Để đảm bảo thói quen ăn uống cũng như tôn trọng văn hóa truyền thống của khách, một số khách sạn lên thực đơn riêng với 100% món Ấn. |
Ông Lê Toàn Thắng (54 tuổi), bếp trưởng tại khách sạn Công Đoàn (Quảng Bá, Hà Nội), bất ngờ khi thấy một số du khách từ Sun Pharma có thể ăn nhiều món Việt do mình chế biến. Các món mì xào, rau xào rất được yêu thích, những đĩa trái cây tráng miệng thường trống trơn sau mỗi bữa ăn.
Từ 27/8 đến 31/8, ông Thắng phối hợp cùng đầu bếp người Ấn của đoàn phục vụ các bữa sáng, trong đó ông phụ trách riêng 12 món thuần Việt. Chỉ có 3 món truyền thống của Ấn Độ được phục vụ tại đây.
Trước đó, ông biết rằng người Ấn khắt khe trong ăn uống. Vì vậy, khi khách tỏ ra yêu mến các món địa phương, ông rất vui mừng.
"Có thể họ lo lắng không quen với ẩm thực Việt nên mang cả đồ ăn truyền thống và đầu bếp đi theo đoàn", ông Thắng nói với Tri Thức - Znews.
3 món truyền thống Ấn Độ được đầu bếp của đoàn nấu riêng tại nhà hàng chuyên món Ấn, sau đó đưa về khách sạn phục vụ. Ngoài trà Masala Chai, hai món còn lại sẽ được các đầu bếp thay đổi liên tục, mỗi ngày 2 món khác nhau.
Đoàn du khách từ Sun Pharma lưu trú tại khách sạn. |
Trong khi đó, 12 món Việt ăn sáng do ông Thắng đứng bếp bao gồm salad, bánh mì bơ, mứt, trứng ốp la, mì xào, cháo hoa, bún ngan măng, rau xào, cari gà khoai tây, cơm trắng, cơm rang, trái cây, bánh ngọt, cà phê...
Phục vụ cùng lúc hàng trăm thực khách, ông Thắng và đội ngũ bắt tay làm việc từ 4h sáng. Các công đoạn sơ chế nguyên liệu, chế biến thực hiện trong khoảng 3 tiếng.
"Khoảng 6h, đầu bếp người Ấn sẽ mang 3 món truyền thống của họ sang để phục vụ bên cạnh các món Việt. Bắt đầu từ 7h, du khách sẽ lần lượt có mặt để dùng bữa sáng tại đây", ông Thắng nói.
Lần đầu tiên đón đoàn khách Ấn Độ lên đến cả nghìn người, đầu bếp Thắng bày tỏ niềm tự hào. Ông tự tin những món ngon của Việt Nam sẽ chinh phục được khẩu vị nổi tiếng khắt khe của người Ấn.
Đoàn du khách Ấn Độ thường chỉ dùng bữa sáng tại khách sạn, bữa trưa và tối sẽ dùng tại điểm tham quan. |
Trong khi đó, tại những khách sạn khác nơi đoàn 4.500 du khách Sun Pharma lưu trú, thực đơn hầu hết là món Ấn.
Như tại khách sạn Pan Pacific Hà Nội, bếp phó Nguyễn Kim Lan cho biết để đảm bảo thói quen ăn uống cũng như tôn trọng văn hóa truyền thống của khách, đơn vị lên thực đơn riêng với 100% món Ấn.
"Đoàn lưu trú tại khách sạn chúng tôi có riêng 1-2 đầu bếp Ấn, sử dụng khu bếp riêng để chế biến một số món đặc biệt với gia vị từ quê hương. Nhiều loại thực phẩm cũng nhập từ Ấn Độ sang. Trong đoàn có khoảng 50 khách ăn chay, không sử dụng thịt, gia cầm, hải sản, cá, trứng, sữa, mật ong và 2 khách theo đạo Jain nên không ăn các loại củ có rễ mà chỉ ăn đồ xay nhuyễn", bà Lan chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Điều thách thức đối với đội ngũ nhà bếp khách sạn là phải sắp xếp một khu sơ chế riêng để tránh nhầm lẫn đồ ăn và gia vị. Đồ ăn Ấn Độ có hương vị đậm đặc và mùi rất đặc trưng nên sẽ để riêng gia vị, không được để gần các loại đồ ăn khác.
Các món Ấn phục vụ đoàn được chính đầu bếp Ấn Độ chế biến, tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ ăn khác biệt. |
Ngoài ra, để đảm bảo đúng hương vị món ăn "quê nhà" cho du khách, nhiều loại gia vị khách sạn sẽ nhập trực tiếp từ Ấn Độ về. Có hơn 40 loại gia vị cần phải có để chế biến các món ăn. Nhiều loại không rõ ràng và chỉ được sử dụng ở một số vùng nhất định.
Với chuyến đi này, đoàn yêu cầu nhiều nhất hạt bạch đậu khấu (cardamom), đinh hương (clove), quế (cassia), tiêu đen (black pepper), thì là (cumin), hạt rau mùi (coriander), thảo quả xanh (green cardamom), hành tỏi, bột hỗn hợp garam masala. Các gia vị này thường sẽ được sơ chế đun sôi để thành các loại nước xốt sệt, ăn cùng bánh chapati, bánh phồng chiên Pani puri và các loại bánh, sữa chua khác.
"Thường trong quá trình chế biến đồ ăn, đội ngũ đầu bếp của chúng tôi sẽ đứng chế biến cùng các đầu bếp Ấn. Điều làm tôi ấn tượng đó là các họ tuân thủ nguyên tắc với các loại gia vị. Phải đúng chủng loại, mỗi món đều nhiều gia vị nhưng phải đủ. Không được sử dụng các loại vị khác để thay thế và cũng không cho phép có sự sáng tạo hay biến tấu đối với các món ăn và các loại xốt. Bởi với người Ấn Độ, món ăn không chỉ là để thưởng thức mà còn thể hiện tín ngưỡng. Điều đó được thể hiện qua những thói quen, tập tục ăn uống, từ đó mang lại sự bình an về tinh thần", bà Lan chia sẻ.
Đoàn 4.500 du khách Sun Pharma đến Việt Nam theo nhiều đoàn nhỏ, lưu trú tại 11 khách sạn tại Hà Nội. |
Tuy nhiên, khách sạn cũng muốn giới thiệu thêm với nước bạn món ăn của Việt Nam. Phía đầu bếp Ấn Độ đồng ý thêm các món liên quan đến rau củ quả tươi, salad, sữa chua, do thói quen của họ sẽ dùng đồ khai vị tươi trước khi ăn các món chính.
Bà Lan cho hay mỗi lần phục vụ đoàn, khách sạn sẽ huy động khoảng 20 nhân viên bếp và 10 nhân viên phục vụ tại nhà hàng. Do đồ ăn đều có dạng xốt sệt, đa dạng nhiều loại nên cần rất nhiều bát và khay đựng sau mỗi bữa. Đặc biệt, những đồ ăn này cần được giữ nóng liên tục, trong khi người Ấn chỉ ăn đồ nóng nên nhân viên tạp vụ cần thường xuyên dọn rửa và sắp xếp.
Sun Pharmaceutical Industries Limited (Sun Pharma) là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Ấn Độ và cũng thuộc top 4 nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới.
Tập đoàn được thành lập vào năm 1983, hiện có mạng lưới nhà máy sản xuất và cơ sở nghiên cứu tại nhiều quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Canada, Mexico, Israel và các nước châu Âu. Công ty xuất khẩu sản phẩm của mình đến hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.