Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Dấu ấn khắc sâu trong lòng dân tộc của đại lễ 30/4

TP.HCM rực rỡ trong đại lễ 30/4, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa qua những hình ảnh xúc động, khắc sâu trong lòng hàng triệu người.

Dấu ấn khắc sâu trong lòng dân tộc của đại lễ 30/4

TP.HCM rực rỡ trong đại lễ 30/4, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa qua những hình ảnh xúc động, khắc sâu trong lòng hàng triệu người.


Từng con đường rợp sắc cờ đỏ sao vàng, từng vỉa hè ken đặc người ngồi đợi từ lâu. Những đội hình diễu binh trang nghiêm tiến bước giữa biển người đang dõi theo.

Một chiến sĩ trẻ bất ngờ bắt gặp ánh mắt mẹ trong đám đông, cả hai chỉ kịp ôm chầm lấy nhau trong vài giây ngắn ngủi. Những đứa trẻ hân hoan vẫy cờ khi đoàn xe cơ giới đi qua. Có người lính rút kẹo từ túi áo, nhẹ nhàng xoa đầu, phát cho từng em nhỏ.

TP.HCM vừa trải qua những ngày tháng tư rực rỡ - nơi quá khứ và hiện tại giao nhau trong đại lễ 30/4 của dân tộc.

dieu binh anh 1

Những đêm tháng tư không ngủ

Trước đại lễ 30/4, sắc cờ phủ lên khắp các tòa nhà, văn phòng, quán cà phê cho đến những tuyến đường lớn nhỏ. Những địa điểm như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh… luôn đông đúc. Người dân mặc áo dài hoặc những chiếc áo thun in dòng chữ “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, “Tự hào người Việt Nam” và mang theo cờ Tổ quốc xếp hàng kín lối vào.

Những ca từ của Đất nước trọn niềm vuiNhư có Bác trong ngày đại thắng có thể được cất vang ở bất kỳ đâu, trong căn nhà nằm sâu cuối con hẻm, quán cà phê ven đường hay góc chờ đèn đỏ giữa trung tâm quận 1.

dieu binh anh 6

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phủ kín khắp nơi trong những ngày tháng tư đặc biệt ở TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.

“Hãy ngước nhìn bầu trời với tất cả niềm tự hào”, lời nhắn được truyền đi giữa những ngày không quân hợp luyện trên bầu trời TP.HCM. Cảnh tiêm kích sải cánh qua Bitexco; trực thăng kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua Dinh Độc Lập đã trở thành ký ức khó phai nhạt trong lòng người dân thành phố.

dieu binh anh 7
dieu binh anh 10

Người dân ngắm nhìn các trực thăng, tiêm kích tập luyện cho đại lễ 30/4 trên bầu trời TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Trên công viên Bến Bạch Đằng, nhiều em bé được bố mẹ hóa trang thành “chiến sĩ nhí” với mũ tai bèo, khăn rằn, ngồi trên vai các chú bộ đội chụp ảnh. Những cặp đôi tay trong tay ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của đời mình giữa khung cảnh hùng tráng của trận địa pháo. Nhiều cựu chiến binh cũng hòa vào dòng người nơi đây.

dieu binh anh 11

Giữa nắng cháy tháng tư, các chiến sĩ vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ. Làn da rám nắng sạm đen vì phơi ngoài trời nhiều ngày, chỉ còn thấy ánh mắt sáng và nụ cười hiền trên khuôn mặt. Sau giờ luyện tập, nhiều chiến sĩ hòa mình vào những buổi giao lưu văn nghệ cùng người dân. Ban đầu là những câu hát còn ngượng nghịu, rụt rè, nhưng chỉ vài phút sau đã thành bản hợp xướng rộn vang giữa lòng thành phố.

dieu binh anh 16

Người dân phủ kín các tuyến đường ở trung tâm TP.HCM để chờ xem diễu binh. Ảnh: Thuận Thắng - Duy Hiệu.

Đêm trước ngày tổng duyệt (27/4) và lễ diễu binh chính thức (30/4), vỉa hè trung tâm TP.HCM trở thành không gian sinh hoạt chung náo nhiệt. Người dân mang theo ghế xếp, lều bạt, thức ăn nhẹ… đến từ sớm để chọn chỗ ở Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, vỉa hè Nam Kỳ Khởi Nghĩa… chờ xem diễu binh sáng hôm sau.

Nhiều nhóm bạn trẻ và các gia đình không quen biết trò chuyện như đã thân nhau từ lâu. Sau vài câu hỏi han, mọi người bắt đầu mời nhau bánh trái, san sẻ nước uống.

- Con có ít bánh ngọt mời gia đình mình ạ.

- Cảm ơn con nhiều nha, lấy mấy trái mận về ăn nè.

dieu binh anh 17

Lễ diễu binh còn là dịp để người dân san sẻ yêu thương, sự quan tâm. Ảnh: Linh Huỳnh.

Tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn trước trung tâm thương mại Takashimaya, gia đình anh Nguyễn Ngọc Việt (37 tuổi) có mặt từ 10h sáng 29/4, trải bạt chọn chỗ đẹp để chờ xem lễ diễu binh. Đến chiều tối, khu vực này đông kín người. "50 năm mới có một lần như thế này nên chúng tôi không ngại đông, cũng chẳng ngại nóng", anh Việt chia sẻ.

Ngồi gần đó là nhóm thanh niên ở Đồng Nai, chạy xe máy lên từ sáng sớm. Hành trang của họ là vài phần đồ ăn nhanh, mấy chai nước và hai lá cờ Tổ quốc.

Về khuya, những ngọn đèn vàng trải dài trên những con phố. Ở đó, không còn khoảng cách giữa lạ và quen, giữa thế hệ từng sống qua chiến tranh và lớp trẻ lớn lên trong hòa bình. Tất cả cùng hướng về một buổi sáng đặc biệt - nơi lịch sử sống lại trong tiếng bước chân rộn vang giữa thành phố mang tên Bác.

Đi giữa lòng nhân dân

Sau khi đi qua lễ đài trên đường Lê Duẩn, các khối diễu binh, diễu hành tiếp tục tiến về phía Dinh Độc Lập rồi tỏa ra các tuyến phố trung tâm. Những bước chân nhịp nhàng từ buổi lễ trang nghiêm bắt đầu hòa vào vòng tay của nhân dân.

Từ góc nhìn trên cao, đội hình các lực lượng như dải ruy băng sống động với những mảng màu sắc vuông vắn lướt giữa phố phường. Màu cờ đỏ trải dọc các tuyến đường, đan xen cùng sắc quân phục, chuyển động giữa biển người đông kín hai bên vỉa hè.

Các đoàn diễu binh, diễu hành lần lượt đi qua, tiếng hô vang dội, từng đợt vỗ tay như sóng cuộn. Những em bé ngồi trên vai cha giơ cao lá cờ nhỏ, gương mặt rạng rỡ. Cụ ông tóc bạc ngồi trên ghế xếp, tay chắp trước ngực, đôi mắt ngân ngấn lệ. Nhiều cựu chiến binh được các bạn trẻ nhường chỗ ngồi thoải mái hơn ở phía trước.

- Bác ơi, bác lên trước đi ạ

- Xa thế, bác lên có sao không?

- Ở đây là con cháu bác hết, bác lên đi ạ!

Đoàn Quân nhạc tiến qua, trống và kèn vang lên bài Như có Bác trong ngày đại thắng Sài Gòn đẹp lắm. Người dân hai bên đường lập tức hòa giọng, không phân biệt tuổi tác.

dieu binh anh 26

Khi đoàn cuối cùng đi qua, người dân bắt đầu hòa vào nhau để bước theo sau các chiến sĩ. Mỗi bước chân, mỗi ánh nhìn, mỗi lá cờ vẫy lên đều là chứng nhân cho khoảnh khắc lịch sử này.

dieu binh anh 29

Quân dân như hòa làm một sau buổi diễu binh nghiêm trang. Ảnh: Thuận Thắng.

Tại các bến tập kết, quân dân như hòa làm một với những cái bắt tay, lời hỏi thăm và điệu nhảy. Một chiến sĩ được cô gái mới gặp lần đầu tặng chiếc khăn rằn Nam Bộ. Các quân nhân dùng kẹo bánh, trái cây, nước uống để đáp lại những bông hoa hay tình cảm quý mến họ nhận được từ người dân.

Sau nhiều tháng xa gia đình để tham gia huấn luyện diễu binh 30/4, nhiều chiến sĩ được gặp lại những người thân yêu. Cái nắm tay, cái ôm, nụ hôn ngắn ngủi ở điểm tập kết trước khi các đoàn xe trở về đơn vị chứa đựng nhiều cảm xúc.

Một chiến sĩ vẫn mân mê bông hoa hồng bạn gái nhét vội vào tay trên suốt quãng đường trở về đơn vị.

dieu binh anh 30

Chiến sĩ diễu binh hát, nhảy dân vũ cùng người dân tại công viên 23 tháng 9. Ảnh: Vương Toàn.

Đêm hội ánh sáng và âm thanh

21h tối 30/4, bầu trời TP.HCM bừng sáng với màn pháo hoa nghệ thuật đặc sắc, tạo điểm nhấn trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Pháo hoa bắn từ 30 điểm trên khắp thành phố, trong đó có 2 điểm tầm cao, khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và đền Bến Dược (Củ Chi), cùng nhiều điểm bắn tầm thấp khác.

dieu binh anh 31

Tối 30/4, thành phố tổ chức bắn pháo hoa chào mừng dịp kỷ niệm 30/4 với 30 điểm bắn, tần suất pháo dày và rực rỡ hơn so với 2 buổi trước đó. Ảnh: Chí Hùng.

Từng đợt pháo hoa bừng lên giữa đêm tối, rực rỡ hắt lên các tòa nhà cao tầng và các công trình mang tính biểu tượng của thành phố như Landmark 81, cầu Ba Son, tòa nhà Bitexco… Các công trình này là hiện thân của hình ảnh hiện đại, vươn mình trong kỷ nguyên phát triển của thành phố mang tên Bác.

Từ các địa điểm ngắm pháo hoa như công viên Bến Bạch Đằng hay cầu Sài Gòn, người dân đổ về chiêm ngưỡng pháo hoa ôm trọn thành phố.

dieu binh anh 32

Bên cạnh đó, màn trình diễn 3D Mapping diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM với chủ đề chung "Sắc màu Thành phố Bác". Màn trình chiếu ánh sáng biến tòa nhà thành phông nền sống động, mãn nhãn.

Trong ánh đèn rực rỡ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, xe tăng, chim bồ câu, hoa hướng dương… lần lượt xuất hiện trên mặt tiền tòa nhà, hòa cùng nhạc phẩm Đất nước trọn niềm vui do NSND Tạ Minh Tâm thể hiện.

Khép lại những ngày rực rỡ cuối tháng tư, TP.HCM trở về nhịp sống thường nhật. Giữa lòng đô thị hiện đại, những bước chân diễu binh hùng tráng để lại ký ức khó phai nhạt trong nhiều người dân. Đại lễ năm nay là sự kiện kỷ niệm, đồng thời là ngày hội kết nối quá khứ và hiện tại, để mỗi người con đất Việt thêm trân trọng hôm nay, gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc, viết tiếp câu chuyện hòa bình.

dieu binh anh 41




Huệ Lâm

Ảnh: Thuận Thắng - Duy Hiệu - Phương Lâm - Linh Huỳnh - Chí Hùng - Xuân Tiến - Vương Toàn - Hoàng Vũ - Anh Tú

Bạn có thể quan tâm