉ mang tính xoa dịu.